28/03/2024 lúc 22:48 (GMT+7)
Breaking News

TP. Thanh Hóa: Bước chuyển mình của vùng đất "địa linh"

VNHN - Trên dải đất hình chữ S, có một thành phố với vị trí đắc địa, nơi sản sinh ra các giá trị văn hóa truyền thống, quê hương của nhiều bậc danh nhân hiền tài. Trong thời gian qua, thành phố Thanh Hóa đã và đang “chuyển mình” nhờ thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là công tác thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

VNHN - Trên dải đất hình chữ S, có một thành phố với vị trí đắc địa, nơi sản sinh ra các giá trị văn hóa truyền thống, quê hương của nhiều bậc danh nhân hiền tài. Trong thời gian qua, thành phố Thanh Hóa đã và đang “chuyển mình” nhờ thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là công tác thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thành phố Thanh Hóa cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Bắc, nơi đây được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hoá, Bắc Trung bộ Việt Nam. Thanh Hóa cũng là đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với vùng Bắc Trung Bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng; là đô thị phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển công nghiệp sạch công nghệ cao. Thành phố đã được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào ngày 29 tháng 4 năm 2014 tại quyết định số 636/ QĐ- Ttg, nhân dịp kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập thành phố.

Đặc biệt, hệ thống đô thị Thanh Hóa hình thành từ lâu đời và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, thành phố Thanh Hóa là đô thị trẻ, nằm hai bên bờ sông Mã, có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, khí hậu khá ôn hòa.

Do đó, trong thời gian qua thành phố đã tận dụng tốt những thuận lợi về tự nhiên và con người để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm hành chính thành phố Thanh Hóa

Thành phố Thanh Hóa luôn xác định xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và thực tiễn cấp bách đặt ra trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt mang tính tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng cùng quyết tâm cải biến sâu sắc khu vực nông thôn có một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện; các cấp ban ngành và nhân dân thành phố Thanh Hóa đã bắt tay vào cuộc với một quyết tâm to lớn, nhằm đạt và vượt mục tiêu chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Để xây dựng thành công Chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo thành phố xác định việc đầu tiên phải làm là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, làm cho người dân hiểu rõ vai trò của người dân là chủ thể xây dựng NTM, lấy nội lực là căn bản, tự giác tham gia, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước hỗ trợ tích cực, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội và giúp cho cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM; lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” làm mục tiêu định hướng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng NTM.

Trong đó, Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố, phòng Văn hóa - Thông tin trong 7 năm qua đã xây dựng hơn 390 chuyên mục, bài viết về xây dựng NTM, tuyên truyền trực quan: 11.505 pano, áp - phích, tờ rơi; hơn 2.400 tài liệu tuyên truyền các loại được cấp phát cho BCĐ xã. Ngoài ra, thành phố đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức hội thi “Nhà nông tài giỏi”.

Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo mang lại hiệu quả tích cực, cụ thể: Mô hình “Trồng hoa, cây cảnh thay cỏ dại ven đường”, mô hình “Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh đồng ruộng và chất lượng an toàn thực phẩm” đã vận động các xã đồng loạt triển khai thực hiện và bước đầu đạt những kết quả khả quan đến nay thành phố đã có 20 xã, phường đạt tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phố đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ về xây dựng xã, phường đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các mô hình “Cựu chiến binh phối hợp tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Môi trường không rác thải tại một số công trình công cộng, dòng sông, di tích”, “Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế” của Đoàn thanh niên; mô hình “Cùng chung tay xây dựng NTM” của Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng được triển khai rộng khắp và đạt được nhiều kết quả.

Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã từng bước được nâng cao; người dân đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của xây dựng NTM, thấm nhuần chủ trương: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân hưởng thụ, người dân là chủ thể.

Ngoài việc tuyên truyền, đôn đốc, động viên thì tỉnh Thanh  Hóa cũng chú trọng công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; phát động các phong trào thi đua, nhằm phát huy vai trò chủ thể và sự chủ động vào cuộc tích cực của người dân trong xây dựng NTM.

Khoảng xanh thành phố Thanh Hóa

Tổng nguồn lực huy động cho việc xây dựng NTM từ năm 2012 đến nay, toàn thành phố đạt 4.073,0 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 44,0 tỷ đồng, chiếm 1,08%; Ngân sách tỉnh: 73,0 tỷ đồng, chiếm 1,78%; Ngân sách thành phố: 330,0 tỷ đồng, chiếm 8,11%; Ngân sách xã: 712,0 tỷ đồng, chiếm 17,48%; Vốn vay tín dụng: 60 tỷ đồng, chiếm 1,47%; Doanh nghiệp, HTX: 297,0 tỷ đồng, chiếm 7,30%; Nhân dân tham gia (tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở, vườn tạp......): 2.557,0 tỷ đồng, chiếm 62,78%. Nhân dân tham gia đóng góp tiền mặt: 167 tỷ đồng, chiếm 6,53%; Nhân dân tham gia ngày công lao động: 197 tỷ đồng, chiếm 7,7%; Nhân dân tham gia hiến đất: 543 tỷ đồng, chiếm 21,24%;  Nhân dân tự xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhà cửa: 1.650 tỷ đồng, chiếm 64,53%.

Nhờ vậy mà trong thời gian qua thành phố Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tích, thành tựu đáng khen ngợi: “Số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM: 17 xã, đạt tỷ lệ 100%, trong đó: 05 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2013-2016 theo Bộ tiêu chí quốc gia 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 4296/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; 12 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2019 theo Bộ tiêu chí quốc gia 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1415/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 – 2020”.

Ngoài ra các công tác xây dựng đường giao thông, điện đường, trường, trạm trên địa bàn thành phố cũng có bước chuyển biến rõ nét.

Tin rằng với sự đoàn kết, đồng lòng hợp sức, phối hợp nhuần nhuyễn của các cấp chính quyền và nhân dân sẽ góp phần đưa thành phố Thanh Hóa ngày càng phát triển và tiếp tục có nhiều bước chuyển mình đáng được khen ngợi; là điểm sáng đáng được học học hỏi, nêu gương.