20/04/2024 lúc 20:36 (GMT+7)
Breaking News

TP Hồ Chí Minh: Nếu có trách nhiệm dân sự, Grab hay đối tác vận tải chịu trách nhiệm?

VNHNO - Sáng 22/10, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày làm việc thứ tư trong vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi).

VNHNO - Sáng 22/10, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày làm việc thứ tư trong vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi).

Liên quan đến trách nhiệm dân sự khi xảy ra mà Chủ tọa phiên tòa đưa ra dành cho Grab, theo đại diện Grab, Grab chỉ cung cấp và hỗ trợ phần mềm kết nối, còn về quản lý tài xế do các hợp tác xã (HTX) và các công ty vận tải (đối tác với Grab).

Phiên tòa tiếp tục ngày làm việc thứ tư trong vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và GrabTaxi

Hai bên giữ nguyên quan điểm

Trình bày quan điểm trước Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện Grab một lần nữa cho rằng Grab thực hiện Đề án 24 (về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) với tư cách cung ứng công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải. Grab hợp tác kinh doanh với hơn 300 đơn vị kinh doanh vận tải, HTX với số lượng xe lớn. Cước phí là do thỏa thuận với các HTX, đơn vị kinh doanh vận tải, sau đó sẽ được phần mềm công nghệ xác định cụ thể.

Về việc khách hàng trả tiền, Grab chỉ thu hộ đối tác, hoặc khách hàng chuyển vào tài khoản đối tác theo thỏa thuận. Grab thực hiện đúng theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông - Vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Trong khi đó, phía Vinasun giữ nguyên quan điểm cho rằng Grab là công ty công nghệ, không được phép kinh doanh dịch vụ vận tải theo Quyết định 24. Thế nhưng trên thực tế hoạt động của Grab là doanh nghiệp vận tải taxi là trái với quy định cho phép. Grab thực hiện việc điều động xe, xác định giá cước, thu cước phí, thưởng phạt tài xế. Grab được toàn quyền áp dụng và lựa chọn phương pháp tính giá cước, mua bảo hiểm tai nạn dân sự tự nguyện cho đối tác lái xe và hành khách đi xe.

Khi đặt xe và sử dụng dịch vụ Grab, khách hàng thanh toán bằng cách chuyển thẳng từ tài khoản của khách hàng vào tài khoản Grab nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng. Việc này khẳng định khách hàng đã thanh toán cho dịch vụ vận chuyển, chứ không phải thanh toán cho việc thuê phần mềm dịch vụ.

Ông Trương Đình Quý - đại diện cho phía Vinasun nhấn mạnh: “Lợi thế giá rẻ của Grab còn dựa trên lợi thế doanh nghiệp này trốn thuế. Trong 3 năm 2014-2016, thực hiện hàng chục triệu cuốc xe, Grab chỉ đóng thuế 9,5 tỷ đồng, còn Vinasun đóng xấp xỉ 1.200 tỷ đồng”.

Tuy không có hợp đồng, không có căn cứ pháp luật nào, nhưng Grab trực tiếp chuyển tiền thu được từ kinh doanh taxi, phân chia doanh thu với các tài xế. Điều này làm biến dị mô hình kinh doanh theo Quyết định 24, làm rối loạn công tác hạch toán, kế toán, tạo kẽ hở trốn thuế.

Từ đó, Vinasun đề nghị HĐXX tuyên Grab là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải là doanh nghiệp cung ứng phần mềm dịch vụ và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 41 tỷ đồng.

Grab không có trách nhiệm gì với đối tác tài xế

Về căn cứ mà Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng, mà Thẩm phán Lê Công Toại - chủ tọa phiên tòa đặt ra cho Vinasun thì đại diện Vinasun cho hay, căn cứ vào hoạt động thua lỗ từ doanh nghiệp trong vận tải hành khách bằng taxi, khi mà Grab hoạt động vận tải bằng taxi trái quy định.

Liên quan đến trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước, Vinasun cho biết, ngoài việc đóng thuế VAT 10%, thì Vinasun đóng thêm 20% doanh thu lợi nhuận, ngoài ra còn đóng báo hiểm xã hội, y tế… cho mỗi người lao động. Cụ thể, trong 3 năm 2014-2016, Vinasun đóng xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, với số lượng chỉ 6.000 đầu xe. Trong khi đó, Grab chỉ đóng thuế 9,5 tỷ đồng, với trên 33.000 đầu xe hoạt động hiện nay.

Vinasun cũng tuân thủ nghiêm ngặt về quy định quản lý giá cước. Theo đó, căn cứ vào mặt bằng chung của thị trường, sau đó, đăng ký giá cước cho Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, theo thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, để đưa ra mức giá cước theo quy định của Nhà nước. Trong trường hợp tăng hay giảm giá cước, Vinasun sẽ làm đơn xin ý kiến của Sở Tài chính và nếu đồng ý mới được phép thực hiện với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Đến phần hỏi của Thẩm phán Lê Công Toại dành cho bị đơn là Grab liên quan đến quy mô đầu tư, tình hình kinh doanh cũng như lợi nhuận từ hoạt động của Grab. Ông Jerry Lim - đại diện cho Grab cho hay, hiện Grab hoạt động kinh doanh tại 8 nước với hơn 100 thành phố thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong đó, một số nước bắt đầu đầu tư, một số nước đã có lợi nhuận. Tại Việt Nam, năm 2014 đến nay chưa có lợi nhuận, còn năm 2018 chưa hết nên chưa thống kê được. Vốn điều lệ của Grab tại Việt Nam vẫn giữ ở con số 20 tỷ đồng.

Về phần cước phí và phân chia cước phí, chủ tọa đặt nhiều câu hỏi liên quan như: Căn cứ dựa vào đâu để chia ra tỷ lệ chiết khấu giữa lái xe với Grab? Chi phí chiết khấu thay đổi căn cứ vào đâu? Grab có quyền tăng hay giảm chiết khấu hay không? Dựa vào đâu để tài xế biết mức chiết khấu? Mức cước vận chuyển ai đưa ra?... Theo đại diện Grab thì các đối tác vận tải và hợp tác xã vận tải sẽ đề xuất giá cước. Sau đó giá cước chung của thỏa thuận này sẽ được lập trình và đưa ra mẫu chung trên hệ thống nền tảng công nghệ quản lý bằng các thuật toán dự đoán trí tuệ nhân tạo. “Chúng tôi không quản lý tài xế mà chỉ làm việc trực tiếp với các đối tác là HTX vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Jerry Lim khẳng định.

Điều kiện để tài xế đăng ký chạy  grab? Ai sẽ quản lý tài xế? - chủ tọa đặt câu hỏi. Phía Grab cho biết, trước hết, tài xế phải làm việc với công ty vận tải hoặc HTX vận tải, sau đó đến Grab cung cấp giấy tờ liên quan như: Hợp đồng ký kết với các đối tác vận tải, thông tin chứng minh nhân dân, bằng lái xe, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp… Sau đó, Grab sẽ đào tạo và mở công nghệ kết nối chạy xe.

Về trách nhiệm quản lý tài xế, Grab cho hay, do các HTX, các đơn vị kinh doanh vận tải quản lý, Grab chỉ hỗ trợ cung cấp phần mềm kết nối chạy xe, Grab không có bất cứ gì liên quan đối với đối tác tài xế, không hợp đồng lao động...

HTX cũng bảo không quản lý tài xế, vậy ai quản lý tài xế? - Thẩm phán Lê Công Toại chất vấn. Theo luật sư đại diện cho Grab thì Grab chỉ ký kết và làm việc với các HTX, các đơn vị vận tải còn Grab hoàn toàn không quản lý, chỉ hỗ trợ và cung cấp phần mềm công nghệ kết nối gọi xe.

Cũng theo xác nhận của chủ tọa phiên tòa, khi làm việc trực tiếp với các HTX vận tải thì các đơn vị này cũng không thừa nhận quản lý tài xế.

Như vậy, theo Thẩm phán Lê Công Toại thì Grab có quản lý không? Nếu có thì quản lý như thế nào? Grab chỉ cung cấp công nghệ kết nối chứ không có quyền hành gì với lái xe? Một lần nữa, ông Jerry Lim khẳng định, Grab là đơn vị cung ứng và hỗ trợ phần mềm kết nối lái xe, chỉ dùng công nghệ để hỗ trợ các HTX, các doanh nghiệp vận tải quản lý tài xế. Sau đó, chủ tọa phiên tòa tiếp tục nhắc đại diện Grab trình bày không theo sát câu hỏi của tòa.

Chiều 22/10, tòa tiếp tục làm việc./.