29/03/2024 lúc 03:14 (GMT+7)
Breaking News

TP Hồ Chí Minh: Báo động bệnh tay chân miệng ở trẻ em tăng cao

VNHNO - Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, bệnh tay chân miệng đã tăng đột biến từ giữa tháng 9. Ghi nhận tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM cho thấy trong những ngày qua số bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng tăng cao ở mức báo động.

VNHNO- Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, bệnh tay chân miệng đã tăng đột biến từ giữa tháng 9. Ghi nhận tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM cho thấy trong những ngày qua số bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng tăng cao ở mức báo động.

Trong sáng thứ 5 ngày 27/9, tại khoa Nhiễm- Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM có tổng cộng 140 bệnh nhi đang nằm nội trú để điều trị bệnh tay chân miệng. Trước đó một ngày, con số này là 170 bệnh nhi và đặc biệt vào hôm thứ 2 ngày 24/9 con số bệnh nhi điều trị lên đến 220 bé.

Trong đó, số bệnh nhi sống tại TP.HCM chiếm 40%, còn lại đến từ các tỉnh thành khác. Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 2 thì lượng bệnh nhi nhập viện cũng tăng đột biến. Thông tin từ bệnh viện cho biết lượng bệnh nhi trong tháng 9 này cao gấp 5 lần bình thường, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 150 ca bệnh tay chân miệng, trong đó nhiều trường hợp phải chăm sóc tích cực để ngăn chặn khả năng tử vong.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì trong tuần trước đã có 1 bệnh nhi tử vong vì tay chân miệng do nhập viện trễ dẫn đến tình trạng sốc độ 4. Hiện tại trong số các bệnh nhi đang điều trị thì có 20 em đang được chăm sóc đặc biệt do biến chứng bệnh.

Theo các xét nghiệm cho thấy hầu hết các ca bệnh đều do chủng virút EV71 gây nên với độc tính cao và lây lan nhanh. Nếu không điều trị kịp thời rất dễ biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, suy tim rất dễ tử vong.

Số bệnh nhi mắc tay chân miệng đang tăng cao ở mức báo động

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thì từ đầu năm đến nay thành phố có 3.195 ca trường hợp trẻ em bị mắc tay chân miệng, đó là chưa kể lượng bệnh nhi từ những nơi khác đưa đến điều trị tại các bệnh viện. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp với Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố và đại diện các bệnh viện nhi để tiếp tục có hướng khống chế dịch bệnh.

Theo đó, những gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi phải hết sức cẩn trọng trong việc phòng bệnh tay chân miệng. Trường hợp trẻ đang đội tuổi đi học mắc bệnh cần nhanh chóng thông báo cho nhà trường để thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn. Phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học (tối thiểu 10 ngày) cho đến khi hết bệnh, có giấy xác nhận của bác sĩ mới đưa trẻ đi học trở lại./.