19/04/2024 lúc 23:13 (GMT+7)
Breaking News

Tổng thống Trump: Xưa tham vọng, nay cầu vọng

VNHN - 17 tháng trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chính thức khởi động cuộc vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 2. Triển vọng tái đắc cử sẽ ra sao? Những nhân tố "thuận" và "nghịch" nào trong tranh cử lần này?

VNHN - 17 tháng trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chính thức khởi động cuộc vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 2. Triển vọng tái đắc cử sẽ ra sao? Những nhân tố "thuận" và "nghịch" nào trong tranh cử lần này?

Ông Trump tuyên bố chính thức tái tranh cử Tổng thống Mỹ ở thành phố Orlando, Florida. (Nguồn: Reuters)

Cách đây 4 năm, khi ông Trump tuyên bố ứng cử tổng thống Mỹ, cả trong Đảng Cộng hoà Mỹ lẫn nhìn chung ở nước Mỹ chỉ có rất ít người tin rằng ông Trump rồi sẽ đắc cử. Đại đa số đều coi đó là tham vọng không tưởng của người này. Bây giờ, có tới 54% cử tri Mỹ được hãng truyền thông CNN thăm dò ý kiến cho rằng ông Trump sẽ tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Việc lại được bầu làm Tổng thống Mỹ một lần nữa bây giờ không còn là tham vọng đối với ông Trump mà đã trở nên rất thực tế và khả thi.

Tại sao Florida?

Ngày 18/6, ông Trump công bố chính thức ra tranh cử Tổng thống Mỹ một lần nữa ở thành phố Orlando thuộc bang Florida. Sự lựa chọn địa điểm này được chủ ý vì bang Florida đóng vai trò rất quan trọng đối với người thắng cử.

Với 29 đại cử tri, bang này cùng với bang New York chỉ quan trọng sau Texas và California đối với kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ và lại còn là bang lớn nhất trong số những bang thuộc diện Swing States - tức là những bang có cử tri khi bầu cho ứng cử viên của đảng này lúc lại bỏ phiếu cho người của đảng khác. Ở nhiều bang của nước Mỹ có thể chắc chắn được ứng cử viên của đảng nào sẽ thắng. Vì thế, cuộc vận động tranh cử thường tập trung chủ yếu vào những bang thuộc diện Swing States và Rust Belt (những bang có ngành công nghiệp rất phát triển trước đây nhưng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước dần lụi tàn và do vậy gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và xã hội, như Pennsylvania, Michigan hay Wisconsin.... ).

Bốn năm trước đây, ông Trump khởi hành cuộc chinh phục Nhà Trắng trong tư cách là người chưa từng hoạt động chính trị và đảm trách bất cứ cương vị quyền lực nào trong bộ máy công quyền nhà nước.

Bây giờ, ông Trump khởi động chiến dịch bảo vệ Nhà Trắng trong tư cách là tổng thống đương nhiệm, nhiều thuận lợi và cũng không ít bất lợi chính ở đấy. So với cách đây 4 năm, hiện có 4 điều tác động trực tiếp đến triển vọng tái đắc cử của ông Trump.

4 điều "nghịch"

Thứ nhất, nước Mỹ vẫn trong tình trạng bị phân rẽ sâu sắc trên chính trường và phân hoá trầm trọng trong nội bộ xã hội. Bốn năm trước đây, ông Trump đã lợi dụng tình trạng này rất khôn khéo và triệt để bằng những khẩu hiệu dân tuý và chiêu thức kích động nỗi lo sợ của dân chúng về tương lai và bất bình với nền chính trị hiện tại, kể cả sử dụng Fake News, để xây dựng hình ảnh về người cứu nước Mỹ và tranh thủ được cử tri. Vì xã hội và chính trường nước Mỹ sau 4 năm vẫn thế và thậm chí còn bị phân rẽ và phân hoá hơn thế nữa nên phương cách vận động tranh cử lần này của ông Trump sẽ vẫn như vậy và nếu có khác trước thì chỉ có khác ở chỗ mức độ sẽ còn quyết liệt hơn và hình thức sẽ còn thái quá hơn.

Thứ hai, ông Trump giờ bị nhìn nhận ở thành quả cầm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên và ở chỗ có thực hiện những cam kết tranh cử lần trước hay không, thực hiện tất cả hay không, thực hiện nhiều hay ít và kết quả thực hiện như thế nào. Trên phương diện này, điểm xuất phát có thuận lợi nhưng không chỉ hoàn toàn thuận lợi cho ông Trump. Ông Trump đã đạt được kết quả cầm quyền nhất định, nhưng cũng bị thất bại không ít, có thực hiện cam kết tranh cử nhưng không thực hiện được hết mọi cam kết tranh cử.

Thứ ba, cho tới thời điểm hiện tại, ông Trump chỉ có một đối thủ chính trị trong Đảng Cộng hoà và gần như không ai tin rằng người này rồi sẽ được Đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng. Trong khi đó, ở phía Đảng Dân chủ lại có tới hai chục ứng xử viên và mọi cuộc huynh đệ tương tàn vì quyền lực đều đưa lại kết quả là kẻ thắng cuộc cuối cùng không bị sứt đầu thì cũng mẻ trán.

Thứ tư, qua kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm ngoái ở Mỹ có thể thấy chính trị và xã hội nước Mỹ đã có sự dịch chuyển nhất định nhưng khá rõ ràng sang phía tả. Một số bang bầu ông Trump năm 2016 đã bầu cho Đảng Dân chủ năm 2018. Đấy là biểu hiện cho thấy cử tri dần thức tỉnh trong nhìn nhận về ông Trump. Nó rất bất lợi cho ông Trump và tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử càng cao thì bất lợi này càng lớn đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tới.

4 điều "thuận"

Tuy nhiên, hiện có 4 nhân tố sau đây sẽ tác động giúp ông Trump có thể được tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Thứ nhất là lợi thế của người đương nhiệm. Trong lịch sử bầu cử tổng thống ở nước Mỹ cho đến nay, người đương nhiệm thường có lợi thế so với người không đương nhiệm. Từ cuối thế kỷ thứ 18 đến nay chỉ có 10 trong số 44 tổng thống đương nhiệm bị thất cử và có 21 tổng thống đương nhiệm được tái đắc cử. 10 người ấy là John Adams năm 1800, John Quincy Adams năm 1828, Martin Van Buren năm 1840, Grove Cleverland năm 1888, Benjamin Harrison năm 1892, William Taft năm 1912, Herbert Hoover năm 1932, Gerald Ford năm 1976, Jimmy Carter năm 1980 và George H.W. Bush năm 1992. Người đương nhiệm luôn có thể dùng việc hành pháp để làm những việc tác động trực tiếp tới tâm lý của cử tri dễ dàng và hiệu quả hơn hẳn những ứng cử viên khác.

Thứ hai, kinh tế Mỹ hiện ở trong tình trạng tốt đẹp và thị trường lao động cũng vậy. Tăng trưởng GDP của Mỹ năm ngoái là 2,9%, cao nhất kể từ năm 2000 và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%, thấp nhất kể từ cả nửa thế kỷ nay ở Mỹ. Cử tri thường nhìn nhận đấy là những thành quả cầm quyền của người đương nhiệm.

Thứ ba, ông Trump thuần phục được Đảng Cộng hoà. Bốn năm trước đây, đảng này coi việc ông Trump ra ứng cử tổng thống như một trò hài trên chính trường. Bây giờ, cả đảng ngoan ngoãn đi theo ông Trump như một chú cún con lon ton chạy theo chủ và chỉ biết tiền hô hậu ủng.

Thứ tư, ông Trump vẫn duy trì được sự hậu thuẫn của bộ phận cử tri thuộc cánh cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, những cử tri da trắng từ trung niên đến lớn tuổi. Bộ phận này vẫn hậu thuẫn từ không điều kiện đến mù quáng ông Trump. Trong khi đó, Đảng Dân chủ chưa thấy có ứng cử viên nào thật sự sáng giá có sức cuốn hút và khả năng quyến rũ cử tri như Bill Clinton và Barack Obama.

Không gì chắc chắn

Nhưng ở đây cũng cần phải để ý thoả đáng đến tính tương đối của các tác động nói trên. Cái chắc chắn nhất là không có gì chắc chắn cả. Năm 2016, chẳng phải chính ông Trump đã đưa lại bằng chứng là chẳng có truyền thống hay kinh nghiệm chính trị nào có hiệu lực tuyệt đối cả hay sao?

Tình hình tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp hiện tại khả quan thế nhưng cũng chỉ hơn chút rất ít so với ở thời ông Barack Obama và tới đây chắc chắn sẽ là thời kỳ khó khăn lớn đối với nước Mỹ trên cả hai phương diện ấy. Ông Trump không được đa số dân Mỹ bầu và ủng hộ, đắc cử tổng thống nhờ đa số đại cử tri. Sau 4 năm, cơ cấu dân cư ở Mỹ đã có thay đổi về khu vực địa lý, tuổi tác, sắc tộc và tôn giáo theo chiều hướng bất lợi nhiều hơn là có lợi đối với triển vọng tái đắc cử của ông Trump.

Hiện tại, ông Trump bị ông Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ bỏ xa trong kết quả các cuộc thăm dò dư luận. Nhưng cuộc vận động tranh cử mới bắt đầu, thời gian 17 tháng là rất dài và chẳng phải năm 2016 gần như mọi tiên liệu về kết quả bầu cử tổng thống đều sai đấy hay sao?