29/03/2024 lúc 12:30 (GMT+7)
Breaking News

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Saudi Arabia: Bắt đầu mối quan hệ tốt đẹp

VNHN - Chuyến thăm Riyadh từ hôm nay (10/10) của Tổng thống Nga Vladimir Putin, gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman có thể mở ra một chương mới tốt đẹp trong quan hệ hai nước.    

VNHN - Chuyến thăm Riyadh từ hôm nay (10/10) của Tổng thống Nga Vladimir Putin, gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman có thể mở ra một chương mới tốt đẹp trong quan hệ hai nước.

   

Thái tử Mohammed Bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có trao đổi thân tình tại Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires tháng 12/2018. (Nguồn: Reuters)

Trước thềm chuyến thăm, phát biểu tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga, Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định: “Cùng với Saudi Arabia, chúng tôi quan tâm tới việc đảm bảo rằng giá dầu sẽ không vượt mức sàn hợp lý”.

Như vậy trong chuyến thăm tới đây, hợp tác dầu khí giữa Nga và Saudi Arabia có thể trở thành một trọng tâm, mở đường cho quan hệ trong các lĩnh vực khác như chính trị - quốc phòng, được cho là vô cùng nhạy cảm với Riyadh. Sau thành công bước đầu tại Syria, Moscow đang muốn mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông và Riyadh, đồng minh thân cận của Washington, là đối tác quan trọng. Nga đang muốn khẳng định rằng cùng với Saudi Arabia và Mỹ, nước này có đủ tiềm lực chi phối thị trường dầu mỏ thế giới bên cạnh lĩnh vực khí đốt.

Giá dầu là đầu câu chuyện

Saudi Arabia đang rơi vào thế khó. Về chính trị, Riyadh tiếp tục bị nhiều nước cô lập vì chưa minh bạch thông tin liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Về kinh tế, việc hai nhà máy lọc dầu bị tấn công không chỉ làm sản xuất dầu gián đoạn, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch IPO của Aramco, tác động tiêu cực tới uy tín của Thái tử Mohammed Bin Salman, khiến chiến lược Tầm nhìn 2030 của ông nhằm tái cơ cấu kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và cải thiện dịch vụ công gặp khó khăn. Về an ninh, vụ nhà máy lọc dầu bị tấn công và chiến dịch thất bại của Liên quân tại Yemen là hồi chuông cảnh báo về khả năng của Quân đội Saudi Arabia, khi vũ khí hiện đại không thể bù đắp sự thiếu hụt về kinh nghiệm tác chiến.

Người xưa có câu “có bệnh thì vái tứ phương” và thời gian qua, Saudi Arabia đã có động thái nhằm bình ổn và mở rộng quan hệ với Trung Quốc và Nga. Moscow, với tiềm lực về năng lượng và quân sự, cùng tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, có thể là điều mà Saudi Arabia cần.

Những tháng tới, theo công ty xếp hạng toàn cầu Fitch, giá dầu sẽ ở mức 65 USD/thùng, con số tương đối thoải mái đối với các nước OPEC+, trong đó có Saudi Arabia và Nga. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ giá dầu, điểm song trùng trong quan hệ Riyadh – Moscow.

Nhân chuyến thăm tới Riyadh, ông Putin và ông Salman sẽ chứng kết lễ ký 10 thỏa thuận mới, trong đó có dự án đầu tư chung của Aramco tại Novomet, nhà máy sản xuất động cơ bơm dầu của Nga chuyên cung cấp cho Aramco. Hợp tác kinh tế song phương ngày càng sâu sắc, với sự ra đời với hàng loạt quỹ đầu tư như Quỹ Đầu tư Nga – Saudi Arabia, Diễn đàn về Đầu tư Năng lượng Nga – Saudi Arabia và khoản đầu tư chung hơn 1 tỷ USD vào hợp tác công nghệ.

Bên cạnh dầu khí, Nga cam kết sẽ đầu tư thêm vào các lĩnh vực khác như công nghiệp hóa dầu và du lịch. Việc Saudi Arabia dỡ bỏ lệnh cấm vận các nông sản của Nga sẽ được hồi đáp bằng dự án nông nghiệp được ký giữa Tập đoàn Nga và Công ty Đầu tư Nông nghiệp và Chăn nuôi Saudi (SALIC). Như vậy, Moscow có thể là đối tác chiến lược Riyadh cần để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế như Thái tử Mohammed Bin Salman hằng mong muốn.

Nhìn cú “high-five”, ngẫm chuyện tương lai

Chắc hẳn giới quan sát vẫn nhớ về cú “high-five” (đập tay) đầy thú vị giữa Tổng thống Putin và Thái tử Mohammed Bin Salman tại Thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, nơi nhà lãnh đạo của Saudi Arabia bị cô lập bởi nhiều nguyên thủ quốc gia. Cái đập tay ấy là minh chứng rõ nét nhất cho quan hệ hợp tác ngày một nồng ấm giữa hai nước.

Người ta nói nhiều về trò đùa của ông Putin sau vụ nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công, rằng hệ thống tên lửa S-400 có thể đã chặn được những máy bay không người lái chứ không chỉ “làm cảnh” như Patriot của Mỹ. Vấn đề vũ khí có thể được thảo luận trong cuộc hội đàm song khả năng Saudi Arabia mua vũ khí Nga chưa khả thi, khi quan hệ Riyadh–Washington, dù có thăng trầm, vẫn là “môi hở răng lạnh”. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia đã nghi ngờ về khả năng thực sự của S-400 khi chưa chứng kiến hệ thống tên lửa này trong thực chiến.

Nội dung thực chất mà hai bên có thể thảo luận khi ấy lại là vấn đề Yemen. Liên quân UAE và Saudi Arabia tham chiến tại đây đang có dấu hiệu rạn nứt. Tháng Tám vừa qua, lực lượng “ly khai” do UAE đã tấn công và giành quyền kiểm soát thủ đô Aden khỏi tay lực lượng quân chính phủ do Liên quân hậu thuẫn.

Vậy Nga đóng vai trò gì trong câu chuyện này? Moscow có quan hệ đặc biệt với lực lượng nổi dậy ở miền Nam Yemen do Abu Dhabi hậu thuẫn và đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân tại bờ biển khu vực này. Khi ấy, ông Putin có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy đối thoại do Liên hợp quốc chủ trì, tìm kiếm giải pháp tại Yemen, giúp Nga tăng cường vị thế quốc tế và thu thập vốn liếng chính trị trong quan hệ với Saudi Arabia.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Vladimir Putin ngày 10/10 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Nga và Saudi Arabia và chứng minh rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia này.