25/04/2024 lúc 18:46 (GMT+7)
Breaking News

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Người tạo ra bước ngoặt lịch sử

VNHN - Trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đất nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khéo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh, từng bước đổi mới thành công.

VNHN - Trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đất nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khéo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh, từng bước đổi mới thành công.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm và nói chuyện với bà con nông dân HTX Tùng Phong (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh (Từ 23 - 27/5/1990). Ảnh TTXVN

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Hiếm có nhà cách mạng nào lại trải qua tuổi thơ “dữ dội” như đồng chí Cúc: 5 tuổi đã mồ côi mẹ, 11 tuổi thân phụ qua đời. Từ đó, phải sống nhờ vào sự đùm bọc của người chú ruột. Lớn lên tham gia cách mạng, đồng chí hai lần bị bắt và đày ra Côn Đảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915 (19/5 năm Ất Mão) tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước, sớm giác ngộ cách mạng, ngay từ khi mới 14 tuổi (năm 1929) đồng chí đã tham gia tổ chức Học sinh Đoàn do Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội lãnh đạo.

Ngày 01/5/1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, bị giặc bắt, kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.

Năm 1935, sau khi được trả tự do đồng chí đã kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử về Hải Phòng hoạt động. Tại đây, Nguyễn Văn Cúc đã cùng các đồng chí xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trung kiên và tổ chức quần chúng tin cậy, thành lập Đảng bộ lâm thời Hải Phòng.

Năm 1936, Nguyễn Văn Cúc được điều vào công tác ở thành phố Sài Gòn, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ thành phố.

Cuối năm 1939, đồng chí được phân công vào Trung Kỳ để lập lại Xứ uỷ Trung Kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Năm 1945, đồng chí vào Nam bộ hoạt động ở miền Tây, sau trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến với các cương vị Bí thư Thành uỷ, Bí thư Đặc khu uỷ.

Năm 1947, đồng chí được bầu vào Xứ uỷ Nam bộ. Từ năm 1957 - 1960, đồng chí đảm nhiệm vị trí quyền Bí thư Xứ uỷ Nam bộ.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961), sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1964). Năm 1976, đồng chí là Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, ...

Tháng 12-1981, đồng chí được phân công trở lại làm Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 12-1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27-4-1998 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Tổng Bí thư của công cuộc đổi mới

Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dù ở cương vị Tổng Bí thư hay sau này trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn nhất quán một quyết tâm đổi mới. Với đồng chí, đổi mới phải có nguyên tắc, đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không thể không nhắc đến những bài viết “Những việc cần làm ngay” đầy tính chiến đấu nhằm cổ vũ tinh thần đổi mới; đả phá những thói hư tật xấu, các hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực, vô trách nhiệm, nói không đi đôi với làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên vào giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người cách mạng muốn tiến lên phía trước thì phải kiên quyết đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Trong thời điểm đất nước khó khăn, để làm gương về chống tác phong quan liêu, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bỏ chế độ Tổng Bí thư đi chuyên cơ trong nước, hằng ngày đi làm việc, đi công tác bằng xe Lada - xe tiêu chuẩn dùng cho cấp thứ trưởng; vào Nam ra Bắc đi máy bay chung với mọi người.

Trong căn phòng làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở TP Hồ Chí Minh, mọi tiện nghi trong phòng, từ chiếc quạt bàn, bộ ấm chén, lọ hoa, chiếc đồng hồ treo tường... đều là hàng Việt Nam sản xuất, chất lượng, mẫu mã thuộc loại trung bình.

Nhắc chuyện cũ, nhớ đến ông, một kiến trúc sư của công cuộc đổi mới, người cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam thời kỳ đầy chông gai. Nhớ ông - một Tổng Bí thư với bút danh NVL: Nói và làm./.