29/03/2024 lúc 18:27 (GMT+7)
Breaking News

Tổ chức nước ngoài nào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

VNHN-Luật Nhà ở đã cho phép tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng rất nhiều người bày tỏ băn khoăn về những quy định liên quan đến vấn đề này, như: tổ chức nào được sở hữu nhà ở Việt Nam, phạm vi sở hữu như thế nào? Luật sư Lê Thu Hiền (Công ty Luật Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư Hà Nội) tư vấn về vấn đề này.

VNHN-Luật Nhà ở đã cho phép tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng rất nhiều người bày tỏ băn khoăn về những quy định liên quan đến vấn đề này, như: tổ chức nào được sở hữu nhà ở Việt Nam, phạm vi sở hữu như thế nào? Luật sư Lê Thu Hiền (Công ty Luật Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư Hà Nội) tư vấn về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở 2014 thì tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:  Tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;  Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Các tổ chức nước ngoài nêu trên được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài được quy định tại Khoản 2 Điều 74 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Theo đó, đối tượng nước ngoài quy định tại Khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở 2014 ở trên phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam (gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở. Khu vực tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 75 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở, bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Số lượng nhà ở mà tổ chức nước ngoài được mua được quy định tại Khoản 2 Điều 161 của Luật Nhà ở 2014 và Điều 76 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư hoặc không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa chung cư trong khu vực hành chính tương đương cấp phường, hoặc không quá 10% căn nhà riêng lẻ đối với một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn... 

Luật sư Lê Thu Hiền