29/03/2024 lúc 15:19 (GMT+7)
Breaking News

Tỉnh giác giữa khen chê

VNHN - Ngày nay, nền kinh tế thị trường mở cửa nên có nhiều người vì muốn được danh thơm tiếng tốt, tiền bạc dồi dào mà bằng nhiều cách thường vuốt ve, nịnh bợ cấp trên nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho riêng mình nên dễ làm tổn hại, thất thoát của chung. Chúng ta muốn mọi người giúp ta, chỉ lỗi cho ta, chê ta thật lòng thì mình phải biết coi trọng những người đó như ân nhân của mình.

VNHN - Ngày nay, nền kinh tế thị trường mở cửa nên có nhiều người vì muốn được danh thơm tiếng tốt, tiền bạc dồi dào mà bằng nhiều cách thường vuốt ve, nịnh bợ cấp trên nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho riêng mình nên dễ làm tổn hại, thất thoát của chung. Chúng ta muốn mọi người giúp ta, chỉ lỗi cho ta, chê ta thật lòng thì mình phải biết coi trọng những người đó như ân nhân của mình.

Khen và chê là hai cặp đối đãi làm cho nhiều người điên đảo và si mê, vọng động. Người trí sẽ không bị lung lạc bởi tiếng khen lời chê nên hiên ngang, sừng sững như tảng đá lớn mặc tình cho mưa rơi, gió thổi vẫn không làm lay động được.

Như chúng ta đã biết, từ ngàn xưa đến nay không có một ai hoàn toàn bị chê, hay người trọn vẹn được khen. Nếu luận về khen chê thì quả thật trong cuộc đời này biết bao giờ ta kể cho hết, nhưng chưa có người nào hoàn toàn bị chê và cũng chưa có người nào được khen trọn vẹn.

Chính đức Phật mà còn bị người khác chê bai, chỉ trích, chửi mắng thì huống hồ chúng ta bây giờ chỉ là hạt cát, hạt bụi nhỏ nhoi.

Một hôm, trên đường đi giáo hóa Phật bị một người theo sau chửi mắng thậm tệ nhưng Người vẫn thong dong, bình tĩnh bước đi nhẹ nhàng, không nói một tiếng nào. Kẻ kia tức quá chạy lên phía trước chặn lại và nói: “Này Cù Đàm, ông có điếc không?” Phật nói: “Ta không điếc”. “Nếu Ngài không điếc, tại sao nghe tôi chửi mà Ngài vẫn làm thinh?” Phật bảo: “Này anh bạn, giả sử nhà ông có tiệc tùng, ông mời bạn bè người thân tới dự và có chút quà để tặng nhưng họ không đến. Vậy quà đó thuộc về ai?” “Quà ấy vẫn thuộc về tôi chứ ai”. “Cũng vậy, ông từ sáng đến giờ cho ta quá nhiều ngôn ngữ yêu thương nhưng ta đâu có nhận. Vậy quà đó vẫn thuộc về ông.”

Người ta chê bai, chửi mắng Phật nhưng Ngài vẫn an nhiên, bình thản không đón nhận mà còn khởi tâm từ bi thương xót vì người kia quá vô minh, mê muội. Chúng ta tu theo Ngài cũng vậy, ta không nên để lời khen tiếng chê làm rối loạn tâm can.

Bởi người đó không dám chấp nhận người khác có tài đức hơn mình nên mới tìm cách chê bai, lăng nhục Phật như thế. Khi nghe Phật nói như vậy ông ta liền thức tỉnh mà nhận ra lỗi lầm của mình do tâm ganh ghét tật đố, từ đó ông phát tâm quy y đầu Phật.

Người chê ta mà chê phải chính là thầy ta, người chê ta mà chê sai là vì ganh ghét, tật đố vì thấy ta hơn họ. Người khen ta mà khen phải là bạn ta, nhưng kẻ khen theo kiểu vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta. Ở đời có hai sự khen chê, một là khen chê bằng tấm lòng chân thật để giúp ta làm tốt hơn hoặc để ta biết sai mà sửa sai; hai là khen chê bằng sự ganh ghét, tật đố khi thấy ta thua người hay vì quyền lợi riêng tư.

Miệng lưỡi thế gian lúc nào cũng có hai mặt phải và trái, đúng và sai, ta cần phải nhận biết lời chê tiếng khen của mọi người thật hay giả để biết ai là bạn, ai là thù. Từ vua chúa cho đến thứ dân bần cùng thật khó một ai tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc trong lời nói.

Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người chê ta mà chê sai là kẻ muốn hại ta. Người khen ta mà khen đúng là bạn ta, người khen ta bằng cách tâng bốc, nịnh hót là kẻ vì lợi ích riêng tư, đa số là kẻ dưới quyền. Mỗi khi ta phạm sai lầm thì ta không dễ gì nhận ra.

Người chỉ ra cái sai của ta tức là giúp ta thấy được cái sai của mình thì hiển nhiên họ là thiện hữu tri thức có hiểu biết hơn ta. Người đó xứng đáng là bậc thầy của ta về trí tuệ. Hơn nữa, họ dám chỉ cho ta nhận ra cái sai của mình để ta có hướng khắc phục, sửa đổi nên đó chính là người có tâm từ rộng lớn muốn giúp ta thăng tiến trên con đường tu học. Ta hãy tôn xưng người ấy làm thầy để có điều kiện được gần gũi học hỏi và tu hành.

Người khen ta mà khen phải là người tốt không có tâm đố kỵ, hiềm khích trước những cái tốt, cái hay của người khác. Họ khen ngợi ta để cùng chung vui, chia ngọt xẻ bùi. Đó chính là người bạn tốt, ta hãy nên kết làm bạn tri kỷ.

Trong cuộc đời mình nếu ta có được nhiều người thầy, người bạn như thế thì ta quá ư là diễm phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai khen hay chê mình thì đều là thầy, là bạn của ta. Để nhận ra đâu là người bạn đích thực biết khen ta đúng lúc, đúng việc chứ không gian dối, nịnh bợ thật không dễ tí nào.

Trước hết, kẻ gian dối, nịnh bợ khen ta là xuất phát từ lòng vị kỷ, vì mục đích mưu cầu lợi ích riêng tư. Những kẻ đó luôn lấy việc vuốt ve, nịnh bợ để tiến thân khiến cho người được khen ngày càng tự đánh mất mình, xa rời lẽ phải mà rơi vào chỗ khốn cùng. Thật đáng tiếc thay, thời đại nào cũng có vô số những kẻ như thế.

Sử sách đã ghi lại không biết bao nhiêu bậc vua chúa vì những lời ngon tiếng ngọt mà dẫn đến người tôi trung bị hãm hại, dân tình sống điêu linh khổ sở vì nạn bóc lột thậm tệ của kẻ quan quyền. Lời dạy của người xưa luôn giúp chúng ta biết phải sáng suốt để nhận ra đâu là bạn, đâu là thù. Ai khen ta thật lòng thì ta càng cám ơn họ và càng cố gắng làm tốt hơn nữa những việc làm có lợi ích cho xã hội.

Ngày nay, nền kinh tế thị trường mở cửa nên có nhiều người vì muốn được danh thơm tiếng tốt, tiền bạc dồi dào mà bằng nhiều cách thường vuốt ve, nịnh bợ cấp trên nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho riêng mình nên dễ làm tổn hại, thất thoát của chung. Chúng ta muốn mọi người giúp ta, chỉ lỗi cho ta, chê ta thật lòng thì mình phải biết coi trọng những người đó như ân nhân của mình.

Cũng vậy, đối với gia đình người thân, bạn bè, anh em, ta phải sống với nhau chân tình, thành thật, dám chỉ ra những khuyết điểm của nhau để ta và người cùng sửa sai mà hoàn thiện chính mình. Nói tóm lại, người khen ta mà khen đúng, người chê ta mà chê đúng thì ta hãy nên nhận những người này là thầy bạn tốt của ta.

Ngược lại, người khen ta mà khen sai, người chê ta mà chê sai thì ta hãy nên thương họ nhiều hơn vì họ quá vô minh, mê muội nên mới có thái độ và hành động không tốt như thế.

Thế cho nên, khi được khen ta cũng chớ vội mừng và khi bị chê ta cũng chớ vội buồn. Nếu ta vội mừng hay buồn như vậy thì tâm mình rất dễ bị dao động, khi bị dao động ta sẽ bất an, khi bị bất an ta sẽ bị hai ngọn gió khen-chê thổi bay mất, mà người tu cần phải “Tám gió thổi chẳng động” thì sự tu dưỡng mới có kết quả tốt đẹp.