29/03/2024 lúc 16:59 (GMT+7)
Breaking News

“Tiếng thơm” Bánh phu thê Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh

VNHN - Nhắc đến sản vật thơm quý của miền Kinh Bắc, người ta không thể không kể tới món Bánh phu thê Đình Bảng (Từ Sơn) nức tiếng bao đời. Giờ đây, với việc được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Bánh phu thê Đình Bảng, tiếng thơm của loại bánh này đang được bảo vệ một cách bài bản, bền vững hơn.

VNHN - Nhắc đến sản vật thơm quý của miền Kinh Bắc, người ta không thể không kể tới món Bánh phu thê Đình Bảng (Từ Sơn) nức tiếng bao đời. Giờ đây, với việc được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Bánh phu thê Đình Bảng, tiếng thơm của loại bánh này đang được bảo vệ một cách bài bản, bền vững hơn.

Cơ sở sản xuất bánh phu thê Lụa Xuân, Đình Bảng có quy mô lớn và được nhiều khách hàng biết tới.

Được tạo nên bởi những nguyên liệu truyền thống hết sức quen thuộc đối với mỗi người dân đất Việt như: Gạo nếp, đỗ xanh, quả dành dành, hạt vừng, hạt sen, đu đủ, nhưng qua bàn tay pha trộn, chế biến tài hoa của người Đình Bảng, bánh phu thê có hương vị dẻo thơm riêng biệt. Quá trình làm bánh có nhiều công đoạn mà khâu nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo. Theo lời kể của những người già, xưa kia chỉ có quan lại hoặc những nhà quyền quý cao sang mới có cơ hội thưởng thức loại đặc sản thơm ngon này. Đến nay, bánh phu thê vẫn được coi là thứ bánh sang trọng dùng trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi hoặc làm quà biếu. Nhu cầu ngày càng lớn hơn trong khi ở Đình Bảng chỉ có vài chục hộ làm bánh thường xuyên không đáp ứng đủ đơn hàng của khách. Vì vậy, gần đây, những vùng lân cận cũng xuất hiện nhiều người làm bánh phu thê rồi gắn mác Đình Bảng với quy trình sản xuất, chất lượng bánh không đạt yêu cầu, nhất là tại cổng Đền Đô, nơi có rất đông du khách thập phương lui tới.

Bà Nguyễn Thị Hoa, khu Trung Hòa, Đình Bảng cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên Đán là thời kỳ cao điểm sản xuất của chúng tôi, mỗi ngày tôi làm từ 3.000- 5.000 cặp bánh. Giá bình quân từ 20.000-25.000 đồng/cặp, nếu nhà nào đặt bánh cầu kỳ có thể là 35.000-40.000 đồng/cặp. Để làm nên một chiếc bánh chất lượng, từ khâu chọn đỗ, gạo, lọc bánh, đều phải thực hiện theo nhiều công đoạn, có bí quyết riêng tạo ra độ trong, dẻo, ngậy, màu sắc hấp dẫn. Nhìn thấy tình trạng nhiều người làm bánh tràn lan mà chất lượng, giá cả nhộm nhoạm tôi cũng hết sức lo lắng, vì việc này ảnh hưởng trực tiếp tới những hộ sản xuất chân chính”.

Nhằm kịp thời bảo hộ thương hiệu và uy tín của sản phẩm Bánh phu thê Đình Bảng, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống Nông nghiệp, Công ty TNHH Phát triển tài sản Trí tuệ Việt tiến hành các nội dung về xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho loại bánh này theo nội dung Đề án Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 do UBND tỉnh phê duyệt.

Theo ông Lê Kính Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển tài sản Trí tuệ Việt, Luật Sở hữu trí tuệ ghi rõ, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Với tính pháp lý bảo hộ cao, nhãn hiệu chứng nhận được xem là phù hợp với lộ trình xây dựng thương hiệu cho loại bánh phu thê có lịch sử, văn hóa lâu đời. Khi đó, chỉ có các cơ sở sản xuất được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép mới được sử dụng tên Bánh phu thê Đình Bảng đi kèm với những quy định ràng buộc chặt chẽ, góp phần hạn chế tình trạng sản xuất bát nháo.

Hiện nay, sau khi khảo sát, lấy ý kiến chính quyền và người dân về chủ sở hữu của nhãn hiệu, bản đồ vùng chứng nhận, logo sản phẩm…, các đơn vị đang tích cực hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống công cụ quản lý và chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận. Tuyên truyền về trách nhiệm của các hộ sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh, việc xây dựng thương hiệu không đơn thuần là khẳng định danh tiếng, hình ảnh mà đi liền với đó phải có sự đồng đều về chất lượng, bảo đảm yêu cầu của quản lý nhà nước và nhu cầu của người tiêu dùng. Ngay lúc này, người dân Đình Bảng cần phải từng bước kiểm soát tốt giá cả, thống nhất cao về cách thức sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ để “lấy lòng” khách gần xa, trước khi đẩy mạnh quảng bá tiếng thơm của sản vật gắn với tên làng, tên đất quê hương Đình Bảng.