29/03/2024 lúc 14:43 (GMT+7)
Breaking News

“Tiên ông” ngỡ chỉ có trong mơ…

VNHN - Năm nay 95 tuổi, còn 5 năm nữa là bách niên, cụ Phạm Thọ Tầng ở phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội vẫn được gọi với cái tên trìu mến “Tiên ông” dưới chân núi Tản Viên sơn.

VNHN - Năm nay 95 tuổi, còn 5 năm nữa là bách niên, cụ Phạm Thọ Tầng ở phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội vẫn được gọi với cái tên trìu mến “Tiên ông” dưới chân núi Tản Viên sơn.

Ngày ngày cụ Tầng vẫn một mình lặn lội, phóng xe máy vèo vèo, đôi chân vạm vỡ đi khắp núi rừng tìm về các phương thuốc quý, nghiên cứu ra hàng trăm bài thuốc chữa bệnh miến phí cho người ngèo. Hơn thế, cụ lại còn bỏ cả tiền cả một đời tích cóp xây lên những ngôi nhà trọ khang trang làm nơi nghỉ cho những bệnh nhân ở xa mỗi khi tìm đến điều trị.

Ảnh : Ở tuổi “xưa nay hiếm” cụ Phạm Thọ Tầng vẫn bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

82 năm làm thấy thuốc, 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Cho đến trước khi tiếp xúc với các thông tin, trực tiếp gặp được cụ Tầng, tôi cứ nghĩ việc đi chữa bệnh miễn phí kia “thổi phồng” thêm cho một nghĩa cử thôi, chứ làm gì có người nào đến mức như thế. Rồi lại hoá ra, ngược lại: Lời đồn thổi mới chỉ diễn rả được một phần công việc cao thương ở đời và lòng nhân ái của một lão ông.

Đáng lẽ ở vào ngưỡng tuổi này, hầu hết người già dễ bị chứng mất ngủ, bệnh tật, ốm đau, mắt mờ chân dậm, chẳng ngờ cụ Tầng lại còn dẻo deo hơn, sức khỏe trường niên như cây tùng cây bách. Một mình cụ có thể phóng xe máy hàng mấy chục cây số đi tìm các phương thuốc quý hiếm chữa bệnh cho người nghèo. Có khi người ta thấy cụ bon bon trên chiếc xe 82 chở đằng sau mấy bệnh nhân ngon lành như thanh niên chở vợ. Cụ thường nói với lớp trẻ, sức khoẻ là vốn quý. Nhưng sức khoẻ lại do tâm sinh và tuỳ tâm diệt cho nên phải sống lành mạnh, sống nhân ái sẽ át tất bệnh tật.

Tiếng cụ Tầng đã được biết đến từ dạo cụ còn là cán bộ ngành Y của Bộ Nông nghiệp. Sau ngày nghỉ hưu, về địa phương, thấy những người nghèo thiếu thốn, nỗi đau đớn khi bị bệnh tật dày vò ám ảnh cụ Tầng mãi. Thế là sẵn có tay nghề, cụ liền bắt tay vào công việc chữa bệnh cứu người. “Mỗi lần đi khám bệnh, thấy mọi người đau đớn không có tiền chữa bệnh, trong lòng tôi dâng nên bao xót xa, thấy như có hình ảnh của tôi, người thân của tôi ở đó. Phòng khám của tôi không ngoài mục đích khác là chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người cô đơn, quả phụ, gia đình chính sách. Những hộ gia đình nghèo được địa phương chứng thực đều được chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Người ở xa, tôi có thể hỗ trợ miễn phí để họ ăn ở, khám chữa bệnh tại nhà”.

Vốn là một chiến sĩ quân y của Sư 321, cụ Tầng một phần làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội trên chiến trường, phần nữa trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Người chiến sĩ Điện Biên ngày ấy biết bao lần vào sinh ra tử, bị địch bắt tù đày những tưởng không còn trở lại nữa. Chiến tranh kết thúc, gác tay súng, cụ Tầng tiếp tục duy trì công việc bốc thuốc cứu người rồi làm đến chức Viện trưởng Viện Điều dưỡng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Cụ Tầng bảo, công việc đang làm không có gì to tát cả, đơn giản chỉ là cụ muốn giúp người nghèo để cuộc đời bớt đi nỗi đau, mà cụ cũng được thanh thản. Ngoài việc đi khắp nơi tìm cây thuốc quý, cụ còn trồng khá nhiều cây thuốc Nam phía sau vườn nhà. Luôn đau đáu chữa bệnh cứu người, cụ đã quyết tâm mở một phòng khám riêng để thuận tiện cho việc chữa và thăm khám người bệnh”. Trước đây, phòng khám quá nhỏ, bệnh nhân lại đông nên cụ chuyển phòng khám đến ngã ba của trung tâm phường Xuân Khánh. Vừa đi học lớp đông y ở Trường Học viện y học cổ truyền về,  ông Phạm Thọ Lịch, con trai cả của cụ Tầng nói: “Tôi bao giờ cũng có mong muốn nối nghiệp cha tôi. Ông là người nhân hậu, hiền lành, chất phác, cả đời sống lành lẽ chan hoà giữa mọi người. Hình ảnh ông ngày ngày đi chữa bệnh cứu các bệnh nhân nghèo đã tác động mạnh mẽ vào suy nghĩ của tôi, là niềm tin lớn lao để chúng tôi sống xứng đáng với sự hi sinh của cha. Phòng khám này bao năm qua trở thành địa chỉ quen thuộc cho khắp các bệnh nhân tìm đến. Nếu cho thuê cũng được cả chục triệu đồng nhưng cụ nhà tôi không cho thuê, lấy đó làm địa điểm để phục vụ các bệnh nhân nghèo’.

Đưa cho tôi một tập giấy chứng nhận hộ nghèo, gia đình chính sách, cụ Tầng xúc động nói: "Cả hàng trăm, hàng nghìn người đến chữa bệnh chứ chẳng ít. Họ đều vượt qua được nghịch cảnh. Hạnh phúc nhất là mỗi người khỏi bệnh họ lại gọi điện đến chia sẻ, thậm chí là ghé thăm tôi luôn. Có người thành đạt, giàu có, sau quay trở lại, họ ủng hộ để cùng tôi xây dựng khu nhà trọ miễn phí. Những tờ giấy xác nhận hộ nghèo đều được chính quyền địa phương viết tay và có dấu đỏ. Nhìn vào những tấm giấy ấy mới biết tấm lòng thảo thơm của cụ lớn lao đến nhường nào. Cứ nghe đến tên cụ Tầng, người bệnh Từ Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, cả những tỉnh tận phía Nam cũng xin được cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí.

Anh Nguyễn Văn An, huyện Đồng Văn, Hà Giang tâm sự: "Tôi là người dân tộc Sán Dìu, bị bệnh tiểu đường mười mấy năm nay. Chữa đủ các loại thuốc chỉ đỡ chứ không khỏi, bệnh tật triền miên đã ảnh hưởng đến công việc lao động. Nhà đông con, cuộc sống khó khăn, tiền thuốc thang cũng chẳng có, may mắn tôi được một người trên huyện giới thiệu cụ Tầng chuyên chữa bệnh cho người nghèo như chúng tôi. Tôi ở xa xuống, đường xá không quen, gia cảnh neo nghèo, cụ Tầng giúp đỡ tôi rất nhiều. Cụ cấp phát thuốc miễn phí, tạo cho chỗ ở gọn gàng. Ở đây điều trị được 2 tháng thấy bệnh thuyền giảm nhiều. Nếu không có cụ, cả đời tôi phải mang trọng bệnh. Tôi chẳng biết lấy gì đền đáp tấm lòng của cụ”.

Ảnh : Cụ Phạm Thọ Tầng trông đẹp như một vị “Tiên ông”. Ngày ngày cụ vẫn nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều bài thuốc hữu ích để chữa bệnh cứu người nghèo

Còn sức khoẻ, tôi còn chữa bệnh cho người nghèo

Bước vào nghề y năm 15 tuổi, 82 năm hành nghề y, hơn 30 năm chữa bệnh, cụ Tầng đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân từ bàn tay “tử thần”. Dù vậy, chưa bao giờ cụ phép mình nghỉ ngơi, luôn là những ngày thầm lặng nghiên cứu và sáng chế thêm những bài thuốc cứu người. Sống gần hết đời người, cụ thấm thía một triết lí của nhà Phật, rằng thân người khó được, sức khoẻ càng vốn quý hơn, chỉ có một cách để cho con người trường thọ, ấy là phải sống tử tế với nhau.

Sống không ích kỉ, vụ lợi, cho đi là nhận lại, thấu hiểu nỗi đau và thiếu thốn của người khác cũng là cách để hiểu mình. Chỉ có sống lương thiện, chăm làm việc thiện cuộc sống mới trở nên ý nghĩa. Có người biết tiếng cụ Tầng, lặn lội hàng trăm cây số tìm đến chữa bệnh, trong túi không còn đồng nào. Khi bệnh đã khỏi, cụ cấp cho một cơ số tiền để trở về nhà. Nhìn nụ cười của bệnh nhân, cụ thấy mãn nguyện lắm”.

Lương bổng chẳng được bao nhiêu, thế mà cụ còn bỏ cả một khoản lớn ra để xây dựng một dãy nhà cấp 4 làm nơi nghỉ ngơi cho bệnh nhân. Những phòng này có đầy đủ tiện nghi dành để miễn phí cho những bệnh nhân ở xa không có điều kiện phải điều trị dài ngày. Không được như bệnh viện chuyên nghiệp nhưng phòng trọ tại tư gia của cụ lúc nào cũng ấm cúng khiến người chữa bệnh khoẻ lên phần nào. Cụ Tầng khoe: "Lương hưu của tôi giờ được 4 triệu/tháng, cộng với tiền con cháu ủng hộ, tiền những người quý mến gửi, tôi đã xây dựng dãy nhà này được 5 năm rồi. Mỗi ngày có cả chục người tìm đến đây chữa trị, họ sẽ được ở miễn phí, ăn uống cũng được hỗ trợ đôi phần". Cụ vẫn nhớ ngày xây dựng dãy nhà trọ miễn phí. Dẫu biết rằng đó là một nghĩa cử cao đẹp nhưng cũng không ít người cho rằng cụ bị lẩm cẩm khi bỏ tiền xây nhà cho người dưng. Bởi, khi những bệnh nhân đến đây ở sẽ kéo theo bao điều phiền toái. Nhưng cụ gạt đi, nói cứng "thương thì thương cho chót" rồi âm thầm làm. Anh Huỳnh Văn Đức (Quận Bình Thạnh,TP. Hồ Chí Minh) xúc động: "Tôi bị bệnh đau lưng nhiều năm nay. Lắm hôm trở trời lại trong người trào lên cơn đau tê nhức. Đi làm được mấy hôm là đau không chịu được, vì thế gia đình tôi đã nghèo lại càng nghèo hơn. Biết được cụ Tầng thương người nghèo mà chữa bệnh miễn phí nên tôi đã đến nhờ cụ. May mắn khi được cụ lại cho ở, cho thuốc không mất tiền. Giờ bệnh tình của tôi cũng thuyên giảm đôi phần. Theo đà tiến triển này chắc chỉ ngày nữa là tôi về quê  lao động bình thường. Cụ như "ông tiên" giữa đời thực của những người nghèo vậy".

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn thuốc cơ ngơi cả đời chăm chút, cụ Tầng khoe: "Ở đây có rất nhiều cây thuốc quý như cây lá khôi, cây kim gia, cây bó xương, cây bách xanh… Tôi cũng già rồi, sức khoẻ không còn được là bao, bây giờ không đi xa kiếm được cây thuốc nữa, trồng tại vườn nhà cho tiện việc nghiên cứu và chữa bệnh". Không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cụ Tầng còn được mệnh danh là "ông khuyến học". Cụ là người đặt nền móng đầu tiên cho phong trào khuyến học – khuyến tài tại địa phương. Những ngày đầu lập quỹ khuyến học còn khó khăn nhưng cụ vẫn quyết tâm cùng với phường và tổ dân phố gây dựng. Để tiếp nối truyền thống ấy, đại gia đình cụ luôn đi đầu trong phong trào khuyến học của địa phương.

Trước khi chia tay, vị "tiên ông" của người nghèo thở hắt: Lời dạy của cha ông ta “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lí của người Việt Nam. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Đáng buồn thay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống với những con người biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít kẻ sống ích ỉ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức. “Tôi trăn trở lắm, bây giờ cuộc sống vẫn còn nhiều người nghèo lâm trọng bệnh mà chữa được kịp thời cứu chữa. Mà tôi năm nay thì cũng đã nhiều tuổi, không thể đi hết cả nước để cứu chữa người được. Nếu cho tôi một điều ước hoặc một ước mơ, tôi chỉ mong trời phật độ cho sức khoẻ, để tôi tiếp tục hoàn thành tâm nguyện chữa bệnh cho người nghèo cho đến lúc về thế giới bên kia”, cụ Tầng trăn trở.