25/04/2024 lúc 11:53 (GMT+7)
Breaking News

Tiền Giang: Đình thần Thân Nhơn được “hồi sinh”

VNHN - Đình Thân Nhơn đã có cách nay gần 170 năm, hiện còn giữ 2 sắc phong thần do vua Tự Đức triều Nguyễn phong tặng vào năm 1853 bao gồm sắc “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải” và sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đình từng là nơi diễn ra các nghi thức cúng kính tri ân tiền nhân khai hoang mở cõi và tạ ơn chư thần hộ quốc an dân.

VNHN - Sáng 01-8 vừa qua, tại Đình thần Thân Nhơn (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã diễn ra Lễ hội kỳ yên 12-06 (Âm lịch) và Lễ nhận bằng di tích văn hóa cấp tỉnh. Tại buổi lễ có sự hiện diện của chính quyền địa phương và Ban khánh tiết Đình Thân Nhơn cùng bà con trong vùng tham dự.

Dân làng tề tựu làm lễ cúng đình tại Đình Thần Thân Nhơn.

Xã Thân Cửu Nghĩa nằm ngay ở cửa ngõ miền Tây Nam Bộ với những làng nghề nổi tiếng là đan lá bàng buông xuất khẩu và trồng rẫy cung cấp lượng hoa màu rất lớn. Đây là vùng đất mang dấu ấn thời khai hoang với tên gọi là “Đất Ba Giồng” nên tên đất tên làng đều hàm chứa khát vọng xây dựng cuộc sống hòa bình, đạo đức như ấp Thân Hòa, Thân Bình, Thân Đạo, Thân Đức, Cửu Hòa, Ngãi Thuận, Ngãi Lợi.

Đình Thân Nhơn đã có cách nay gần 170 năm, hiện còn giữ 2 sắc phong thần do vua Tự Đức triều Nguyễn phong tặng vào năm 1853 bao gồm sắc “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải” và sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đình từng là nơi diễn ra các nghi thức cúng kính tri ân tiền nhân khai hoang mở cõi và tạ ơn chư thần hộ quốc an dân. Trước năm 1975, đình từng là căn cứ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến và đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau ngày giải phóng miền Nam từng được sử dụng một phần để làm lớp học tạm thời trong lúc xây dựng lại trường THCS Thân Cửu Nghĩa A.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Bảo tàng Tỉnh Tiền Giang đọc quyết định Đình Thân Nhơn là di tích văn hóa cấp tỉnh

Ông Nguyễn Thanh Hải – đại diện Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Tiền Giang trao bằng Di tích văn hóa cấp tỉnh cho đại diện Đình Thần Thân Nhơn và UBND xã Thân Cửu Nghĩa

Tại đây, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ đã chia sẻ nhiều giá trị về đình làng, ý nghĩa và nguồn gốc của đình. Theo diễn giả, đình là nơi thờ thần Thành Hoàng bao gồm nhân thần là những vị anh hùng hộ quốc an dân và dạy đạo cho dân, cũng là nơi thờ “nhiên thần” là thần thiên nhiên giúp tạo nên mưa thuận gió hòa cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Việc tổ chức lễ hội kỳ yên là nghĩa cử đẹp của người dân tri ân nguồn cội và bày tỏ lòng tự hào để cùng chung tay đoàn kết xây dựng bản sắc cao đẹp của văn hóa làng xã.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ tại chương trình.

Bà Nguyễn Thị Tiết, một người dân ở ấp Thân Hòa xúc động bày tỏ: “Đình Thân Nhơn ngày xưa từng là căn cứ cách mạng, trước sân đình còn một đài liệt sĩ tôn vinh anh hùng vị quốc vong thân, trong đó có tên ông ngoại của tôi là chiến sĩ Nguyễn Khắc Minh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp vào năm 1941. Hồi còn nhỏ, ngoại luôn nhắc nhở cháu con phải biết kính trọng thần Thành Hoàng của đình vì thần là người hộ quốc an dân. Tôi còn nhớ má tôi hay hát ru cho anh em chúng tôi với lời rằng:

Con ơi, đừng sợ lân đình,

Đừng ghê ông hổ mà mình tội thêm.

Tội là bỏ tổ bỏ tiên,

Nhang tàn khói lạnh tiền hiền quạnh hiu.”

Chương trình còn có nhiều tiết mục văn nghệ hát bội và cải lương như múa “Tứ Thiên Vương chúc phúc dân làng”, tác phẩm cải lương “Thương cha một tấm lòng son”, Đình Thân Nhơn quê tôi, Em yêu người nghệ sỹ, Tri ân đức Tả quân Lê Văn Duyệt qua tài biểu diễn của các nghệ sỹ thành phố như nghệ sỹ Xuân Lan, Tú Quyên, Minh Hòa, Lý Trung Tín, Trọng Hiếu, tiến sĩ-nhạc sĩ Hải Phượng, nhạc sĩ Châu Minh Tâm…

Diễn giả Hồ Nhựt Quang kể chuyện danh nhân lịch sử Lê Văn Duyệt – tổng trấn thành Gia Định thông qua chặp cải lương “Tri ân đức Tả quân Lê Văn Duyệt”.

Nghệ sỹ Xuân Lan ca bài Em yêu người nghệ sỹ tại Đình Thân Nhơn

Nghệ sỹ Tú Quyên và Nhựt Quang diễn tuồng Thương cha một tấm lòng son

“Rất xúc động khi có nhiều vị cao niên còn nhớ để nhắc các phong tục của đình làng về cách lạy, phẩm cúng hương đăng trà quả, trái ba-la-mật (trái mít), bánh xèo, heo quai. Đặc biệt cảm ơn diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cách đây 5 năm đã về xã nhà tổ chức buổi nói chuyện văn hóa Đình và quyên góp xây dựng đình. Hôm nay rất xúc động lại được nghe diễn giả nói về tinh thần của hoa cúc chưng cúng đình “tàn vô lạc địa-diệp bất ly chi”, dù hoa khô khéo lá không rời cành, bông không rụng xuống đất như chính tâm hồn của người dân đối với quê hương đất nước của mình. Đình Thân Nhơn đã được hồi sinh và vinh dự nhận được chứng nhận di tích văn hóa cấp tỉnh, thật là niềm hạnh phúc vô biên. Chúng tôi nguyện cố gắng hết mình để cùng chính quyền và bà con thân hào nhân sĩ quyết tâm chung tay xây dựng văn hóa bản sắc xã nhà tốt đẹp hơn nữa” – đại diện Ban Khánh Tiết, ông Ngô Văn Cậy bày tỏ.

Một số hình ảnh về di tích Đình Thần Thân Nhơn:

Người dân thực hiện nghi thức dâng hoa và dâng hương cúng đình.

Đình Thần Thân Nhơn là một di tích hiếm hoi còn lưu giữ 2 chiếc mão Đường Cân thờ vua hiếm thấy ở các đình khác

2 sắc phong thần của Vua Tự Đức hồi năm 1853 vẫn còn được lưu giữ tại đình

Tuy nhiên, theo năm tháng, Đình Thần Thân Nhơn đã xuống cấp trầm trọng

Nhận thấy những giá trị tinh thần và văn hóa quan trọng của Đình Thần Thần Nhơn, lãnh đạo địa phương và người dân đã trùng tu lại đình khang trang hơn.