20/04/2024 lúc 16:02 (GMT+7)
Breaking News

Tiềm năng phát triển không gian sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam là rất lớn

VNHN - Do có những đặc thù riêng, các không gian sáng tạo nghệ thuật đang đứng trước nhiều khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động.

VNHN - Do có những đặc thù riêng, các không gian sáng tạo nghệ thuật đang đứng trước nhiều khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động.

5 năm trở lại đây, hàng trăm không gian sáng tạo nghệ thuật mọc lên, đặc biệt là ở những thành phố lớn góp phần mở ra một cách thức mới trong việc tiếp cận văn hóa và thực hành nghệ thuật. Tuy nhiên, do có những đặc thù riêng, các không gian sáng tạo nghệ thuật đang đứng trước nhiều khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động. “Không gian văn hóa sáng tạo” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng ở nước ta, mô hình này vẫn khá mới mẻ. Trong lĩnh vực nghệ thuật, các không gian sáng tạo ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM.

Đó có thể là một quán cà phê, phòng tranh, thư viện, studio, trung tâm âm nhạc thể nghiệm...hoặc cũng có thể là một khu phức hợp đa chức năng, thường xuyên tổ chức sự kiện để thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, cùng sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, cũng như quá trình hội nhập sâu rộng mang đến những yếu tố và ý tưởng mới lạ cho ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và không gian sáng tạo nghệ thuật nói riêng. Không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đây còn là cầu nối nghệ sĩ với khán giả, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

VICAS Art Studio - Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam được thành lập từ năm 2017. Nơi đây thường tổ chức trưng bày nghệ thuật, kết nối nghệ sỹ với thị trường và khán giả. Với diện tích khoảng 200m2, phòng trưng bày của trung tâm này tạo ra không gian cởi mở, thân thiện. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đều có thể được mở triển lãm miễn phí tại đây. Ngoài triển lãm, VICAS Arts studio còn có tọa đàm về nghệ thuật, trình diễn âm nhạc thể nghiệm thu hút được đông đảo công chúng.

Điều đáng nói là tuy trực thuộc một đơn vị của Nhà nước, song VICAS Arts studio không có kinh phí và biên chế hoạt động. Mặc dù vậy, không gian này vẫn hoạt động rất sôi nổi. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Quản trị VICAS Arts studio lý giải, trước hết định hướng của trung tâm phù hợp với nhu cầu của nhiều nghệ sĩ và của cộng đồng, nên nhận được sự hỗ trợ tích cực từ họ. Thậm chí nhiều nghệ sĩ gửi tranh, tặng tranh để trung tâm bán gây quỹ.

“Trung tâm chúng tôi có số lượng tranh bán gây quỹ khá lớn so với mặt bằng chung của các không gian sáng tạo khác chuyên về mỹ thuật. Có những triển lãm Tết quy tụ hơn 60-70 nghệ sĩ tham gia và số lượng tranh bán cho các nhà sưu tập lên tới 1/3. Các nghệ sĩ tặng lại một phần để gây quỹ. Nhờ vậy chúng tôi có kinh phí để hỗ trợ các hoạt động khác.” Chị Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ. VICAS Arts studio là một ví dụ cho thấy vai trò của không gian sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay trong việc kết nối nghệ sĩ và công chúng, kết nối sáng tạo với nhu cầu thị trường.

Khu nghệ thuật đương đại tại TP. HCM. Ảnh : baovanhoa.vn

Ngoài VICAS Arts studio, còn có không gian sáng tạo nghệ thuật độc đáo như: The Factory- Trung tâm Nghệ thuật đương đại ở TPHCM thường xuyên tổ chức các sự kiện quy mô lớn và chuyên nghiệp, kết nối nghệ thuật đương đại của Việt Nam với quốc tế. Hay nhờ có Trung tâm Nghệ thuật Đom Đóm, ở Hà Nội mà lần đầu tiên các nghệ sĩ theo dòng nhạc thể nghiệm có không gian thực hành và biểu diễn thường xuyên. Hoặc Doclab ra đời trở thành điểm gặp gỡ của các nhà làm phim trẻ. Với những không gian như vậy, môi trường sáng tạo trở nên phong phú hơn với các loại hình mỹ thuật, âm nhạc thể nghiệm, nghệ thuật sắp đặt…đồng thời, xây dựng nên một lớp khán giả mới.

Theo báo cáo của Hội đồng Anh, từ con số 40 không gian sáng tạo năm 2014, đến nay, cả nước có khoảng 200 không gian sáng tạo chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…thu hút hơn 100.000 người tham gia. Hoạt động của các không gian sáng tạo rất sôi động. Mỗi không gian sáng tạo dù lớn hay nhỏ đều tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Theo anh Nguyễn Hoàng Phương, điều hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD – Hội Điện ảnh Việt Nam tiềm năng phát triển không gian sáng tạo nghệ thuật ở nước ta là rất lớn.“Công nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển và đóng góp vào GDP của các nước rất lớn.

Đồng thời xây dựng cộng đồng người yêu nghệ thuật. Nếu chúng ta có tổ chức kết nối được các không gian với nhau, hỗ trợ lẫn nhau và góp phần thay đổi chính sách, mạng lưới khán giả thì điều đó rất ý nghĩa.” Mặc dù số lượng không gian sáng tạo nghệ thuật ngày càng gia tăng, nhưng mặt khác, nhiều không gian sáng tạo lại…“biến mất”. Như Zone 9, từng là một điểm đến yêu thích của giới nghệ sĩ và giới trẻ Hà Nội. Từ một khu vực hoang tàn đổ nát, những nghệ sĩ tài năng đã chung tay tô vẽ, sửa sang lại, “thổi hồn” cho không gian này trở thành một một trung tâm văn hóa, nghệ thuật độc nhất vô nhị cho giới trẻ Hà Nội.

Tuy nhiên Zone 9 phải đóng cửa sau thời gian ngắn ngủi. Tương tự, Nhà ga 3A ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh là nơi các nghệ sĩ gặp gỡ và giới thiệu tác phẩm của mình với công chúng, nhưng rồi cũng phải dừng lại sau 3 năm hoạt động, trong sự luyến tiếc của nhiều người. Gần đây nhất, Go Fish (ở Quảng Nam); Nhà sàn Colective (ở Hà Nội)…cũng dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Thực tế, hầu hết các không gian sáng tạo nghệ thuật đều gặp khó khăn về địa điểm. Càng ở những thành phố lớn, những vị trí đẹp thì giá thuê càng cao, đẩy gánh nặng chi phí lên những người sáng lập. Trong khi đó, nguồn thu từ các hoạt động nghệ thuật của các không gian này luôn bấp bênh.

Không gian sáng tạo chuyên về múa đương đại Kinergie Studio (Hà Nội) do chị Bùi Thị Thu Hiền làm quản lý cũng chung khó khăn này.“Chúng tôi thành lập từ 2015, Kinergie Studio là trung tâm tự vận hành. Chúng tôi có rất nhiều khó khăn. Mình phải tự vận hành dựa trên nguồn thu của hoạt động từ lớp học. Chưa kể múa đương đại và ba lê vẫn mới với nhiều người, ít người biết đến.” Chị Bùi Thị Thu Hiền bày tỏ. Thực tế, không gian sáng tạo nghệ thuật hình thành và phát triển một cách tự phát, khởi nguồn từ cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ mong muốn tạo dựng một sân chơi nghệ thuật, nơi mà nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo và công chúng có thể cùng gặp gỡ, thưởng thức nghệ thuật với những trải nghiệm thú vị, mới lạ.

Tuy nhiên, không phải người nghệ sĩ tài năng nào cũng đồng thời là một nhà quản lý, điều hành giỏi. Thiếu kỹ năng quản lý là một trong những lý do khiến nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật “chết yểu”. PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: Hiện nay các không gian sáng tạo Việt Nam chưa được đối xử đúng theo tầm vóc vai trò của nó mà nó đang bị đối xử như không gian giải trí thông thường, kinh doanh thông thường. “Điều đó dẫn đến tình trạng là có nhiều mô hình không gian sáng tạo mọc lên nhưng cũng có nhiều cái mất đi. Chúng ta cần xác định địa vị pháp lý rõ ràng hơn và có chính sách hỗ trợ”. PGS. TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Không gian sáng tạo nghệ thuật chủ yếu được tạo ra từ đam mê của những người trẻ nhiều hoài bão, mong muốn dùng nghệ thuật để đóng góp ý nghĩa cho xã hội. Tuy nhiên khi bước vào thực tế hoạt động, họ vấp phải rất nhiều khó khăn, từ việc thuê địa điểm đến việc quản lý, phát triển không gian sáng tạo nghệ thuật. Nhưng điều mà những người sáng lập, điều hành các không gian này trăn trở nhất là các không gian này chưa được nhìn nhận đúng vai trò, vị trí và chưa được “định danh” cụ thể trong hệ thống pháp luật, kéo theo đó là nhiều thách thức khác. Vấn đề này sẽ được đề cập trong kỳ 2 của loạt phóng sự “Không gian sáng tạo nghệ thuật: Sớm đã nở tối có tàn?” với nhan đề: “Không gian sáng tạo nghệ thuật – Cần một vị trí xứng đáng”.