24/04/2024 lúc 03:15 (GMT+7)
Breaking News

Thương mại điện tử Việt là con đường dẫn tới thị trường 33 tỉ USD

VNHN - Thương mại điện tử (TMĐT) đã “lên ngôi” ngay trong mùa dịch COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh và khoảng thời gian giãn cách xã hội, nhiều người làm việc tại nhà đã chuyển nhu cầu mua sắm từ những loại hàng hóa tiêu dùng cho đến đồ ăn, thức uống sang kênh online.

VNHN - Thương mại điện tử (TMĐT) đã “lên ngôi” ngay trong mùa dịch COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh và khoảng thời gian giãn cách xã hội, nhiều người làm việc tại nhà đã chuyển nhu cầu mua sắm từ những loại hàng hóa tiêu dùng cho đến đồ ăn, thức uống sang kênh online.

Làm việc tại nhà (work from home) là trào lưu mới diễn ra trong mùa dịch COVID-19 tại Việt Nam. Theo anh Thanh Trực, nhân viên truyền thông của Công ty iSobar (TPHCM), khoảng thời gian bình thường trước đây thỉnh thoảng anh vẫn hay lên mạng đặt mua đồ dùng, đồ ăn thức uống tại văn phòng làm việc. Nhưng từ ngày chuyển sang làm việc tại nhà trong mùa dịch, nhu cầu mua hàng này được chuyển sang đặt tại nhà. “Cho dù trong nhà đã sắm trữ đầy đủ các nhu yếu phẩm nhưng hàng ngày vẫn có những nhu cầu phát sinh, từ đó phải đặt qua các ứng dụng trực tuyến”, anh Trực cho biết.

Hầu hết các dự báo từ những tổ chức quốc tế về thị trường TMĐT Việt Nam đều cho rằng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh từ nay đến năm 2025. Nếu lấy tỉ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015-2018 để dự báo, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt khoảng 33 tỉ USD vào thời điểm năm 2025, xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Để ngành TMĐT Việt Nam tăng trưởng mạnh và thậm chí tăng mạnh hơn dự báo, vấn đề cốt lõi nhất chính là chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành - Phó giám đốc Công ty truyền thông iSobar, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối online các sản phẩm nông sản Việt - cho rằng: “Chất lượng hàng hóa, dịch vụ bán qua kênh online sẽ quyết định đến niềm tin của người tiêu dùng. Người mua hàng online hiện nay đa phần mua các món hàng có giá trị nhỏ, đơn hàng có giá trị bình quân từ 1 triệu đồng trở xuống chiếm chủ yếu, cho thấy người ta còn chưa mạnh dạn mua những món hàng có giá trị lớn qua mạng”.

Dây chuyền hàng hóa tại một doanh nghiệp thương mại điện tử. Ảnh: Tiki

Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019”, những vấn đề còn tồn tại của ngành được các doanh nghiệp vận hành website TMĐT nêu ra gồm: Khách hàng thiếu tin tưởng về chất lượng hàng hóa, lo ngại về thanh toán trực tuyến, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, chi phí vận chuyển - giao nhận còn cao… Cho dù các lo ngại của người tiêu dùng dần dà được các nhà cung cấp dịch vụ và website bán hàng lớn, có uy tín cải thiện, tuy nhiên những yếu tố này vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng, cũng chính là trở ngại đáng kể đối với các hành vi mua sắm online.

Từ phía đơn vị vận hành một sàn TMĐT, ông Trần Tuấn Anh cho rằng: “Trở ngại lớn nhất hiện nay là hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ tiến độ cho đến chi phí, còn các yếu tố trở ngại khác có thể dần cải thiện theo thời gian”. TMĐT cùng với các loại hình kinh doanh khác trong nền kinh tế số đang dần làm thay đổi hành vi tiêu dùng trong xã hội. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất như ông Nguyễn Khoa Hồng Thành nhận định chính là niềm tin người tiêu dùng.

Theo ông, chất lượng hàng hóa, dịch vụ bảo đảm sẽ giúp giữ chân được người tiêu dùng với TMĐT, và từ đó họ cũng có tâm lý thoải mái hơn trong việc mua hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến. Việc đặt mua tại nhà (buy from home) được xem như một hệ quả của trào lưu làm việc tại nhà. Anh Tuấn, nhân viên giao hàng của công ty Giao hàng tiết kiệm (BKS 59-B1 108.xx) giải thích: “Trong mùa dịch, không hẳn là số đơn hàng tăng lên, nhưng kênh bán hàng trực tuyến được người ta quan tâm nhiều hơn vì mọi người hạn chế ra đường”.

Tất nhiên khi ấy, trung gian nhận và giao hàng từ bên bán đến bên mua chính là các nhân viên giao hàng (shipper) như anh Tuấn. Một minh chứng rõ ràng nhất về sự “lên ngôi” của TMĐT là trường hợp cổ phiếu của “ông lớn” Amazon (Mỹ) đã tăng khoảng 27% tính từ thời điểm đầu năm 2020 tới ngày 24.4.2020. Tại Việt Nam, TMĐT trong 5 năm trở lại đây cũng không ngừng tăng trưởng ở mức hai con số, từ mức 23% đến 37%. Năm 2018, TMĐT Việt Nam tăng trưởng 30% và đạt quy mô 8 tỉ USD.

Năm 2020, qui mô thị trường được dự báo sẽ tăng mạnh hơn, có thể đạt mức từ 13-15 tỉ USD. Theo ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam, hiện trên thế giới không còn nhiều thị trường có tiềm năng phát triển TMĐT cũng như thích ứng nhanh trong lĩnh vực này như thị trường Việt Nam. Một trong những yếu tố thúc đẩy mạnh TMĐT là tỉ lệ người dùng Internet tại Việt Nam tăng nhanh, tới nay đã chiếm khoảng 65% dân số (97 triệu dân), trong đó có đến trên 67% số người dùng Internet ít nhất mua sắm trực tuyến một lần trong năm.