29/03/2024 lúc 19:35 (GMT+7)
Breaking News

Thương mại điện tử - Công cụ kết nối thương mại nội địa trong dịch Covid-19

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, các doanh nghiệp phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai nhiều sự kiện có ý nghĩa ngay tại vùng tâm dịch.

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, các doanh nghiệp phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai nhiều sự kiện có ý nghĩa ngay tại vùng tâm dịch.

Ảnh minh họa - Internet

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn số 687/TMĐT-TTCNS ngày 08/7/2021 chỉ đạo, kêu gọi các Sàn thương mại điện tử lớn đề nghị các Sàn thương mại điện tử chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hoá tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Cùng với các Sàn thương mại điện tử lớn khác tại Việt Nam, Shopee đã có buổi làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để trao đổi và xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung, số lượng, chủng loại giá cả hàng hoá nhu yếu phẩm thiết yếu cung ứng cho người dân thành phố ổn định trong thời gian giãn cách xã hội ứng phó dịch bệnh.

Dù còn nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển nguồn cung hàng hoá từ các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh, cũng như trong khu vực thành phố do các lệnh hạn chế di chuyển và giãn cách nhưng hàng hóa thiết yếu cũng đã đến được tay người dân.

Chương trình “Thực phẩm bình ổn” là một trong những sáng kiến của Sàn thương mại điện tử Shopee phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhằm góp phần phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố. Gian hàng “Thực phẩm bình ổn” cung cấp các loại trái cây đúng vụ, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tươi ngon an toàn, các loại thịt sạch nhập khẩu đều được Shopee giao hàng kịp thời và hỗ trợ phí vận chuyển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và đồng hành nhanh chóng của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh trong việc kết nối thông tin với các nhà cung cấp khu vực thành phố, từ đó giảm bớt áp lực cho hệ thống phân phối truyền thống trong giai đoạn chống dịch hết sức khó khăn.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh có thể đặt mua thực phẩm tươi ngon, giá ổn định thông qua chương trình “Thực phẩm Bình ổn” tại địa chỉ https://shopee.vn/ngon_hcm hoặc https://shopee.vn/m/shopeefarm một cách thuận tiện.

Bên cạnh đó, cũng từ tháng 5/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Shopee cùng các Sở ban ngành địa phương, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân hỗ trợ tiêu thụ nông sản đặc sản địa phương.

Cụ thể gần đây là các chương trình tiêu thụ Mận hậu Sơn La, Xoài Sơn La, Dừa xiêm Tiền Giang, Sầu riêng Cai Lậy và đặc biệt là chương trình Vải thiều Bắc Giang và nhiều sản phẩm khác. Sắp tới đây các sản phẩm như Nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Hà Tĩnh, Bơ Đắc Lắc, Na Lạng Sơn . . . cũng sẽ từng bước được tổ chức đưa lên ShopeeFarm để hỗ trợ tiêu thụ.

Nhằm giúp bà con bước đầu làm quen, tiếp cận phương thức phân phối mới này, các chuyên gia của sàn thương mại điện tử Shopee đã tới từng nhà vườn tại các địa phương, triển khai đào tạo về quy trình đóng gói và bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu; hướng dẫn người dân các kỹ năng livestream quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, ShopeeFarm còn hỗ trợ vận chuyển hàng hoá tiếp cận các thị trường trong nước tiềm năng như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ phí giao hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Kết quả sau hơn 2 tháng triển khai, một số lượng lớn mặt hàng nông sản, thực phẩm đã được phân phối, tiêu thụ qua ShopeeFarm; từ đây các đặc sản địa phương được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến biết đến, cũng đồng thời phát huy tinh thần của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có sức lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua, góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân trong trong mùa dịch cũng như giảm bớt áp lực cho hệ thống phân phối bán lẻ.

Trước tình hình thực hiện giãn cách ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có khả năng kéo dài, việc đảm bảo nhu cầu hàng hoá thiết yếu cho người dân thành phố là vô cùng quan trọng, hoạt động của ShopeeFarm đã góp phần hỗ trợ bà con nông dân các Hợp tác xã tiêu thụ thêm được nông sản, đồng thời tiếp sức cho người dân đang sinh sống tại các khu vực thực hiện cách ly, phong toả, vượt qua khó khăn.

Trong những tháng dịch bệnh vừa qua, ShopeeFarm đã trao tặng hơn 30 tấn rau củ quả và 2.200 phần đồ hộp cho dự án “Chợ Nghĩa Tình”, tổ chức bởi Sở Công Thương và Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, tới người dân ở các khu vực cách ly, phong toả trên địa bàn 22 quận, huyện của thành phố.

Cũng từ tháng 7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo bắt đầu triển khai chương trình “Tuần lễ nông sản Việt" là hoạt động thiết thực, thường kỳ và liên tục nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới và tiếp cận phương thức bán hàng livestream cũng như từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương trên môi trường số.

Đầu tháng 8 khi bắt đầu tới mùa Nhãn lồng Hưng Yên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên liên tục phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức, kết nối thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Theo đó, Sàn thương mại điện tử Sendo tiếp tục cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để mở hướng đưa sản phẩm Nhãn lồng Hương Chi - Hưng Yên bán trên Sàn thương mại điện tử Sendo, Voso và Postmart.

Thương mại điện tử với những lợi thế của mình, đã phát huy tác dụng như cánh tay nối dài trong chuỗi cung ứng hàng hoá đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, với mong muốn chung tay góp sức vào việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá nhu yếu phẩm miễn phí dành riêng cho người dân đang sinh sống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong những đơn vị đi đầu của TP. Hồ Chí Minh là Saigon Co.op. Hơn 3 tháng TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Saigon Co.op vẫn nỗ lực cung ứng hơn 2.000 tấn hàng hoá mỗi ngày tại gần 1.000 điểm bán trực thuộc trên 44 tỉnh, thành trong cả nước và tiếp tục cung cấp trung bình gần 46.000 suất ăn mỗi ngày cho các khu cách ly tập trung tại TP.HCM. Ngoài ra, còn phối hợp với hệ thống MTTQ Việt Nam Thành phố thực hiện các túi quà an sinh xã hội đến với các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện sứ mệnh khổng lồ này, Saigon Co.op không chỉ đa dạng hóa các mô hình phân phối nhằm phủ kín các phân khúc tiêu dùng, bao gồm các hệ thống siêu thị Co.opmart, đại siêu thị CoopXtra, TTTM quy mô lớn SC VivoCity, cửa hàng thực phẩm Co.opFood... mà còn chủ động sử dụng thương mại điện tử như một công cụ chủ yếu đưa thực phẩm đến tay người dân một cách an toàn, bảo đảm vệ sinh phòng dịch. Saigon Co.op đã xây dựng hệ thống Co.opmart Finest, một mô hình thương mại điện tử kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác. Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, app công nghệ, mới đây Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, đặc biệt là khu vực TP.HCM.

Những nỗ lực của Bộ Công Thương trong kết nối với các doanh nghiệp phân phối lớn, các sàn giao dịch thương mại điện tử đã mang lại kết quả rõ nét. Nhiều địa phương nhìn nhận tính tích cực của phương thức giao dịch này đã kiến nghị Bộ Công Thương giúp đỡ. Tỉnh Đắk Nông và một số địa phương có các huyện, xã thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bà con dân tộc thiểu số sinh sống đã đề xuất với Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số thông qua việc đề nghị các sàn giao dịch thương mại điện tử (sàn TMĐT). Ưu tiên hiển thị nhu yếu phẩm, các sản phẩm phòng dịch, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương vào vụ thu hoạch trên các sàn TMĐT, tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp phân phối lớn cũng như các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam nhằm hỗ trợ phân phối sản phẩm địa phương, nông sản địa phương đến tay người tiêu dùng cả nước.