16/04/2024 lúc 17:34 (GMT+7)
Breaking News

V-League - miền đất dữ với các HLV ngoại

VNHN - Suốt 20 năm từ khi V-League lên chuyên nghiệp, số lượng HLV ngoại thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngay cả Alfred Riedl, Toshiya Miura hay Edson Tavares cũng đều bay ghế.

VNHN - Suốt 20 năm từ khi V-League lên chuyên nghiệp, số lượng HLV ngoại thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngay cả Alfred Riedl, Toshiya Miura hay Edson Tavares cũng đều bay ghế.

Fabio Lopez bị Thanh Hóa sa thải sau khi chỉ thắng được một trong năm trận dẫn dắt CLB miền Trung này. 

Trong làng bóng đá Việt Nam, sau Bình Dương, Thanh Hóa chính là "lò xay" HLV khét tiếng nhất. Chỉ tính từ lúc họ lấy lại suất đá V-League của Thể Công Viettel năm 2010, trung bình cứ mỗi mùa Thanh Hóa hai lần thay tướng. Nếu chỉ tính trong vòng 365 ngày qua, họ có đến... năm HLV trưởng, gồm Nguyễn Đức Thắng, Vũ Quang Bảo, Mai Xuân Hợp, Lopez và bây giờ là Nguyễn Thành Công.

Nhiều tên tuổi nổi tiếng từng cầm quân tại Thanh Hóa. Đầu tiên là Lê Thụy Hải, HLV có đến hai nhiệm kỳ làm việc ở đây, 2011 và 2016, nhưng đều ra đi theo cùng một cách: bị sa thải. Thậm chí, có lần ông Hải nhận tin đuổi việc khi đang cùng đội đi đá sân khách. Nhân vật lừng lẫy kế tiếp là Ljupko Petrovic, HLV từng đoạt Cup C1 châu Âu cùng Sao Đỏ Belgrade. Ông giúp Thanh Hóa giành ngôi á quân ở mùa 2017, nhưng đột ngột chia tay đầu mùa 2018.  HLV trẻ Nguyễn Đức Thắng được chọn kế nhiệm, và cuối mùa giúp Thanh Hóa giữ được ngôi á quân. Nhưng cũng như vị tiền nhiệm, sang mùa 2019, chỉ sau vài vòng, đến lượt ông Thắng chủ động rút lui.

Ghế HLV ở Thanh Hóa loạn đến mức, cuối mùa trước, khi không còn ai dám "nhảy vào lửa", bầu Đệ đưa luôn HLV mới 33 tuổi Mai Xuân Hợp lên ghế thuyền trưởng. Khi đội vừa trụ hạng thành công sau trận play-off, Xuân Hợp cũng mất ghế. Trường hợp của anh làm gợi nhớ về Hoàng Thanh Tùng, người có đến bốn lần phải sắm vai "HLV tạm quyền" chỉ vì các ông chủ đội bóng có sở thích thay HLV một cách đột ngột kể cả khi chưa có ai thay thế.

Rất hiếm HLV nào giữ ghế được trọn mùa, cho dù Thanh Hóa cũng đã thử nhiều cách. Có thành tích cụ thể như ông Hải "lơ", có người mềm dẻo như ông Mai Đức Chung, giỏi hậu trường như ông Vũ Quang Bảo, rồi dùng HLV bản địa như Triệu Quang Hà, Xuân Hợp, Thanh Tùng và tất nhiên, họ cũng thử với các chuyên gia nước ngoài tăm tiếng như Petrovic, giỏi quản lý như Marian Mihail... Nói Thanh Hóa có "truyền thống" bất ổn trên ghế HLV là vì vậy.

Nhưng bên cạnh sự đỏng đảnh của đội bóng xứ Thanh, thì với trường hợp của Fabio Lopez, cũng cần phải nói đến sự thiếu phù hợp của những nhà cầm quân nước ngoài trong môi trường V-League.

Nếu so với những cái tên như Petrovic, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, thì tiếng tăm của Lopez chẳng là gì cả. Đầu mùa, dân trong nghề còn thấy lạ khi HLV người Italy này được chọn. CLB gần nhất của Lopez là FC Borneo, một đội bóng tại giải Liga 1 (Indonesia), không thể nói là có trình độ cao hơn bóng đá Việt Nam. Trong vòng 10 năm, Lopez trải qua đến 10 CLB khác nhau, chủ yếu ở các nền bóng đá kém phát triển. Những gì đáng giá nhất của Lopez chủ yếu ở vai trò tuyển trạch viên các CLB trẻ khi còn ở Italy. Vì thế, chuyện Lopez bị sa thải chẳng có gì to tát, và cũng chưa hẳn là do lỗi của bầu Đệ, hay cầu thủ Thanh Hóa "nổi loạn".

Trên thực tế, xét về lý lịch cũng như đẳng cấp, Lopez kém rất xa so với những HLV nước ngoài khác từng đến rồi đi khỏi "miền đất dữ" V-League. Điểm lại lịch sử, số người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, đạt đến đỉnh cao thì còn ít ỏi hơn. Đứng đầu có lẽ là Henrique Calisto với sáu năm làm việc ở Đồng Tâm Long An cùng hai chức vô địch, chưa kể hai nhiệm kỳ thành công với đội tuyển quốc gia Việt Nam. Người thứ hai, là Arjhan Srong-ngamsub, HLV giành hai chức vô địch với HAGL. Người thứ ba, nhiều khả năng, sẽ là ông Chung Hae-seung của CLB TP HCM hiện nay. Dù nhà cầm quân Hàn Quốc chưa đạt thành tích đặc biệt nào, kết quả ổn định của CLB TP HCM cho thấy nhiều triển vọng.

Những HLV ngoại có khả năng thành công như Chung Hae-seung của CLB TP HCM là không nhiều ở V-League, kể từ khi giải lên chuyên nghiệp năm 2000. 

Để biết V-League "dữ" như thế nào với các HLV ngoại, chỉ cần nhìn vào nhóm HLV đã làm tốt trên tuyển quốc gia nhưng thất bại chóng vánh khi làm CLB. Alfred Riedl, người đã dành tổng cộng tám năm với ba nhiệm kỳ ở đội tuyển, nhưng chỉ mất... bốn tháng đã rời ghế của Khánh Hòa năm 2001, khi đó còn đá ở giải hạng Nhất. Sau đó, Rield chỉ cần ba trận là văng luôn khỏi ghế HLV Hải Phòng mùa 2008. Toshiya Miura, với ba năm rưỡi làm HLV tuyển Việt Nam, chỉ giữ ghế đúng một mùa ở TP HCM. Tệ hơn nữa là Edson Tavares - HLV đội tuyển Việt Nam các năm 1995 và 2004. Ông phải rời Ninh Bình chỉ sau bốn tuần làm việc ở mùa 2009.

Xết về góc độ nổi tiếng, có thể kể đến Kiatisuk, huyền thoại khi còn là cầu thủ nhưng thất bại trong hai lần cầm quân ở HAGL. Ngoài trường hợp từng đoạt Cup C1 châu Âu của ông Petrovic (Thanh Hóa), V-League từng có một cái tên nổi tiếng khác là Ricardo Formoshino, thành viên ban huấn luyện dưới trướng của Jose Mourinho cùng FC Poto vô địch Champions League, sau đó cùng làm việc ở Real Madrid. Formoshino đến Việt Nam làm cho Đồng Tâm Long An năm 2010, rồi Bình Dương 2011, nhưng ra đi trong im lặng. Marian Mihail, Giám đốc Kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Rumania, bị Thanh Hóa sa thải. Thậm chí, có trường hợp như HLV Carlos Oliveira của Bình Dương phải rời đi khi còn chưa cầm quân được ngày nào ngay đầu mùa năm nay.

Hơn 40 HLV ngoại đã làm việc trong gần 20 năm lịch sử V-League, có đến 75% là ra đi theo dạng bị sa thải. Con số này cho thấy khả năng phù hợp của HLV ngoại là quá thấp, trái ngược hoàn toàn với cầu thủ ngoại - những người có thể "kiếm cơm" ở V-League lên đến 10 năm.

Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại thất bại? Và tại sao với tỷ lệ thất bại quá lớn như vậy mà các CLB vẫn phải phiêu lưu cùng chuyên gia ngoại?

Trả lời cho câu hỏi đầu tiên không khó. Sự khác biệt về văn hóa, sự đối chọi trong phong cách làm việc và đặc biệt là sự can thiệp gần như thường xuyên của nhiều thành phần trong CLB đến công việc của các HLV ngoại vốn đề cao tính độc lập và sự tôn trọng. Trường hợp bầu Đệ, làm Chủ tịch mà trận nào cũng xuống ngồi ở băng ghế chỉ đạo, là một ví dụ. Trước ông Đệ, thì bầu Kiên của Hà Nội ACB khi cần vẫn có thể cầm luôn sa bàn chỉ đạo cầu thủ thi đấu lúc nghỉ giải lao. Bầu Đức thì từng có câu nói được lưu truyền, là "Ai huấn luyện HAGL mà chẳng được".

Gần nhất, ông Vũ Tiến Thành, vừa làm Chủ tịch vừa làm luôn HLV của CLB Sài Gòn. Bầu Thụy của Xuân Thành Sài Gòn một thời kiêm luôn vai trò nhà môi giới chuyển nhượng cầu thủ. Bầu Trường của Ninh Bình thì đưa tài xế riêng làm Giám đốc Điều hành để tiện bề chỉ đạo cầu thủ. Những ông bầu mạnh dạn giao quyền cho HLV, còn bản thân thì đóng vai "Người hâm mộ số một" như bầu Thắng (Đồng Tâm Long An), bầu Hiển (Hà Nội) là rất ít. Có lẽ vì thế mà các đội bóng của hai ông bầu này rất thành công, giữ được HLV lâu bậc nhất.

Nhưng ở góc độ khác, việc nhiều HLV ngoại đến rồi đi cũng thấy một vấn đề nghiêm trọng của bóng đá Việt Nam: đó là thiếu HLV nội có trình độ. Biết dùng chuyên gia ngoại là "3 phần thắng, 7 phần thua", nhưng các CLB vẫn phải dùng có thể vì tìm HLV nội địa có tài thực sự quá khó. Các HLV của Việt Nam, đa phần trưởng thành từ đá bóng giỏi, tích lũy kinh nghiệm để cầm quân chứ không học hành bài bản. Những người tự bỏ tiền túi đi học bằng HLV hạng Pro ở châu Âu như ông Hoàng Anh Tuấn là quá hiếm. HLV nội chủ yếu thi lấy bằng quốc tế thông qua các khóa học được tổ chức trong nước, nhằm hoàn thiện thủ tục giấy tờ chứ không phải nâng cao trình độ. Nếu muốn CLB được tổ chức theo kiểu chuyên nghiệp, muốn tiếp nhận những kiến thức, trường phái thi đấu tân tiến, thì các CLB chỉ còn cách "may rủi" với HLV nước ngoài - những người đã sống và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp từ bé.

Thế nên, từ sự thất bại của các HLV ngoại, cũng thấy đáng tiếc cho bóng đá Việt Nam, bởi như vậy cũng có nghĩa là sự tiến bộ của chúng ta ở cấp độ CLB sẽ khó mà nhanh chóng.