24/04/2024 lúc 17:06 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành Tài chính

Sáng 6/1/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Sáng 6/1/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tới dự hội nghị có: Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Về phía Bộ Tài chính, dự hội nghị có đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính.

Tham dự tại 63 điểm cầu trên cả nước có: lãnh đạo các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các cơ quan Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thuế, Hải quan, Dự trữ Nhà nước khu vực.

Năm 2021, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, quyết liệt triển khai tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội về các biện pháp, giải pháp quản lý, điều hành tài chính – ngân sách Nhà nước ứng phó đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, đồng thời thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trên các lĩnh vực được giao quản lý; nhờ vậy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2021, Bộ Tài chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 259 nhiệm vụ, đã hoàn thành 177 nhiệm vụ, 82 nhiệm vụ đang triển khai và không có nhiệm vụ nào quá hạn.

Trong bối cảnh đất nước chịu tác động rất tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngành Tài chính đã rất chú trọng công tác xây dựng thể chế - 1 trong 3 khâu đột phá của đất nước. Đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ để đề xuất nhiều biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết ngành Tài chính

Chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó với dịch covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giảm, miễn, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2021 khoảng 119.400 tỷ đồng để hỗ trợ cho 120.000 doanh nghiệp và 20.000 hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán, tăng 3,7% so với năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Uớc tính năm 2021 bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4% GDP. 

Cơ quan Thuế, Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, vừa hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, người dân, vừa quản lý chặt chẽ số phát sinh, thu đầy đủ kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Ban chỉ đạo 389 tăng cường chống thất thu, chuyển giá, buôn, lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ thuế và các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.

Thị trường tài chính, dịch vụ tài chính ngày càng phát triển theo các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế; tạo nhiều kênh dẫn vốn quan trọng và thị trường trái phiếu chính phủ cho nền kinh tế .

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số và tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đạt được nhiều tiến bộ .

Thực hiện tốt công tác tài chính đối ngoại và hội nhập quốc tế. Ngành đã chủ động xây dựng hồ sơ để chuẩn bị ban hành Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định RCEP trong thời gian tới. Tiếp tục tham gia đàm phán các FTA chưa kết thúc đàm phán, đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các cam kết quốc tế về thuế quan như: cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và theo dõi tình hình triển khai 17 Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 3 hiệp định/thỏa thuận thương mại song phương khác... Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.