24/04/2024 lúc 01:56 (GMT+7)
Breaking News

ThS.BSCK II Lưu Quốc Khải: Người lính, nhà thơ bên trong người thầy thuốc

Nhiều người biết đến ThS.BSCK II Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một bác sĩ sáng chuyên môn, nhiệt tâm với công việc và giàu y đức, hết lòng vì người bệnh. Vừa là người thầy thuốc tâm huyết, trong anh còn là một nhà thơ đầy chất “Lính” giữa đời thường bình dị. Hồn thơ ấy có lẽ cũng chính từ những mảnh ký ức anh đã góp nhặt qua những năm tháng chiến đấu hào hùng tại chiến trường phía Bắc năm xưa.

Nhiều người biết đến ThS.BSCK II Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một bác sĩ sáng chuyên môn, nhiệt tâm với công việc và giàu y đức, hết lòng vì người bệnh. Vừa là người thầy thuốc tâm huyết, trong anh còn là một nhà thơ đầy chất “Lính” giữa đời thường bình dị. Hồn thơ ấy có lẽ cũng chính từ những mảnh ký ức anh đã góp nhặt qua những năm tháng chiến đấu hào hùng tại chiến trường phía Bắc năm xưa.

 

ThS.BSCK II Lưu Quốc Khải trong những giờ phút thư thái hiếm hoi sau mỗi ngày tận tâm, miệt mài làm việc.

Sinh ra ở vùng quê nghèo ở Nam Định, nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, anh viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. Nhờ có môi trường nghiêm khắc của quân đội đã tôi luyện giúp anh trở nên bản lĩnh hơn, vững vàng hơn về ý chí và nghị lực nhưng cũng đầy hào sảng. Một lần đến trạm xá, anh gặp hình ảnh người y sĩ chăm sóc thương bệnh binh sao mà đẹp đẽ đến thế, điều này đã giúp anh nung nấu ước mơ, niềm khác vọng trở thành người thầy thuốc với mong muốn xoa dịu nỗi đau của người bệnh. Quyết định đó là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời anh. Sau khi xuất ngũ anh tiếp tục con được học tập, sự siêng năng, cần cù, không ngừng học hỏi của anh cùng ý chí vươn lên, không ngại khó, ngại khổ anh đã dần thực hiện hóa được con đường đã chọn khi thi đỗ ĐH Y Hà Nội - nơi để anh tích lũy và học hỏi nhiều kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực y khoa. Để có cơ hội gắn bó với nghề y, anh đã phải trải qua rất nhiều nghề phụ, từ phụ hồ đến bảo vệ cơ quan… rồi trở thành bác sĩ thực tập không lương ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Chia sẻ về nghề y, BS. Khải cho hay người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "Tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, người bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh. Với cương vị là Trưởng khoa Đẻ A2, BS. Khải luôn căn dặn các y, bác sĩ rằng tất cả người bệnh được đối xử như nhau, kể cả giàu hay nghèo, thậm chí đối tượng ưu tiên trước hết là người nghèo hay người thân của người lính. Bởi vì bản thân mình đã từng là người lính nên rất hiểu nỗi khó khăn vất vả của người vợ khi chồng đang thực hiện nhiệm vụ xa nhà không về kịp. Còn người nghèo rất cần đến sự sẻ chia của người thầy thuốc khi họ đặt cả niềm tin vào người thầy thuốc. Vì thế, mỗi người thầy thuốc ở khoa cần hiểu rằng, nghề y là nghề chữa bệnh, cứu người chứ không phải là kiếm tiền, nếu bất chấp kiếm tiền dễ sinh ra thất đức, nên người bác sĩ cần có lời nói, tư duy đúng mực và hành động minh bạch, rõ ràng – BS. Khải cho biết.

Nhiều người cho rằng, bác sĩ sản có vẻ “nhàn” hơn một số lĩnh vực khác, song với BS. Khải, ranh giới giữa sự sống và cái chết của hai tính mạng đôi khi chỉ mong manh trong gang tấc. Có những tai biến sản khoa mà bất kỳ bác sĩ sản nào cũng phải ngấn lệ bất lực, đau với nỗi đau và mất mát của sản phụ và gia đình. Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các ca đỡ đẻ, anh cho biết thêm, đối với người bác sĩ sản phụ khoa, bài toán khó nhất là trong một thời gian ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều và trẻ không bị ngạt. Vì vậy, mọi ca sinh nở  của sản phụ đều là một ca cấp cứu, người thầy thuốc lúc nào cũng như vào trận chiến, sẵn sàng ứng phó với tất cả các nguy cơ tai biến các sản phụ trước sinh, trong sinh, sau sinh… Bởi thế, người thầy thuốc cần có bản lĩnh, tay nghề điêu luyện và lương tâm nghề nghiệp.

Chưa kể, theo lời BS. Khải, trong quá trình làm việc anh đã nhiều lần đối diện với nguy cơ phơi nhiễm HIV do sản phụ nhiễm HIV, song người bác sĩ sản khoa phải tuyệt đối tôn trọng sản phụ, không được có suy nghĩ bỏ rơi hay miệt thị họ. Anh nhớ lại, trong một ca cấp cứu đặc biệt, đã có 18 y bác sĩ ở Bệnh viện bị phơi nhiễm HIV sau khi nỗ lực giành sự sống cho bệnh nhân mất máu nhiều, ngừng tuần hoàn... Sản phụ bị chửa ngoài tử cung vỡ và buộc phải mổ nhưng “xin bác sĩ đừng cứu em vì em nhiễm HIV sắp chết rồi!”, nhưng đối với BS. Khải là thầy thuốc phải cứu người. Vì thế, vượt lên trên những rủi ro nghề nghiệp cao, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, Viêm gan, Giang mai… các bác sĩ vẫn tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, cứu sống sản phụ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh kể về “gia tài” lớn nhất của mình cho đến thời điểm hiện nay là hàng trăm bức thư của những gia đình có con được sinh ra thành công từ khoa Đẻ 2. Những bức thư như, cuốn nhật ký kể lại niềm hạnh phúc khi con chào đời, khi con chập chững những bước đi đầu tiên… được các gia đình gửi tặng BS. Khải và tập thể Khoa. Đây là món quà vô giá đối với anh, bởi đó là sự ghi nhận của người bệnh đối với sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc.  Cảm mến trước người thầy thuốc Lưu Quốc Khải, nhiều gia đình xin đặt tên anh cho con của mình. Thậm chí nhiều gia đình còn xin nhận anh làm cha nuôi cho con nhưng anh không dám nhận lời. Bởi anh tâm niệm: “Công việc hằng ngày cứ cuốn tôi đi, dường như 24 giờ là không đủ, nếu là cha thì phải quan tâm tới con, nếu không làm được sẽ khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương”. Có lẽ, vì tình yêu trẻ trong anh quá lớn nên anh nguyện trở thành người đồng hành cùng sản phụ "vượt cạn" để họ không còn cảm thấy đơn độc, để hạnh phúc đến với từng gia đình vì tiếng khóc trẻ thơ lan tỏa.

Hoàn thành một ngày làm việc cống hiến trọn vẹn tâm huyết cho hạnh phúc của biết bao gia đình, về với mái ấm thân thương bên người vợ thảo hiền và hai con ngoan, trò giỏi, BS. Lưu Quốc Khải lại là một người chồng, người cha mẫu mực. Và trong những phút giây thầm kín, lặng lẽ suy tư về chuyện nghề, chuyện đời, anh chợt nảy ra những vần thơ thật sâu lắng. Đọc thơ anh, tôi như cảm nhận rõ những âm thanh của cuộc sống hòa với nhịp điệu cảm xúc trong tâm hồn của người thầy thuốc tận tâm, và cũng là một nhà thơ với chất trữ tình, lãng mạn, ưu tư và trầm mặc rất riêng ấy. Tuyển tập thơ của anh thì rất dài, trong đó, phải kể đến một số bài thơ tiêu biểu đã được đăng trên các Tạp chí uy tín về văn hóa, nghệ thuật như: Tình biển, Đêm qua miền Trung Du, Buồn và Nhớ… Hồn thơ đó có lẽ đã được cóp nhặt từ những mảnh ký ức xưa cũ, từ những năm tháng chiến đấu khi anh tham gia mặt trận Vị Xuyên đầy khói lửa anh hùng. Những gian lao, bi thương nhưng cũng đầy hùng tráng ấy đã tôi luyện, hun đúc nên ý chí, tinh thần và phẩm chất của người bác sỹ đầy trách nhiệm, giàu y đức với người bệnh và một nhà thơ đầy chất “Lính” giữa đời thường bình dị hôm nay - ThS.BSCK II Lưu Quốc Khải.