29/03/2024 lúc 21:52 (GMT+7)
Breaking News

Thống nhất chính sách, hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển

VNHN - Ngày 13/1/2020, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Nhiều nội dung chính sách mới đã được giới thiệu chi tiết tại buổi họp báo.

VNHN - Ngày 13/1/2020, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Nhiều nội dung chính sách mới đã được giới thiệu chi tiết tại buổi họp báo.

Ảnh minh họa

Thống nhất về chính sách, hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển

Ngày 14/6/2019, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2019, nhằm thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 121/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã nội luật hóa cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Hiệp định CPTPP.

Tiếp đó, ngày 1/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước đó, ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 65/2019/TT-BTC quy định nội dung đào tạo, thi, cấp, công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

 

 Toàn cảnh buổi họp báo chuyên đề. Ảnh: DT.

Thông tin từ lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho hay, các văn bản mới đã đảm bảo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội và tương thích với các cam kết quốc tế; đồng thời tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng và chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được kiểm soát dẫn tới môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước gia nhập thị trường.

Cùng với đó, các văn bản mới đảm bảo tính thống nhất trong quản lý các hoạt động của thị trường bảo hiểm, hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam, gắn liền việc quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong tổng thể thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được mở rộng do nhận thức của khách hàng về vai trò của dịch vụ phụ trợ được tăng cường, Nhà nước bảo đảm sự phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, phát huy tiềm năng, năng lực của các doanh nghiệp này.

Tạo điều kiện và khuyến khích phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, các quy định của luật mới được thiết kế phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Theo đó, luật mới không hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng về năng lực và điều kiện cung cấp, luật cho phép tất cả các tổ chức có tư cách pháp nhân đáp ứng điều kiện có thể thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Cá nhân được cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.

Đồng thời, cá nhân không bị hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh đối với các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm còn lại, có thể thực hiện thông qua tổ chức dưới các hình thức như là chủ đầu tư, tham gia góp vốn thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, là nhân viên của các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Ông Nguyễn Quang Huyền cũng cho biết, luật mới cũng không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.

“Nội dung của luật thể hiện việc chuẩn hoá các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trên tinh thần mở cửa, nhưng có sự kiểm soát bằng điều kiện năng lực chuyên môn. Luật không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm. Quy định này phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước” – ông Nguyễn Quang Huyền phân tích thêm.

Bên cạnh việc khuyến khích các tổ chức, xã hội - nghề nghiệp tham gia, luật mới cũng đã đưa ra quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm để phát triển thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp và bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, các văn bản mới sẽ tạo môi trường pháp lý bình đẳng, ổn định cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong nước, đáp ứng nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT) trong Hiệp định CPTPP. Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới được quy định tại luật và quy định chi tiết tại Nghị định số 80/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được áp dụng chung cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài./.