20/04/2024 lúc 03:54 (GMT+7)
Breaking News

Thời cơ mới cho tái cơ cấu ngành lúa gạo

Từ năm 2016, Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành hàng này. Hiện nay, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn, cả trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Từ năm 2016, Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành hàng này. Hiện nay, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn, cả trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phê duyệt Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo vị thế vững chắc cho gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Ðổi mới sản xuất, gia tăng giá trị

Sau 5 năm thực hiện Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, ngành lúa gạo đã có nhiều khởi sắc trên cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu… từng bước được hiện thực hóa. 

Ảnh minh họa

Chuyển đổi giống và phương thức canh tác

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT), trước khi thực hiện đề án tái cơ cấu lúa gạo, từ năm 2010 đến năm 2013, diện tích gieo trồng lúa có xu hướng gia tăng hằng năm, đạt đỉnh vào năm 2013 với gần 7,9 triệu ha gieo trồng. Từ năm 2014 - 2019, diện tích gieo trồng lúa bắt đầu giảm đều. Ðến năm 2019, diện tích gieo trồng chỉ còn 7,47 triệu ha, giảm khoảng 430 nghìn ha so với năm 2013. Diện tích giảm do chuyển đổi một phần đất lúa và giảm diện tích vụ thu đông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và vụ mùa ở phía bắc. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng do năng suất tăng cho nên sản lượng lúa vẫn duy trì ổn định mức 43 đến 44 triệu tấn hằng năm; xuất khẩu 6 đến 7 triệu tấn/năm. Ðáng chú ý, cơ cấu giống lúa có sự chuyển đổi tích cực theo định hướng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Với vùng sản xuất lúa trọng điểm ÐBSCL, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm đặc sản tăng từ 11,37% (năm 2015) lên 17,5% (năm 2018); lúa chất lượng cao tăng từ 39,78% lên 41,0%; lúa chất lượng trung bình giảm từ 29% xuống 26,5%; lúa nếp giảm từ 8,59% xuống 6,0%. Những con số này đã thể hiện sự thay đổi lớn về chất lượng lúa, gạo; đồng thời là sự thay đổi lớn trong tư duy người  trồng lúa khi đã mạnh dạn thay thế các giống lúa thường, năng suất cao, chất lượng thấp sang các giống lúa năng suất thấp hơn nhưng chất lượng cao hơn rõ rệt.

Tại Sóc Trăng, tỉnh xác định tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Theo đó, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại ngày càng được mở rộng, đến năm 2020 đạt 178.095 ha (tăng 29.632 ha so năm 2016). Sản lượng lúa đặc sản tăng từ 41,95% (năm 2016) lên 52,1% vào năm 2020. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng Vũ Hiếu Ðông cho biết: Ðến nay, Sóc Trăng đã lai tạo và chọn được các giống lúa thơm phục vụ vùng chuyên canh trồng lúa thơm của tỉnh. Các giống lúa này là nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo ra các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao, trong đó có giống lúa ST 24 và ST 25. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất lúa đặc sản cao cấp ST19, ST20. Hiện, Sóc Trăng đã có bộ sưu tập giống lúa ST từ ST1 đến ST28 và một số giống ST có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Tại tỉnh Ðồng Tháp, việc phát triển các vùng chuyên canh lúa giống, lúa chất lượng cao cũng tăng đáng kể, năm 2020 đạt 62% diện tích canh tác (tăng 11% so năm 2015). Tỉnh An Giang cũng chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống lúa, hiện có khoảng 70% diện tích sử dụng các loại giống chất lượng cao.

Không chỉ thay đổi cơ cấu giống lúa, tại nhiều địa phương ở ÐBSCL, phương thức sản xuất lúa những năm qua cũng có sự chuyển hướng rõ nét. Thay vì sản xuất theo truyền thống, kinh nghiệm, nhiều hộ nông dân dần chuyển sang sản xuất lúa theo quy trình, quy chuẩn an toàn, đạt chuẩn VietGAP, Global GAP, tạo ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của từng đối tác thu mua. Ðồng thời, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành và triển khai một số biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, thực hành sản xuất lúa bền vững (SRP), GAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tưới tiết kiệm nước, sử dụng máy cấy, sử dụng thiết bị bay không người lái, ứng dụng cơ giới hóa… Ðiển hình như An Giang, diện tích lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt 89,6%; diện tích xuống giống áp dụng “1 phải, 5 giảm” đạt 47,1%, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Ông Trần Hữu Huệ ở ấp Bình An, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, (An Giang) chia sẻ: Trước đây, nông dân trồng lúa theo kinh nghiệm và tập quán canh tác địa phương cho nên chi phí sản xuất hằng năm rất cao, lợi nhuận thấp; thậm chí có năm thua lỗ do dịch bệnh và thiên tai. Tuy nhiên, từ khi sản xuất lúa theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, nhà nông đã giảm được chi phí và tăng lợi nhuận từ 200.000 đến 300.000 đồng/công/vụ. Tính chung, với diện tích 20 công đất lúa (ba vụ/năm), lợi nhuận tăng thêm so với trước vài chục triệu đồng/năm.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Thực hiện giải pháp cơ cấu lại ngành lúa gạo, từ năm 2016, các địa phương đã chú ý đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ hiệu quả, phù hợp cơ chế thị trường, kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức quy mô lớn hơn. Tính chung trên cả nước, tổng diện tích sản xuất lúa theo cánh đồng lớn đạt 516,9 nghìn héc-ta. Trong các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, hàng nghìn héc-ta đã được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, SRP, cụ thể như các mô hình lúa tôm ở vùng mặn ven biển các tỉnh ÐBSCL, mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên đất vùng nước lợ gần cửa sông ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng, lúa hữu cơ ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, mô hình lúa-cá, lúa-tôm càng xanh, lúa-vịt ở Ðồng Tháp... được đánh giá cao. Trao đổi về các mô hình liên kết sản xuất lúa, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 có 80.000 ha có thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ. Sở NN và PTNT đã hỗ trợ 37 doanh nghiệp triển khai liên kết sản xuất thông qua 20 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác. Vừa qua, Sở đã làm việc với Công ty Angimex-Kitoku, Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Sunrice… về phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên cơ sở hỗ trợ công ty gắn kết với các hợp tác xã hiện có và thành lập mới hợp tác xã theo nhu cầu của doanh nghiệp gắn với vùng nguyên liệu của công ty để tạo sự bền vững trong sản xuất và quản lý điều hành.

Tại Sóc Trăng, mô hình cánh đồng lớn được duy trì với nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết như Công ty TNHH Vĩnh Lộc thuộc Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Vạn Hưng Ðiền, Công ty Chế biến lương thực và xuất nhập khẩu Cần Thơ, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang… Trong khi đó, tại Ðồng Tháp, tình hình liên kết tiêu thụ đạt kết quả khả quan. Sản lượng lúa được các doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ đều tăng theo từng năm (trung bình diện tích liên kết tiêu thụ hằng năm đạt khoảng 12%, sản lượng liên kết đạt 388 nghìn tấn), có 67 hợp tác xã, 82 tổ hợp tác, một hội quán và 40 công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ lúa. Việc liên kết tiêu thụ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Ðồng thời góp phần quan trọng thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Từ đó, thực hiện hiệu quả sáu nội dung trọng tâm trong cơ cấu lại ngành lúa gạo là “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh” với nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được hình thành, nhân rộng, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, tăng thu nhập, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất của người trồng lúa.

Việc cơ cấu lại cũng đã tác động tích cực đến diễn biến giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,07 tỷ USD, trong đó, điểm nhấn quan trọng chính là giá bán. Tính chung cả năm 2020, gạo là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, giá bình quân lên đến 496 USD/tấn, có những thời điểm cao hơn gạo Thái-lan khoảng 20 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Ðộ khoảng 120 USD/tấn. Ðây được đánh giá là mức giá tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam và minh chứng cho chất lượng hạt gạo Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt.

Theo Bộ NN và PTNT, với chính sách khuyến khích và hỗ trợ của các địa phương, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch tăng nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. Từ năm 2015 đến năm 2019: khâu làm đất từ 75% tăng lên 95%; gieo cấy, sạ máy từ 20% tăng lên 45%;  chăm sóc, thu hoạch từ 65% tăng lên 85% bình quân toàn quốc. Ðiều tra năm 2019 của Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp tại ÐBSCL cho thấy, tổn thất sau thu hoạch bình quân là 8,8%. Tại đồng bằng sông Hồng, mức tổn thất là 9,7%. Tổn thất chung sau thu hoạch những năm trước 2015 là 13 đến 14%. Lợi nhuận của người trồng lúa đạt hơn 30%. Riêng năm 2019, theo điều tra của Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp, lợi nhuận đạt 75% do được mùa, được giá, nhất là nhóm gạo thơm.