20/04/2024 lúc 17:48 (GMT+7)
Breaking News

Thọ Xuân: Ứng dụng mô hình nhà lưới, nhà màng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, thực phẩm hữu cơ đang ngày càng trở thành xu hướng tiêu dùng được nhiều người Việt lựa chọn vì các lợi ích mà thực phẩm này mang lại cho sức khỏe. Những năm qua, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất.

Hiện nay, thực phẩm hữu cơ đang ngày càng trở thành xu hướng tiêu dùng được nhiều người Việt lựa chọn vì các lợi ích mà thực phẩm này mang lại cho sức khỏe. Những năm qua, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất.

Ứng dụng mô hình nhà lưới, nhà màng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Xác định khoa học công nghệ (KHCN) và công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu, cần thiết đối với phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tạo đà cho việc ứng dụng CNC và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. trong thời gian tới huyện Thọ Xuân sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát huy lợi thế từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp cận đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, địa phương.

Áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với yêu cầu nghiêm ngặt kỹ thuật từ khâu chọn giống.

Mô hình Dưa vàng Điền Trạch

Điển hình như mô hình Dưa vàng Điền Trạch và Dưa lê Điền Trạch của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch, anh Đỗ Văn Tùng làm Giám đốc cùng vài người bạn song hành khởi nghiệp, lấy kiến thức làm nền tảng, niềm đam mê làm động lực, họ cùng nhau góp công, góp vốn để thực hiện ước mơ làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao, đã phát triển thương hiệu dưa Điền Trạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến công nhận sản phẩm OCOP. Năm 2019, nhận thấy xứ Đồng Cạn, thôn Điền Trạch thuộc đất công ích (5%) của địa phương vốn là khu cồn cao khó canh tác, UBND xã Thọ Lâm cho các hộ thuê để trồng sắn, dứa và cây hoa màu nhưng sản xuất kém hiệu quả, có thời điểm đất còn bị bỏ hoang. Các anh đi tìm hiểu, thuyết phục các hộ để xin thuê lại diện tích đất họ đã thầu; cùng với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các anh đã thuê được hơn 25.000m2 đất công ích, đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới với diện tích 15.000m2 để trồng dưa Kim Hoàng hậu. Mỗi người có một sở trường, thế mạnh riêng, nếu biết phát huy sẽ tạo được sự gắn kết, phát triển bền vững. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động địa phương và hơn 10 lao động thời vụ.

 Mô hình Dưa lê Điền Trạch của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch

Với công nghệ hiện đại tiên tiến dưa được trồng trong nhà lưới, cách ly với những tác hại bên ngoài, tối đa hóa hữu cơ đầu vào, tất cả những người ra, vào vườn dưa buộc phải khử trùng tuyệt đối qua hệ thông khử trùng nghiêm ngặt mang đến sản phẩm chất lượng an toàn cho người sử dụng. Áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với yêu cầu nghiêm ngặt kỹ thuật từ khâu chọn giống, vật tư, đến khi thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ. Công ty đầu tư hệ thống tưới thông minh nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel, luôn theo dõi chặt chẽ về độ ẩm, nhiệt độ và dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển đều của trái dưa. Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dưa. Phân bón được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây dưa phát triển. Điểm khác biệt là hệ thống châm phân 4 cổng có khả năng điều chỉnh lượng phân bón gốc chính xác, điều khiển tại chỗ hoặc từ xa, lịch sử tưới được lưu lại trên hệ thống có thể dễ dàng phân tích dinh dưỡng, cây trồng được cung cấp dinh dưỡng đều và liên tục sẽ phát triển khỏe mạnh. Đó là một trong những lý do 100 quả dưa vàng trong nông trại của công ty đều tăm tắp như nhau. Ứng dụng công nghệ tưới thông minh được lập trình sẵn nên giúp cây trồng hấp thu vừa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm chi phí sử dụng lao động, năng suất ổn định từ 27 đến 29 tấn/ha/vụ. Từ khi đi vào hoạt động đến nay Công ty đã thu hoạch được 4 vụ, với diện tích canh tác hiện tại 15.000m2, mỗi vụ các anh trồng khoảng 315.000 cây dưa, đến lúc thu hoạch còn được khoảng 300.000 cây. Quả trung bình đạt khoảng 1,3 – 1,8kg. Vì thế, 1 vụ dưa ước tính công ty thu về khoảng 40 tấn, bán với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, công ty thu về khoảng 300 triệu đồng/vụ. Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là những trái dưa to đẹp, ruột màu cam, mọng nước, có vị thơm đặc trưng, giòn, độ ngọt cao.

Công ty đầu tư hệ thống tưới thông minh nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel, luôn theo dõi chặt chẽ về độ ẩm, nhiệt độ và dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển đều của trái dưa.

Theo anh Tùng, do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên nhiều nông dân chưa có cơ hội áp dụng đại trà. Nhưng nếu tính kỹ, nhà màng cùng hệ thống tưới hiện đại có thể sử dụng lâu (khoảng 10 năm) thì chỉ cần 2 – 3 năm đầu, người trồng có thể thu hồi vốn. Mặt khác, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm, như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Hướng đến phát triển bền vững, theo anh cần tìm hiểu nhu cầu thị trường nông sản trước khi phát triển sản xuất. Nắm vững tâm lý người tiêu dùng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nên công ty chọn trồng các giống dưa có trọng lượng trung bình 1,3 – 1,8kg/quả, sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng trong ngày của gia đình và túi tiền của đa số người tiêu dùng trong nước.

Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là những trái dưa to đẹp, ruột màu cam, mọng nước, có vị thơm đặc trưng, giòn, độ ngọt cao.

Thời gian tới, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiệt độ tăng cao thì việc đầu tư lắp đặt nhà màng, nhà lưới đang là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp. Đây không chỉ đảm bảo cho cây trồng phát triển quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thọ Xuân đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển./.