29/03/2024 lúc 03:16 (GMT+7)
Breaking News

Thiệt hại kinh tế do Covid-19: Đâu là động lực tăng trưởng để phục hồi?

Chiều nay (5/12), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 khai mạc với chủ đề Phục hồi và phát triển bền vững bước vào phiên thảo luận bàn tròn tại Phiên chuyên đề 1.

Chiều nay (5/12), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 khai mạc với chủ đề Phục hồi và phát triển bền vững bước vào phiên thảo luận bàn tròn tại Phiên chuyên đề 1.

Thiệt hại kinh tế do Covid-19: Đâu là động lực tăng trưởng để phục hồi?

Hoàn thiện khung pháp lý

Tham gia thảo luận bàn tròn tại Phiên chuyên đề 1 - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 chiều nay, 5/12, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế cần quán triệt nguyên tắc bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách phải thông báo nhanh chóng với thị trường. Nếu tình hình thực tế có thay đổi cần cho phép chuyển hóa nguồn lực thực hiện.

So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy, "dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.

Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. Nhưng, TS Võ Trí Thành cho rằng, sự đồng hành của Quốc hội nên thể hiện qua các kỳ họp bất thường, thay vì hai kỳ họp đầu và cuối năm thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội. Việc tổ chức kỳ họp bất thường, theo ông Võ Trí Thành, có thể sẽ phải được Quốc hội thực hiện ít nhất trong 5 năm tới, do tình hình thế giới còn bất định, nhiều bất ổn và rủi ro hiện nay.

Do quá trình thực hiện phải tuân thủ quy trình, thủ tục được luật định nên việc chuẩn bị và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội phải rất nhanh. Nhưng, "đáng tiếc là Chương trình phục hồi tổng thể này được nghĩ đến từ cách đây một năm, song đến nay mới được đưa ra xem xét, quyết định", TS Võ Trí Thành nói.

Nhấn mạnh đặc điểm độ trễ trong và độ trễ ngoài khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ở nước ta đều dài. Chính sách tài chính và ngân hàng đều mất từ 6 - 8 tháng mới có thể triển khai. Do vậy, TS Võ Trí Thành đề nghị, cần có khung pháp lý để hệ thống ngân hàng thương mại "có thể và dám làm việc hỗ trợ lãi suất". Tất nhiên, sự hỗ trợ lãi suất này phải trên cơ sở sự tường minh trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Nhà nước. Bởi, thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn có ngân hàng thương mại chưa quyết toán được.

Chỉ rõ về độ nhạy của các thị trường, thu nhập và tiêu dùng của người dân mỗi khi chính sách mới được ban hành, TS Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện. “Bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách cũng thông báo nhanh chóng với thị trường”, TS Võ Trí Thành nêu rõ.

Thực tế cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát.

Phân tích trên bối cảnh hiện nay của Việt Nam, TS Võ Trí Thành lưu ý, điều chỉnh chính sách tài khóa tác động đến lạm phát không nhiều, song sẽ ảnh hưởng ngay đến lãi suất cho vay. Điều này cũng phù hợp với việc các quốc gia trên thế giới sẽ thu hẹp việc nới lỏng tiền tệ, gói hỗ trợ. Do vậy, để thu hút nguồn lực thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế (như cho các định chế tài chính mua trái phiếu), TS Võ Trí Thành tán thành với việc "có thể suy nghĩ nới các chỉ tiêu bội chi, nợ công".

Quang cảnh diễn đàn

Không chủ quan với lạm phát 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà khẳng định, để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN cùng hệ thống ngân hàng sẽ đồng hành cùng nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Từ năm ngoái đến nay, NHNN Việt Nam và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế. “Chính sách tiền tệ của Việt Nam ở mức trung bình của thế giới”, ông Phạm Thanh Hà nhìn nhận.

Thực tế, chính sách tiền tệ tác động ở hai khía cạnh là lượng và giá, tương hỗ nhau. Về lượng, mục tiêu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm duy trì thanh khoản của nền kinh tế. “NHNN đã điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và cho các doanh nghiệp. Ở góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, cung ứng tiền của NHNN trong 2 năm qua đã hỗ trợ nền kinh tế rất lớn. Đơn cử, NHNN mua ngoại tệ sau 2 năm khoảng 25 tỷ USD. Về thanh khoản cho các doanh nghiệp, do Covid-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ, cho vay mới. NHNN đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các thông tư 01, 03 và 04, duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai, miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới…”, ông Phạm Thanh Hà thông tin.

Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay. NHNN sẵn sàng có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc duy trì khối lượng thanh khoản tốt trên thị trường, NHNN đã điều hành hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, NHNN đã giảm lãi suất điều hành. Hiện, lãi suất điều hành giảm 1,5 - 2%; lãi suất huy động giảm 1,5%; lãi suất cho vay giảm 1,77% so với đầu năm 2020. Có 16 ngân hàng thương mại cam kết tiếp tục hạ lãi suất từ tháng 7 đến hết năm nay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Nhìn nhận về thách thức trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Các ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. NHNN sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng. Phó Thống đốc NHNN cho biết sẽ hết sức lưu tâm vấn đề này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Song song với thách thức vẫn có những cơ hội. Đó là với lượng thanh khoản tốt, thị trường vốn và chứng khoán rất lớn có cơ hội tăng vốn cho ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại lớn. “Hiện, dư nợ nền kinh tế đạt 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu tăng một đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ.

Cùng với đó, chuyển đổi số cũng là cơ hội cho ngành ngân hàng và thực tế ngân hàng đang tiên phong trong vấn đề này. Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát, ông Phạm Thanh Hà khẳng định.