29/03/2024 lúc 21:58 (GMT+7)
Breaking News

Thiệt hại hàng tỉ USD vì metro chậm tiến độ

VNHN - Theo ước tính, cứ mỗi năm chậm tiến độ tuyến metro số 1, TP.HCM sẽ thiệt hại 1,3 tỉ USD. Ngoài ra, TP sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy khác.

VNHN - Theo ước tính, cứ mỗi năm chậm tiến độ tuyến metro số 1, TP.HCM sẽ thiệt hại 1,3 tỉ USD. Ngoài ra, TP sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy khác.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa cho biết tuyến metro số 1 sẽ dời thời gian hoàn thành từ năm 2020 sang quý 4-2021, metro số 2 từ năm 2024 dời sang 2026. Trao đổi về sự việc trên, ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, thành viên hội đồng thẩm định hai dự án metro TP - cho rằng TP sẽ phải đối mặt với nhiều thiệt hại về tài chính, uy tín cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Chậm tiến độ sẽ làm chúng ta mất tín nhiệm với các nhà tài trợ của các dự án đang thực hiện và các công trình trọng điểm sắp tới. Một hệ lụy nữa là các nhà thầu sẽ có khiếu nại, thậm chí đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chúng ta có thể phải bồi thường hàng ngàn tỉ đồng. Một khi nhà thầu đã đưa ra tòa sẽ rất mất thời gian, tiền bạc theo đuổi vụ kiện. Sự chậm trễ tuyến 1 và tuyến 2 do cơ chế quá phức tạp đã khiến nhiều nhà đầu tư ở các tuyến metro khác đang lo ngại. Ví như trước đây, một số nhà đầu tư đã lập dự án các tuyến metro khác tại TP.HCM nhưng do cơ chế đã khiến họ tạm ngưng, chờ tiếp.

Theo khảo sát, trên tuyến Xa lộ Hà Nội mỗi ngày có khoảng 22.000 xe ôtô lưu thông, gây ra tình trạng kẹt xe thường xuyên. Nếu tuyến metro 1 hoàn thành sớm, TP sẽ bố trí lại hệ thống giao thông trục Xa lộ Hà Nội. Lúc ấy, TP sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe ở khu vực cửa ngõ đông bắc và cảng Cát Lái, từ đó có thể mang lại nguồn lợi hàng tỉ USD/năm. Ngược lại, nạn kẹt xe có khả năng gây thiệt hại khoảng 1,3 tỉ USD/năm, đồng thời làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư dự án.

Trong điều kiện khó khăn, hai năm khi chưa điều chỉnh dự án, TP đã cho tạm ứng 5.000 tỉ đồng để dự án tiếp tục "chạy". Tuy nhiên, thủ tục tạm ứng vốn rất phức tạp và chừng ấy tiền cũng không đủ so với khối lượng công việc nhà thầu đã thực hiện. Việc chậm thẩm định cũng đồng nghĩa không giải ngân được. Từ đó mình đánh mất uy tín, niềm tin bởi đã vô tình gây khó khăn về tài chính cho các nhà thầu.

Đến nay dự án metro số 1 đã đạt được 66,6% khối lượng công việc, cuối năm 2019 dự kiến đạt 75%.

Cũng rất mừng là trong khó khăn, nhà thầu Nhật và Việt Nam vẫn đồng hành, không quản ngày đêm làm việc liên tục một ngày ba ca nhằm đảm bảo tiến độ. Đó là một ưu điểm mà mình rất tôn trọng họ. Theo tôi, thứ nhất là ngay từ lúc đề xuất dự án, chúng ta phải thực hiện chặt chẽ, lấy định mức chuẩn của quốc tế để thực hiện. Khi các nhà thầu quốc tế trúng thầu sẽ không có chuyện phải điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư, gây ra chậm trễ cho dự án. Thứ hai, về công tác thẩm định, chúng ta phải có các chuyên gia giỏi để chính quyền và Chính phủ quyết định nhanh. Chứ như hiện nay, việc thẩm định thiết kế cơ sở tuyến metro số 2 đã kéo dài 4 năm mà vẫn chưa được duyệt. Tôi cho rằng cần phải hướng tới việc nâng cao chất lượng nhân sự quản lý và củng cố bộ máy tham mưu từ giám sát, thẩm định..., thực hiện các dự án cần có trình độ kỹ thuật cao.

Thứ ba, về nguồn vốn: phải xác định nguồn vốn ngay từ đầu. Ở tuyến metro số 2 hiện nay cũng chưa xác định được nguồn vốn. Và cuối cùng, chúng ta cần phải xem xét lại cơ chế thực hiện dự án. Cơ chế càng phức tạp thì nhà đầu tư càng không mặn mà, làm giảm sự tin tưởng với nhà đầu tư. Thực tế ít có nơi nào làm metro chậm như nước ta. Cụ thể, mỗi năm ở Thượng Hải (Trung Quốc) có thể làm tới 35km.

Ở Indonesia, trong 5 năm họ đã làm được tuyến metro dài 15,7km nối trung tâm Jakarta với khu thương mại phía nam thành phố. Đó là chưa kể những nước có trình độ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... Còn ở nước ta, việc triển khai một dự án metro tốn quá nhiều thời gian, tuyến metro số 1 đã kéo dài gần 10 năm rồi. Nay dự án lại tiếp tục phải lùi thời gian hoàn thành một lần nữa.