20/04/2024 lúc 05:42 (GMT+7)
Breaking News

Thiết bị vật tư chống dịch bệnh: Dư luận đặt câu hỏi nóng

VNHN - Máy xét nghiệm Realtime PCR “bị đội giá” ở nhiều địa phương đang là chủ đề được dư luận quan tâm. Song xem ra vấn đề không dừng ở loại thiết bị này, mà dư luận đã đặt nhiều câu hỏi nóng quanh công tác mua sắm thiết bị vật tư phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương.

VNHN - Máy xét nghiệm Realtime PCR “bị đội giá” ở nhiều địa phương đang là chủ đề được dư luận quan tâm. Song xem ra vấn đề không dừng ở loại thiết bị này, mà dư luận đã đặt nhiều câu hỏi nóng quanh công tác mua sắm thiết bị vật tư phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương.

Thực tế sau vụ việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bị phanh phui kê khống giá máy xét nghiệm, một số tỉnh thành cũng “bị tố” mua thiết bị với dấu hiệu giá tương tự. Thậm chí có địa phương đã phải “chống chế” chỉ mượn thiết bị chứ không hề mua, mà vẫn không tránh khỏi điều tiếng. Vấn đề này đang khuấy động thực trạng lâu nay về chi tiêu công tại các địa phương, với một lời giải đáp cần thiết làm sao cho hợp lý.

Giá máy xét nghiệm Realtime PCR "bị kê khống" cao hơn ở nhiều địa phương?

Tát nước theo mưa?

UBND tỉnh Quảng Nam trong chiều nay 29/4/2020 đã có cuộc họp với các sở ban ngành về việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR giá 7,23 tỷ đồng. Đây là mức giá bị dư luận “đánh động” có vấn đề, sau vụ việc CDC Hà Nội, và giá máy được công bố “rẻ quá” ở Ninh Bình hay Đà Nẵng. Câu hỏi được chính quyền Quảng Nam đặt ra, là liệu có gì mờ ám đằng sau giá máy công bố và đấu thầu?

Lý giải của sở Y tế và sở Tài chính Quảng Nam cho thấy quy trình đề nghị UBND tỉnh này phê duyệt mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trong hoàn cảnh thực tế đang báo động nguy cơ, là hoàn toàn đúng các quy định pháp luật và thẩm quyền trách nhiệm. Sở Y tế Quảng Nam đã tra cứu, so sánh giá máy chung trên thị trường và giá của ba nhà thầu đăng ký cung ứng, sau đó thương thảo để có giá tốt nhất.

Tuy nhiên, theo giải trình của nhà thầu bán máy, công ty Giải Pháp Việt, cơ bản giá máy thị trường là tùy thuộc các nhà cung cấp, và doanh nghiệp chỉ biết báo giá theo đơn giá sau nhập khẩu của họ. Cho nên, doanh nghiệp rất khó cam kết giá thiết bị là cao hay thấp so với giá thật. Để khắc phục, công ty này đề nghị chính quyền địa phương “cắt lợi nhuận” đơn hàng, giảm giá mua máy xuống còn 4,85 tỷ đồng.

Câu hỏi lập tức được dư luận đặt ra, là tại sao doanh nghiệp bán máy không biết giá gốc thực tế, lại có thể nghiễm nhiên gởi báo giá máy có độ chênh lệch đến vài tỷ đồng? Phải chăng, đây là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý hiện nay, để các đơn vị cung ứng, bán hàng tùy ý “lũng đoạn” giá cả hàng hóa khi thị trường có biến động? Mở rộng ra, trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa, “nắm thóp” được nhu cầu mua sắm công tại các tỉnh thành, những đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa có thể “tát nước theo mưa” thu lợi bất chính, và phải chăng đằng sau còn có những động thái hợp tác khác từ các cơ quan, ban ngành chức năng ở từng địa phương?

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu soát xét lại các quy trình mua sắm tài sản công phục vụ phòng chống dịch bệnh tại địa phương trong thời gian qua.

Xiết nghiêm việc mua sắm tài sản công?

Trước những giải trình “có lý” về vụ việc máy xét nghiệm Realtime PCR, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tạm thời giao thanh tra địa phương xem xét lại toàn bộ quy trình mua sắm. Nhưng ông lưu ý, đây chỉ là sự việc nổi cộm trước mắt. Sau vụ giá máy xét nghiệm, địa phương cần lập tức vào cuộc tra soát, làm rõ công tác mua sắm các loại trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua.

Trước mắt là thanh tra đột xuất về mua sắm máy xét nghiệm, và đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra tiếp các nội dung còn lại… Hiện nay dư luận đang rất quan tâm, các đơn vị cũng rất cần minh bạch chuyện này”. Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh như vậy.

Chỉ đạo cương quyết của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, xem ra cũng là hành động cần thiết phải có ở lãnh đạo các địa phương, tỉnh thành khác. Bởi lẽ, dư luận chung đang đặt ra rất nhiều nghi vấn, và cả những nhận xét tiêu cực về thực trạng mua sắm tài sản công ở các địa phương lâu nay.

Không ít người, từng là lãnh đạo địa phương hay ban ngành chức năng, bộc bạch rằng họ luôn đối diện câu hỏi trách nhiệm về mua sắm tài sản công ở mỗi thời điểm phát triển kinh tế hay sự việc bất thường cần xử lý. Một cách nghiễm nhiên, dư luận luôn đặt những dấu khoanh tròn to và đen ngòm về tính minh bạch ở các dự án mua sắm đó. Nhiều doanh nghiệp thẳng thừng nhận xét, họ không thể không có “chung chi” để các dự án mua sắm công sản rơi vào tay họ, và “lệ đi cùng luật” luôn là chuyện phải làm, sau đó phải “ngậm miệng” nếu không muốn “bốc hơi” khỏi thị trường làm ăn.

Câu chuyện dịch bệnh rõ ràng liên quan đến rất nhiều vấn đề mua sắm công, sử dụng ngân sách vào chủ trương quyết liệt “chống dịch như chống giặc”. Từ mua sắm máy móc thiết bị, vật tư y tế tiêu hao, đến các chế độ, chính sách hỗ trợ, giải ngân kinh phí…, vị trí nào cũng rất dễ phát sinh những câu hỏi ngờ vực. Làm sao có thể làm rõ hết những nghi vấn ấy, nếu không có được sự chỉ đạo kiên định và theo dõi tra soát nghiêm túc từ Trung ương đến các địa phương, sau khi tình hình diễn biến tốt hơn?

Thực tế đến nay, với sự vào cuộc chung của cả nước, dịch bệnh COVID-19 đang bị đẩy lùi khỏi Việt Nam. Đó là tín hiệu tốt, nỗ lực thành công đáng ghi nhận của toàn dân tộc, của cả bộ máy Nhà nước và cả xã hội. Có điều, ngay sau thắng lợi ban đầu, những câu hỏi nghi ngờ trong lòng dân, trong cộng đồng tất yếu phải được giải mở, mới có thể minh chứng đầy đủ cho chiến thắng chung và là lý giải công bằng cho tất cả mọi người.