28/03/2024 lúc 23:20 (GMT+7)
Breaking News

Thị xã Sơn Tây đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Là vùng đất đồi gò, bán sơn địa, canh tác lúa và các loại hoa màu gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, những năm qua, thị xã Sơn Tây tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao, là tiền đề để huyện phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Là vùng đất đồi gò, bán sơn địa, canh tác lúa và các loại hoa màu gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, những năm qua, thị xã Sơn Tây tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao, là tiền đề để huyện phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Thị xã Sơn Tây đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ), lần đầu tiên, cây sâm Bố Chính được đưa về trồng trên đất đồi gò Sơn Tây với quy mô 5ha. Bà Uông Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, để thực hiện mô hình, đơn vị đã thuê 5ha đất của hơn 100 hộ nông dân. Mô hình được hợp tác xã sản xuất theo quy trình hữu cơ; có ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như: Hệ thống tưới nước tự động và ươm giống. Sâm Bố Chính rất phù hợp với đất đồi gò nên phát triển tốt. Ước tính, mỗi héc ta trồng sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ Lê Văn Long cho biết: Đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã chủ yếu là đồi gò, trước đây, người dân chỉ trồng sắn, hiệu quả rất thấp. Trước thực trạng đó, địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ mô hình trồng sâm hiệu quả, Thanh Mỹ mong muốn tiếp tục mở rộng sản xuất cây trồng đặc sản (bưởi Diễn, mít Thái, các cây dược liệu) theo hướng hữu cơ trên diện tích đồi gò còn lại.

Còn tại xã Kim Sơn, thời gian qua đã hình thành một số chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mật ong, đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Xuân Quyền, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Sơn cho biết, ước tính, sản lượng mật ong bình quân hằng năm của các hộ nuôi ong Kim Sơn đạt khoảng 40.000 lít. Ngoài doanh thu từ khai thác mật, các hộ còn tập trung nhân đàn, tách đàn bán giống, bán phấn hoa và sản phẩm khác, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên từ 150 triệu đồng đến 800 triệu đồng/hộ/năm trở lên. Sản phẩm mật ong Kim Sơn đã được thành phố Hà Nội công nhận OCOP và được nhiều người biết đến nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn...

Để hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, năm 2021, thị xã tiếp tục triển khai hỗ trợ các mô hình mới như: Hỗ trợ bảo tồn và phát triển đặc sản mít Sơn Tây, hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc sản cà Trung Hưng, hỗ trợ mô hình trồng một số giống cây dược liệu... Trong chăn nuôi, thị xã đã và đang triển khai một số mô hình hỗ trợ như: Sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi vịt cao sản, chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi dê sữa, dê thịt... Các xã, phường trên địa bàn tiếp tục rà soát diện tích đất nông nghiệp, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm... để phát triển sản xuất bền vững, có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP.
 

  • Tags: