29/03/2024 lúc 09:16 (GMT+7)
Breaking News

Thể thao TPHCM xứng đáng ngọn cờ đầu

VNHN - Duy trì truyền thống là một trong 3 “lò” đào tạo HLV, VĐV hàng đầu cho thể thao Việt Nam, ngành thể thao TP.HCM rất tự hào về những thành quả đã đạt được, đóng góp vào sự cường thịnh chung của đất nước.

VNHN - Duy trì truyền thống là một trong 3 “lò” đào tạo HLV, VĐV hàng đầu cho thể thao Việt Nam, ngành thể thao TP.HCM rất tự hào về những thành quả đã đạt được, đóng góp vào sự cường thịnh chung của đất nước.

Minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của thể thao đỉnh cao TP.HCM trong khoảng hơn một thập kỷ qua nằm ở các kỳ SEA Games. Thống kê bắt đầu từ SEA Games 25 năm 2009, các VĐV TP.HCM đã giành 11 HCV, 11 HCB, 11 HCĐ thì gần nhất ở kỳ SEA Games 30 tại Philippines vào năm ngoái, đoàn thể thao thành phố có hơn 100 cán bộ, VĐV, HLV tham dự và đóng góp 13 HCV, 9 HCB, 24 HCĐ trong thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam (98 HCV). TP.HCM đồng thời được ghi nhận là 1 trong ba đơn vị đóng góp nhiều huy chương nhất cho đoàn thể thao nước nhà tại SEA Games 30, chỉ sau Hà Nội và Quân đội.

Điều đáng khích lệ khác khi thành tích của các VĐV thể thao TP.HCM đều rơi vào những môn thể thao Olympic, xứng đáng được đầu tư trọng điểm. Đó là “Nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á” Lê Tú Chinh, một trong những nhân tố quan trọng khiến điền kinh Thái Lan ngậm ngùi chịu thua Việt Nam ở 2 kỳ SEA Games gần nhất. Ngoài ra còn có “hotboy” thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng, Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm); Thạch Kim Tuấn (cử tạ); Châu Tuyết Vân, Liên Thị Tuyết Mai (Taekwondo); Đặng Thị Kiều Trinh, Trần Thị Kim Thanh, Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Bích Thùy, Nguyễn Thị Tuyết Ngân, Huỳnh Như (bóng đá nữ), Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông). Một chi tiết khác nơi hậu trường cũng giúp TP.HCM tạo đòn bẩy cho thể thao đỉnh cao ngoài chính sách thông thoáng, trợ giúp cho VĐV chính là chế độ lương, thưởng luôn nằm tốp đầu so với cả nước.

Chỉ tính riêng ở đấu trường SEA Games, từ năm 2017 đến nay, ngoài mức thưởng huy chương theo quy định nhà nước (45 triệu đồng/ HCV, 25 triệu đồng/ HCB và 20 triệu đồng/ HCĐ), TP.HCM còn duyệt chi cộng thêm 15%. Cụ thể, mỗi HCV trị giá 52 triệu đồng, HCB 29 triệu đồng và HCĐ 23 triệu, chưa kể số tiền 439 triệu đồng dùng để thưởng nóng kèm theo những chế độ đãi ngộ khác của nhà tài trợ. Chính chế độ đãi ngộ hấp dẫn đó của đã lôi kéo các VĐV đỉnh cao chọn thành phố là “đất lành” để đầu quân.

Lê Tú Chinh - Gương mặt xuất sắc của điền kinh Việt Nam và thể thao TP.HCM. Ảnh: VSI

Đã hơn 10 năm trước, TP.HCM đã có chế độ vượt bậc nhằm khuyến khích nhân tài. Đơn cử, ngoài mức lương, tiền thưởng 25 triệu đồng/HCV SEA Games của TP.HCM được áp dụng hơn chục năm trước và hiện tại đã cao hơn gấp đôi cũng là chuyện mơ ước với nhiều địa phương khác. Chưa kể, Thể thao TP.HCM cũng là địa phương đi đầu trong công tác xã hội hoá thể thao khi sẵn sàng cử các VĐV đại diện nước nhà đi thi đấu ở nhiều môn không phải thế mạnh như: Golf, bowling, bóng nước, dù lượn, các môn võ mới.

Tiềm lực kinh tế sẵn có là một phần, nhưng truyền thống thể thao ở địa phương lớn mạnh nhất nước cũng là yếu tố không nhỏ đóng góp vào sự phát triển. Việc đội bóng đá nữ TP.HCM thống trị làng bóng đá nước nhà (5 năm 4 lần VĐQG) cho thấy sự trở lại của một tượng đài. Bóng đá nam TP.HCM cũng đang trên hành trình trở lại thời đỉnh cao khi CLB TP.HCM đoạt chức Á quân V-League 2019, HCĐ Cúp quốc gia 2019, thành tích tốt nhất kể từ ngày trở lại sân cỏ cao nhất quốc gia năm 2017.

Với hàng loạt sự đầu tư lớn về chuyên môn lẫn hậu trường, TP.HCM hứa hẹn sẽ lại thách thức chức vô địch V-League ở thì hiện tại. Lĩnh vực futsal, TP.HCM vẫn chưa có đối thủ khi CLB Thái Sơn Nam liên tục thống trị sân chơi futsal VĐQG và đóng góp lực lượng chủ lực cho tuyển quốc gia dự giải khu vực, châu lục. Phong trào bóng đá TP.HCM hiện tại cũng đang là hình mẫu cho nhiều địa phương khác học hỏi. Điển hình như chương trình “Bóng đá học đường” trong khuôn khổ dự án “Bóng đá vì ngày mai” của Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) đang gây tiếng vang với hơn một vạn học sinh toàn thành phố tham gia.