29/03/2024 lúc 01:37 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy căng thẳng mới

VNHN- Cuộc chiến thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang lĩnh vực tiền tệ; leo thang căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ liên quan chủ quyền Kashmir; Anh cứng rắn về vấn đề Brexit không thỏa thuận… những thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống đang đẩy nhiều quốc gia, khu vực rơi vào một vòng xoáy căng thẳng mới.

VNHN- Cuộc chiến thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang lĩnh vực tiền tệ; leo thang căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ liên quan chủ quyền Kashmir; Anh cứng rắn về vấn đề Brexit không thỏa thuận… những thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống đang đẩy nhiều quốc gia, khu vực rơi vào một vòng xoáy căng thẳng mới.

1. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bị đẩy lên nấc thang mới

Căng thẳng thương mại dai dẳng hơn 1 năm nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã rơi vào vòng rượt đuổi "ăn miếng trả miếng" mới, khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 5-8 chính thức coi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ", động thái được xem như đáp trả việc Bắc Kinh hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua. Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ và để ngỏ khả năng tiếp tục sử dụng vũ khí thuế quan.

Làn sóng bán tháo ồ ạt cổ phiếu trên thị trường Phố Wall sau khi Trung Quốc cho phép đồng NDT mất giá 2%. Ảnh: FORTUNE

Quyết định "thả nổi" đồng NDT được Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc từ ngày 1-9 tới. Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ” gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.  

Luật pháp Mỹ đưa ra 3 tiêu chí để xác định sự thao túng giữa các đối tác thương mại lớn, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu, thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ và can thiệp một chiều liên tục vào thị trường ngoại hối. Thông thường, Bộ Tài chính Mỹ định kỳ 2 lần/năm trình đánh giá tiền tệ lên quốc hội, trong đó liệt kê các nước bị coi là có hành vi thao túng tiền tệ và các quốc gia đáng chú ý trong tầm theo dõi. Tuy nhiên, quyết định đưa ra ngày 5-8 lại nằm ngoài quy trình thông thường nói trên, cho thấy Washington đánh giá động thái "thả nổi" đồng NDT của Bắc Kinh ở mức nghiêm trọng, buộc Mỹ phải có phản ứng mạnh mẽ.

2. Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ

Ngày 7-8, Pakistan đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ, sau khi New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do nước này kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir. Ngoài ra, Chính phủ Pakistan cũng quyết định cấm chiếu các bộ phim Ấn Độ tại các rạp chiếu phim của nước này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định nước này phản đối tuyên bố được Chính phủ Ấn Độ đưa ra liên quan tới khu vực Kashmir và Jammu.  

Cảnh sát Ấn Độ tại khu vực Kashmir. Ảnh: DNA India.

Đây là nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Pakistan và Ấn Độ, sau khi New Delhi ngày 5-8 đưa ra quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua, khi công bố sắc lệnh bãi bỏ điều Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 40.000 binh sĩ bán vũ trang ở Jammu và Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng quân sự trong tình trạng báo động cao.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir và hai bên luôn đổ lỗi cho nhau về vấn đề này. 

3. Anh cứng rắn trong vấn đề Brexit không thỏa thuận

Ngày 8-8, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hối thúc Liên minh châu Âu (EU) sửa đổi các điều khoản trong thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) mà Brussels và London đã ký kết hồi cuối năm 2018.

Ảnh minh họa.  Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Anh cho biết nước này muốn rời khỏi EU với một thỏa thuận và sẽ chỉ cho phép kịch bản không thỏa thuận xảy ra nếu các nhà đàm phán của EU không thay đổi quan điểm. Ông Raabb nhấn mạnh nếu EU vẫn giữ lập trường cho rằng thỏa thuận Brexit đã ký kết với chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May là không thể thay đổi thì Anh sẽ ra đi mà không có thỏa thuận và Brussels sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh EU một mực khẳng định thỏa thuận Brexit đã ký kết là không thể đàm phán lại, trong khi chính phủ của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn loại bỏ điều khoản chốt chặn liên quan đường biên giới trên đảo Ireland trong thỏa thuận này.

Điều khoản chốt chặn được Brussels đề xuất nhằm duy trì một biên giới "mở" giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, qua đó buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế. Tuy nhiên, Quốc hội Anh không ủng hộ điều khoản này, buộc cựu Thủ tướng May phải xin gia hạn Brexit 2 lần trước khi từ chức. Anh muốn thay thế bằng một điều khoản khác, theo đó cho phép không phải hoàn tất các thao tác kiểm tra hải quan ở biên giới, và quản lý dựa vào công nghệ, thiện chí và hợp tác vận hành.

4. Mỹ để ngỏ ý định triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á

Ngày 6-8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định việc Washington gần đây tuyên bố sẵn sàng triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Á có liên quan tới việc bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Bolton khẳng định bất kỳ hành động triển khai tên lửa nào của Mỹ cũng đều mang "tính chất phòng vệ".

Tên lửa tầm trung Pershing II của Mỹ được sử dụng trong giai đoạn 1973–1981. Ảnh: GetArchive

Trước đó, hôm 3-8, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa tầm trung bố trí trên đất liền tại châu Á. Tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, cũng đã đề cập tới khả năng này khi trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ một tháng trước đó.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận Washington sẽ tiếp tục đánh giá tiến trình này. Theo ông, mặc dù đây là quá trình tham vấn kéo dài, song Mỹ sẽ không do dự thực hiện vì lợi ích chiến lược của Washington và đồng minh.  

Phản ứng trước những động thái trên của giới chức Mỹ, ngày 6-8, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Phó Thông tuyên bố nước này sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á. Ông Phó Thông cũng hối thúc các nước trong khu vực thận trọng và đề cập cụ thể đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

5. Khoảng 25% dân số thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Khoảng 25% dân số thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng, trong đó quốc gia có đông dân dễ chịu tác động nhất là Ấn Độ.

Người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt tại Chennai, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là kết quả nghiên cứu mới do Viện Nghiên cứu Tài nguyên thế giới (WRI) của Mỹ công bố. WRI cảnh báo 17 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước rất cao vì đã tiêu thụ tới 80% lượng nước sẵn có hằng năm trong khi còn gần 5 tháng nữa mới hết năm 2019. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất xảy ra các đợt khô hạn.

Các quốc gia trong tình trạng "khát nước trầm trọng nhất" nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, theo sau là Israel và Liban. Theo WRI, các nguồn cung nước trên thế giới bị đe dọa bởi nhiều yếu tố như biến đối khí hậu hay quản lý sử dụng và xử lý ô nhiễm nước chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, thực trạng con người đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngầm vốn đang dần cạn kiệt cũng là yếu tố đe dọa nguồn cung nước. Ước tính, gần 1/3 lượng nước ngọt trên thế giới là nước ngầm nhưng con người đang quản lý sử dụng nguồn nước này một cách yếu kém vì thiếu hiểu biết và khó khăn trong việc đánh giá, đo đạc nguồn nước nằm sâu dưới lòng đất.

6. Hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo bắt đầu cuộc hành hương về thánh địa Mecca

Truyền thông Saudi Arabia đưa tin khoảng  2,5 triệu tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đang hướng tới thánh địa Mecca ở nước này vào dịp lễ hành hương Haji bắt đầu ngày 9/8. Phần lớn người hành hương là tín đồ Hồi giáo từ nước ngoài.

Thánh địa Mecca. Ảnh: News Punch.

Theo một quan chức phụ trách Haji, nhà chức trách Saudi Arabia đã cấp hơn 1,8 triệu thị thực trực tuyến cho người hành hương nhập cảnh nước này. Bất chấp quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vẫn căng thẳng, năm nay có hơn 88.000 tín đồ Hồi giáo Iran tham dự lễ hành hương Haji.

Năm 2015, trong lễ hành hương tới thánh địa Mecca, do số người tham gia quá đông đã dẫn tới thảm họa giẫm đạp lên nhau khiến khoảng 2.300 người thiệt mạng.

Theo quy định Hồi giáo, mỗi tín đồ trong cuộc đời phải thực hiện ít nhất một chuyến hành hương kéo dài 5 ngày về thánh địa Mecca nằm tại thành phố Mina của Saudi Arabia. Tại đây, các tín đồ sẽ phải hoàn thành các nghi thức tôn giáo như ngồi cầu nguyện trước nhà thờ Kabaa, đi 7 vòng quanh nhà thờ này...