24/04/2024 lúc 01:30 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Triển vọng và đối đầu

VNHN – Những “cử chỉ thiện chí” mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tương lai; Nga tuyên bố cuộc chiến ở Syria đã kết thúc; Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNHN – Những “cử chỉ thiện chí” mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tương lai; Nga tuyên bố cuộc chiến ở Syria đã kết thúc; Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

1. Mỹ, Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng thương mại

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết các quan chức Trung Quốc và Mỹ sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về các chủ đề liên quan đến thâm hụt thương mại, tiếp cận thị trường và bảo hộ đầu tư.

Theo kế hoạch đã được hai bên công bố, các quan chức cấp thứ trưởng của Trung Quốc sẽ tới Washington vào tuần tới để dự vòng thảo luận tiền trạm cho vòng đàm phán cấp cao dự kiến vào đầu tháng 10.

Ngày 11-9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý trì hoãn tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 15-10, thay vì ngày 1-10 như tuyên bố trước đó. Đây được xem là động thái thiện chí của Mỹ trước các vòng đàm phán Mỹ-Trung.

Việc lùi lịch áp thuế cho phép các cuộc đàm phán diễn ra trước khi mức thuế quan mới có hiệu lực. 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt mức thuế quan mới lên nhau từ đầu tháng 9, nối dài cuộc chiến thương mại gay gắt gây bất ổn cho thị trường và làm dấy lên nỗi lo suy thoái toàn cầu.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc rút một số mặt hàng của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung mà Bắc Kinh nhằm trả đũa Washington trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang từ tháng 7-2018, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Những động thái nêu trên của Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu nữa cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể hạ nhiệt.

2. Nga tuyên bố chiến tranh tại Syria đã đến hồi kết

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tin rằng cuộc chiến tại Syria đã đi đến hồi kết và nhấn mạnh tính cần thiết trong việc thiết lập một sự ổn định sau khủng hoảng tại quốc gia Cộng hòa Arab này nói riêng và toàn bộ Trung Đông nói chung.

Theo Ngoại trưởng Sergey Lavrov, chiến tranh tại Syria thực sự đã đến hồi kết, đất nước này đang dần trở lại cuộc sống yên bình. Tuy nhiên, ông Sergey Lavrov cho biết, vẫn còn một số điểm nóng xung đột là các vùng chưa thuộc kiểm soát của Chính phủ Syria như Idlib và bờ Đông sông Euphrates.

Quân đội chính phủ Syria với sự trợ giúp của Nga đã liên tiếp giành những chiến thắng quan trọng thời gian qua để đi đến kết thúc cuộc nội chiến. Ảnh: Yahoo News.

Các mục tiêu quan trọng nhất hiện nay ở Syria là cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân và thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng để đạt được sự ổn định lâu dài tại Syria nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung. Ông Sergey Lavrov cũng duy trì quan điểm tiếp xúc thường xuyên với tất cả các bên xung đột của Syria, bao gồm cả phe đối lập.

Syria hiện đã giành lại gần như toàn bộ lãnh thổ và đang nỗ lực phục hồi cuộc sống cho người dân. Nga, trong khi đó, đang cùng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp các cuộc thảo luận nhằm giúp người Syria viết lại Hiến pháp, tổ chức bầu cử tự do.

Nước này lâm vào nội chiến năm 2011 sau làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua. Tình hình ở quốc gia Trung Đông được đảo ngược từ tháng 9-2015, khi Nga phát động chiến dịch quân sự chống khủng bố theo lời đề nghị của Chính phủ Syria. Ngoài Nga, Damascus cũng nhận trợ giúp từ Iran và các nhóm dân quân đồng minh như Hezbollah.

3. New Zealand công bố dự luật kiểm soát súng đạn mới

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 13-9 đã trình Quốc hội dự luật mới nhằm thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát súng đạn, sau 6 tháng kể từ khi xảy ra vụ xả súng hàng loạt ở thành phố Christchurch làm 51 người thiệt mạng.

Đây là đợt cải cách luật thứ hai của New Zealand sau khi luật kiểm soát súng đạn lỏng lẻo của nước này được xác định là lý do chính giải thích tại sao kẻ gây ra vụ xả súng tại hai đền thờ Hồi giáo vào ngày 15-3 vừa qua có thể sở hữu nhiều vũ khí bán tự động như vậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: The Economist.

Hung thủ Brenton Tarrant, đã bị buộc tội, với 51 tội danh giết người và 40 tội danh âm mưu giết người mang tính khủng bố, tuy nhiên cho đến nay đối tượng này vẫn chưa chịu nhận tội.

Dự luật mới, sẽ được thảo luận tại Quốc hội New Zealand lần đầu tiên vào ngày 24-9, bao gồm việc thành lập một cơ quan đăng ký để theo dõi mọi loại súng được sở hữu hợp pháp ở New Zealand.

Dự luật cũng thắt chặt các quy định khác áp dụng đối với các đại lý súng cũng như các cá nhân có giấy phép sở hữu súng, và cắt giảm thời gian gia hạn giấy phép sở hữu súng từ 10 năm xuống còn 5 năm.

Trong lần cải cách đầu tiên vài tuần sau vụ tấn công được coi là tồi tệ nhất trong thời bình ở New Zealand, chính phủ của bà Ardern đã đat được sự ủng hộ gần như tuyệt đối trong Quốc hội khi thông qua dự luật cấm các loại vũ khí sát thương bán tự động.

4. Có khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua thường xuyên tuyên bố khẳng định Iran muốn có một cuộc gặp với Mỹ. Điều này có thể đưa đến suy đoán về khả năng chủ Nhà Trắng sẽ một đối một với người đồng cấp Iran Hassan Rohani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York vào cuối tháng này.

Trước đó, ngày 11-9, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo Tehran về việc đẩy mạnh làm giàu urani, song vẫn để ngỏ khả năng Washington có thể dỡ bỏ trừng phạt nhằm mở đường cho cuộc gặp với Tổng thống Hassan Rouhani.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Evening Standard.

Ý tưởng về cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Iran được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra từ tháng trước sau khi ông có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Pháp. Tuy nhiên, đến nay, phía Iran vẫn chưa đưa ra phản hồi tích cực.

Nếu thực hiện cuộc gặp này, ông Trump sẽ đi xa hơn người tiền nhiệm Barack Obama khi ông Obama vào tháng 9-2013 mới chỉ thực hiện một cuộc điện đàm với ông Rohani.

Căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang kể từ tháng 5-2018, khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Iran. Về phần mình, Iran đáp trả bằng cách rút lại một số cam kết trong thỏa thuận.

Giới phân tích nhận thấy khả năng chính quyền Mỹ sẽ có thái độ thỏa hiệp hơn sau khi Tổng thống Trump ngày 10-9 quyết định sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, người vốn có quan điểm cứng rắn đối với với Iran và cả Triều Tiên.

5. Phát ngôn gây căng thẳng của Thủ tướng Israel

Các quốc gia Arab và Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích động thái mới của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sáp nhập một phần chủ chốt của vùng Bờ Tây chiếm đóng nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tuyên bố của Thủ tướng Israel được đưa ra vào thời điểm hiện tại cũng nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của các thành viên theo đường lối cực hữu trong cuộc bầu cử 17-9 tới đây.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trình bày kế hoạch sáp nhập Bờ Tây. Ảnh: Washington Post.

Tuy nhiên, điều này gây ra làn sóng phản đối từ các quốc gia Arab, khiến nhiều nước cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng vì cản trở tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Thung lũng Jordan chiếm gần 30% diện tích lãnh thổ Bờ Tây, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Israel từ năm 1967 sau chiến tranh 6 ngày. Đây là nơi cư trú của khoảng 65.000 người Palestine cùng với hơn 10.000 người Israel. Israel nhiều lần nói sẽ không từ bỏ kiểm soát Thung lũng Jordan, trong khi người Palestine cho rằng khu vực này phải là một phần thuộc quốc gia tương lai của mình.

Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Reyad al-Malki đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) áp đặt trừng phạt Israel sau động thái trên. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu nếu được triển khai sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hủy hoại cơ hội khôi phục đàm phán và hòa bình khu vực đồng thời khoét sâu những bất đồng giữa các nước Arab với Israel vốn đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua.

6. EU gia hạn trừng phạt Nga

Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng đối với 170 công dân và 44 thực thể của Nga và Ukraine.

Bước đi này khiến Moscow không còn hy vọng vào một sự thay đổi trong chính sách của phương Tây đối với Nga dù trong nội bộ của EU vẫn tiếp tục có những tiếng nói ủng hộ một sự thay đổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Teller Report.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31-7-2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đáp lại, Moscow áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga.

Trong bối cảnh như vậy, không ít các nước thành viên EU có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nga luôn phải thất vọng trước quyết định của liên minh phương Tây. EU vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Kết quả là đến nay, cuộc chiến trừng phạt giữa Moscow và Brussels không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng được kéo dài không hồi kết.