20/04/2024 lúc 10:30 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Rất gần và rất xa

VNHN- Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cơ hội giải quyết khủng hoảng ở Venezuela bằng đối thoại, đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đình trệ là những tin tức quốc tế nổi bật được bạn đọc quan tâm.

VNHN- Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cơ hội giải quyết khủng hoảng ở Venezuela bằng đối thoại, đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đình trệ là những tin tức quốc tế nổi bật được bạn đọc quan tâm.

1. Căng thẳng Mỹ-Iran chưa hạ nhiệt

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa hạ nhiệt khi các quan chức Mỹ đe dọa quân sự Iran và Tehran cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định với các cố vấn cấp cao rằng ông không muốn nước Mỹ dính vào một cuộc chiến với Iran và muốn giải quyết căng thẳng với Iran bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên, phát biểu với báo chí, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố, Mỹ không loại trừ khả năng sử dụng sự lựa chọn quân sự để đối phó với Iran.

Ảnh minh họa.

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif tuyên bố “không có khả năng” diễn ra các cuộc thảo luận với chính quyền Mỹ, và rằng nước này đang chứng tỏ sự kiềm chế tối đa và cáo buộc Mỹ có những hành động leo thang gây căng thẳng “không thể chấp nhận”.

Bên cạnh các cuộc đấu khẩu, những báo cáo về việc triển khai quân sự của hai bên đang đẩy 2 bên tiến gần hơn tới 1 cuộc chiến. Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự, trong đó có các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông là để đối phó với điều mà Washington gọi là “các mối đe dọa từ Iran”.

Trong khi đó, cơ quan tình báo Mỹ cho biết Iran đã triển khai tên lửa lên các tàu nhỏ ở vịnh Ba Tư, gây đồn đoán về khả năng Iran tổ chức tấn công nhằm vào các binh sĩ và tài sản của Mỹ trong khu vực.

2. Đàm phán Brexit tiếp tục thất bại

Các cuộc đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) giữa chính phủ của Thủ tướng Theresa May và Công đảng đối lập đã đổ vỡ sau khi hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng Anh ngày 17-5 cho hay, các cuộc đàm phán giữa chính phủ và đảng của ông nhằm tháo gỡ thế bế tắc liên quan đến tiến

trình Brexit đã diễn ra hết sức thiện chí, "tiến xa hết mức có thể" nhưng hai bên không thể nào dẹp bỏ những "bất đồng chính sách quan trọng".

Thủ tướng Theresa May tiếp tục gặp khó trong việc thúc đẩy quá trình Brexit. 

Suốt gần 2 tháng qua, nội các của Thủ tướng May và các chính trị gia thuộc Công đảng đã ngồi vào bàn thảo luận nhằm tìm cách thuyết phục Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit đã ký với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11-2018. Song, triển vọng đạt thỏa thuận dần tắt lịm trong vài tuần trở lại đây khiến các nhà lập pháp cả hai bên trở nên mất kiên nhẫn. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt đàm phán.

Diễn biến mới đồng nghĩa nước Anh đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ bế tắc Brexit. Kế hoạch Brexit cùng những các giải pháp thay thế của Thủ tướng May đã 3 lần bị Quốc hội Anh bỏ phiếu bác bỏ, buộc bà phải xin gia hạn Anh “ly hôn” EU đến 2 lần. Sau nhiều lần trì hoãn, Anh dự kiến sẽ phải chính thức rời EU vào hạn chót 31-10 tới đây.

Bà May đã lên kế hoạch sẽ đệ trình thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 để các nghị sĩ Anh bỏ phiếu thông qua vào đầu tháng 6 này.

3. Triển vọng giải quyết khủng hoảng Venezuela

Những nỗ lực ngoại giao trong nước và quốc tế đang được thúc đẩy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela, với việc chính phủ và lực lượng đối lập đều cử đại diện tới Na Uy để đối thoại.

Chính phủ Venezuela hôm qua cho biết các cuộc đối thoại giữa chính phủ và các thành phần đối lập đang diễn ra tại Na Uy. Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido cũng xác nhận vai trò hòa giải của Oslo trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Venezuela và thông báo đại diện của lực lượng này đang ở Na Uy.

Lựa chọn duy nhất để giải quyết khủng hoảng ở Venezuela là đối thoại. 

Các hoạt động ngoại giao con thoi quốc tế cũng đang được thúc đẩy. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland hôm qua có chuyến thăm Cuba và gặp Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez, sau khi Cuba tuyên bố sẵn sàng đóng góp cho tiến trình đối thoại tại Venezuela. Một nhóm tiếp xúc quốc tế, bao gồm 8 nước châu Âu và 4 nước Mỹ Latinh, cũng đang cử đại diện đến Caracas để gặp các bên liên quan tại Venezuela.

Sau nhiều tháng căng thẳng kéo dài với các cuộc biểu tình trên đường phố biến thành bạo lực, cùng với cảnh báo can thiệp quân sự có thể xảy ra, thì việc các bên tại Venezuela chịu ngồi vào bàn đối thoại để tìm ra một giải pháp chính trị là một dấu hiệu tích cực.

Bất đồng và thiếu tin tưởng vẫn tồn tại. Nhưng hàng loạt các nỗ lực ngoại giao đang được thực hiện phản ánh sự thừa nhận của các bên tại Venezuela rằng, không ai có thể thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, vốn đã đẩy đất nước rơi vào tình trạng tê liệt về chính trị và kinh tế. Đối thoại là lựa chọn duy nhất hiện nay.

4. Philippines, Canada tranh cãi vì rác thải

Philippines đã triệu hồi đại sứ và nhiều nhân viên ngoại giao tại Canada trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước sau khi chính quyền Ottawa bỏ qua thời hạn tái nhập (ngày 15-5) các container chứa rác thải được xuất sang Philippines vào 6 năm trước. 

Hơn 100 container chứa đầy rác thải sinh hoạt được cho là nhựa có thể tái chế đã cập cảng Manila trong giai đoạn 2013-2014. Tuy nhiên trên thực tế, các container chứa cả rác thải sinh hoạt và điện tử. Chính phủ Canada vẫn khẳng định rằng đây là một giao dịch thương mại không được chính phủ hậu thuẫn.

Philippines yêu cầu Canada lấy rác thải trở lại càng sớm càng tốt. 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng tuyên bố sẽ nhận lại số rác này song các thủ tục được thực hiện chậm chạp, khiến vấn đề rác thải leo thang với lời “tuyên chiến” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nếu Canada không hành động.

Thực tế rác thải không phải là vấn đề duy nhất gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước thời gian gần đây. Năm ngoái, Tổng thống Duterte đã lệnh hủy bỏ thỏa thuận mua 16 trực thăng từ Canada sau khi Canada bày tỏ lo ngại những máy bay này có thể được sử dụng để chống lại các nhóm vũ trang. Tổng thống Duterte cũng từng lên tiếng chỉ trích ông Trudeau vì đã đặt ra câu hỏi về cuộc chiến chống ma túy ở quốc gia Đông Nam Á này.

Mặc dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề rác thải sẽ khó có thể đẩy căng thẳng giữa hai nước leo thang thêm. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho rằng, có thể có trì hoãn trong việc Canada thu hồi số rác thải này, nhưng điều quan trọng là Canada vẫn đang thúc đẩy quy trình. Trong khi đó, Bộ Môi trường và

Biến đổi khí hậu Canada cũng khẳng định, nước này vẫn cam kết hoàn thành thỏa thuận lấy rác trở lại.

5. Mây đen phủ bóng lên đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung càng thêm leo thang sau khi Washington ngày 15-5 có bước đi được cho là nhằm ngăn Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp cận thị trường và các nhà cung cấp nước này.

Cụ thể, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, theo đó ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến mối đe dọa đối với công nghệ, dịch vụ thông tin và truyền thông. Sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của những doanh nghiệp bị xem là mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Tuy sắc lệnh không đề cập tên quốc gia hoặc công ty cụ thể nào nhưng động thái này được cho là nhằm “cấm cửa” các công ty Trung Quốc.

Ảnh minh họa. 

Huawei cho rằng việc đánh mất quyền tiếp cận các nhà cung ứng Mỹ “sẽ gây hại kinh tế đáng kể cho chính các công ty Mỹ” và tác động đến “hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ”. Lãnh đạo Huawei lâu nay khẳng định hãng này hoạt động độc lập với Bắc Kinh và thiết bị của họ không được sử dụng cho hoạt động do thám.

Đòn tấn công mới của Mỹ là “phát súng” mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tác động xấu đến thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Tranh cãi về Huawei đe dọa phủ bóng lên các đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang giậm chân tại chỗ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu hai bên không chịu xuống thang.

6. Hàn Quốc cho phép doanh nhân thăm khu công nghiệp chung Kaesong

Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ cho phép một nhóm doanh nhân đến thăm khu công nghiệp chung Kaesong ở Triều Tiên - nơi đã bị chính quyền Seoul đóng cửa vào năm 2016 sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Khoảng 200 doanh nhân - những người chủ các nhà máy ở thị trấn Kaesong trước đó đã nhiều lần gửi yêu cầu mong muốn được đến thăm khu công nghiệp chung này để kiểm tra tình trạng của các thiết bị máy móc mà họ bỏ lại khi nó bị đóng cửa. Các yêu cầu đã được phê duyệt vào lần thứ 9.

Quang cảnh khu công nghiệp chung Kaesong nhìn từ Paju, Hàn Quốc.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang cố gắng duy trì những nỗ hòa bình với Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 mà hai bên chưa đưa ra được tuyên bố chung.

Khánh thành năm 2004, khu công nghiệp ở Kaesong ra đời sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il năm 2000. Nó được ca ngợi như một biểu tượng của hợp tác kinh tế liên Triều và một dự án xuyên biên giới thành công kết hợp giữa vốn và công nghệ của Hàn Quốc với lao động giá rẻ từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, hoạt động của nó đã bị dừng đột ngột khi chính quyền Seoul tuyên bố vào tháng 2-2016 rằng họ sẽ đóng cửa để trừng phạt Triều Tiên vì những hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa.