29/03/2024 lúc 16:42 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Nguy cơ hiện hữu

VNHN– Tuần qua, mâu thuẫn, đối đầu không ngừng gia tăng cùng những thách thức cả truyền thống và phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng, đẩy cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia và khu vực đối mặt với nguy cơ chiến tranh và nghèo đói.

VNHN– Tuần qua, mâu thuẫn, đối đầu không ngừng gia tăng cùng những thách thức cả truyền thống và phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng, đẩy cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia và khu vực đối mặt với nguy cơ chiến tranh và nghèo đói.

1. Tổng thống Mỹ đe dọa hủy diệt Iran, nguy cơ đối đầu quân sự gia tăng

Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa hủy diệt Iran, qua đó làm dấy lên quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng leo thang. Washington đã yêu cầu những nhân viên ngoại giao không chủ chốt phải rời Iraq.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge trên biển Ả Rập hôm 17-5. 

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết "nếu Iran muốn tham chiến, đó sẽ là sự chấm dứt chính thức của Iran". Ông cảnh báo Tehran "đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa". Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, Tổng thống Trump đã siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước Cộng hòa Hồi giáo, cũng như củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực với cáo buộc Tehran đang đe dọa lực lượng cũng như lợi ích của Washington tại đây.

Trong một phản ứng của mình, Iran cho rằng các động thái của Mỹ chỉ là "tâm lý chiến" và là "trò chính trị". Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarrif cũng hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực, khẳng định Tehran phản đối chiến tranh.

Trong khi đó, Saudi Arabia ngày 19-5 đã kêu gọi nhóm họp khẩn cấp các hội nghị khu vực vào ngày 30-5 để thảo luận về tình hình thẳng ở vùng Vịnh, tuyên bố Riyadh "không muốn chiến tranh với Tehran nhưng sẵn sàng tự vệ".   

2. Libya nguy cơ bị nhấn chìm trong "cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu"

Những ngày qua, các cuộc đụng độ đã liên tục nổ ra ở phía Nam thủ đô Tripoli, đánh dấu bước tiến mới trong cuộc chiến giữa các lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar đứng đầu.

Cảnh đổ nát vì giao tranh quân sự ở Libya.

Đại sứ Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya Ghassan Salame cảnh báo tình hình chiến sự tại Tripoli "chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu", đồng thời kêu gọi nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn "dòng chảy" vũ khí đang đổ vào Lybia, nhằm tránh cho quốc gia Bắc Phi này sẽ chìm trong cuộc nội chiến, dẫn tới sự hỗn loạn và chia cắt.

Hồi cuối tuần qua, GNA đã đăng tải các bức ảnh cho thấy hàng chục xe thiết giáp do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được chuyển tới lực lượng ủng hộ GNA. Trong khi đó, trang web ủng hộ Tướng Haftar cũng đăng các bức ảnh và đoạn phim về các xe thiết giáp do Jordan sản xuất được cung cấp cho lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Hiện các bên vẫn đang bất đồng về lệnh ngừng bắn. Ngày 22-5, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp E.Macron, tướng Haftar đã bác bỏ đề xuất về một lệnh ngừng bắn ở Libya vì cho rằng, điều kiện tạm ngừng chiến “chưa được đáp ứng”. Trong khi đó, Thủ tướng GNA F.Sarraj khẳng định sẽ không thực hiện được một lệnh ngừng bắn nếu “những kẻ xâm lược” không rút lui.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, ở Libya hiện tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Xung đột giữa hai bên leo thang từ ngày 4-4 vừa qua đã khiến khoảng 400 người đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương, khoảng 55.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

3. Nhiều sự kiện xảy ra cùng lúc khiến rủi ro kinh tế toàn cầu tăng cao

Hàng loạt sự kiện xảy ra cùng lúc, nhất là mối lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, bầu cử Nghị viện châu Âu và diễn biến xung quanh kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) gây hoang mang cho các nhà đầu tư và gia tăng những rủi roc ho nền kinh tế toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán và giá dầu thế giới đã giảm mạnh.

Tập đoàn công nghệ Huawei đang tìm cách đối phó lệnh cấm của Mỹ. 

Từ mặt trận thương mại, căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục mở rộng tới lĩnh vực công nghệ. Tuần trước, Washington quyết định cấm các hãng sản xuất Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc, đồng thời cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị cùng dịch vụ của Huawei. Mặc dù

Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên đến giữa tháng 8 tới, nhưng những hệ lụy của nó không hề nhỏ. Ngày 23-5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo leo thang đối đầu thương mại Mỹ-Trung không chỉ "gây nguy hại" cho tăng trưởng toàn cầu năm 2019, ảnh hưởng thị trường tài chính và kinh doanh, gây bất ổn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn làm suy yếu niềm tin cũng như đẩy giá cả tiêu dùng tăng cao. Thậm chí, khi các lệnh trừng phạt được thực thi có thể làm giảm khoảng 1/3 GDP toàn cầu trong ngắn hạn.

Ngoài ra, diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới cũng bị tác động đáng kể khi cuộc bỏ phiếu bầu nghị viện châu Âu đã chính thức bắt đầu với sự trỗi dậy của phe chủ nghĩa dân túy đe dọa đến sự hội nhập của châu lục. Bên cạnh đó, những thông tin khác phần nào chi phối tâm lý nhà đầu tư như chỉ số kinh tế yếu kém tại châu Âu, nước Anh hoãn tổ chức cuộc bỏ phiếu quan trọng tại quốc hội liên quan tới tiến trình Brexit.

4. Biểu tình biến thành bạo loạn tại Indonesia

Thủ đô Jakarta của Indonesia hiện đang được đặt trong tình trạng báo động về an ninh khi các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn nhằm phản đối kết quả bầu cử tổng thống tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ít nhất 8 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương, 257 đối tượng liên quan cuộc biểu tình bạo lực đã bị bắt giữ.

Những người biểu tình tập trung bên ngoài Cơ quan giám sát bầu cử ở Jakarta. 

Rạng sáng 23-5, một đồn cảnh sát và các gian hàng tại một ngã tư ở khu vực Sabang, trung tâm thủ đô Jakarta, đã bị những người biểu tình quá khích đốt cháy. Đám đông biểu tình đã có những hành động mang tính khiêu khích với lực lượng an ninh như hò hét, hát nhạo báng, ném pháo và bom xăng vào cảnh sát.

Bạo loạn cũng nổ ra trước tòa nhà của Cơ quan Giám sát bầu cử quốc gia Indonesia, sau khi một đám đông ném chai lọ và pháo hoa về phía lực lượng an ninh. Cơ quan cảnh sát quốc gia đã phải ban bố tình trạng báo động an ninh tại thủ đô Jakarta. 40.000 cảnh sát và nhân viên quân đội được huy động để duy trì an ninh.  

Về cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội Indonesia năm 2019, ngày 21-5, Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) đã công bố kết quả cuối cùng. Kết quả cho thấy, cặp ứng cử viên số 1 gồm đương kim Tổng thống Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin đã nhận được 55,5% số phiếu ủng hộ. Ngày 24-5, cặp ứng cử viên xếp sau với 44,5% số phiếu ủng hộ, Prabowo Subianto - Sandiaga Uno đã từ chối kết quả kiểm phiếu và nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp. Như vậy, việc công bố kết quả chính thức về người thắng cuộc bị hoãn lại cho tới khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

5. Nga cảnh báo các nhóm khủng bố toàn cầu tăng cường sử dụng không gian mạng

Mới đây, Cơ quan an ninh liên bang (FSB) của Nga, cho biết các tổ chức khủng bố quốc tế đang trang bị những thiết bị kỹ thuật mới cho hoạt động mạng của chúng, cũng như tăng cường phá hoại hoạt động của các cơ quan chính phủ.

Ảnh minh họa

Người đứng đầu FSB, ông Alexander Bortnikov cho biết thêm nhờ vào các công nghệ thông tin tiên tiến, "các băng nhóm" có thể thực hiện truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ thành viên mới và ra lệnh qua tin nhắn bảo mật và các mạng xã hội do đó không để lại bằng chứng gì. 

Ông Bortnikov cũng cho rằng chủ nghĩa khủng bố bài Hồi giáo đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình toàn cầu. Nguyên nhân của mối đe dọa này xuất phát từ những biểu hiện tiêu cực ngày càng gia tăng trong làn sóng người di cư. Hiện, Wilayat Khorasan - một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã triển khai khoảng 5.000 phần tử khủng bố tới các khu vực phía Bắc của Afghanistan giáp với các nước thuộc SNG. Các phần tử khủng bố quốc tế có khả năng chế tạo vũ khí hóa học và chất độc sinh học.

6. Hội nghị tham vấn cấp cao ASEAN - Trung Quốc: ghi nhận những tiến triển trong xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

Ngày 19-5, tại Cuộc họp Tham vấn quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Chiết Giang, Trung Quốc, các nước đánh giá với 47 cơ chế hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc đã được triển khai mạnh mẽ.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng (thứ 5 từ trái sang) tham dự cuộc tham vấn

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai “Tầm nhìn Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030”, theo đó, ASEAN và Trung Quốc sẽ hoàn tất Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc 2016-2020, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 1.000 tỷ USD và đầu tư lên 150 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên sẽ

tập trung hợp tác vào các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, an ninh mạng, thúc đẩy kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển tiểu vùng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs), nông nghiệp, đổi mới-sáng tạo, phấn đấu sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP)...

Nhân dịp này, Trung Quốc cũng trình bày các đề xuất hợp tác với ASEAN về thành phố thông minh, giao lưu truyền thông, gắn kết giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với các các kế hoạch phát triển của ASEAN.

Cuộc họp cũng ghi nhận kết quả của cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được tổ chức trước đó, và những tiến triển trong xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nước nhất trí cần thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt COC hiệu lực, thực chất, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; kêu gọi kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin, tránh làm tình hình phức tạp và căng thẳng, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.