19/04/2024 lúc 16:56 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Đề cao đối thoại

VNHN– Trong tuần đã có nhiều cuộc đối thoại diễn ra và được xác nhận sẽ diễn ra ở các cấp khác nhau nhưng đều có mục đích nhằm thảo luận, tìm sự đồng thuận và hướng giải quyết cho các vấn đề an ninh, ổn định của từng khu vực cụ thể.

VNHN– Trong tuần đã có nhiều cuộc đối thoại diễn ra và được xác nhận sẽ diễn ra ở các cấp khác nhau nhưng đều có mục đích nhằm thảo luận, tìm sự đồng thuận và hướng giải quyết cho các vấn đề an ninh, ổn định của từng khu vực cụ thể.

1. Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tại Singapore

Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 vừa chính thức bắt đầu tối 31-5 tại Singapore với phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự cuộc Đối thoại lần này.

Tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay có khoảng 20 Bộ trưởng Quốc phòng và hàng trăm đại biểu gồm các Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh lực lượng quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia, Nghị sĩ, các học giả đến từ hàng chục quốc gia.

Diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương này được mong đợi để xác quyết thái độ của các bên về những vấn đề nóng bỏng hiện tại như trật tự an ninh đang biến đổi ở châu Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, an ninh biển.

Theo kế hoạch, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ có bài phát biểu đề cập “Tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” ngay trong phiên thảo luận đầu tiên vào sáng 1-6. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau 8 năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng sẽ phát biểu tại cuộc Đối thoại này.

Đặc biệt, tại phiên toàn thể với chủ đề Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ có bài phát biểu được chờ đợi trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và chuẩn bị đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

2. Mỹ, Israel, Nga sẽ họp 3 bên về Syria

Một hội nghị ba bên giữa các cố vấn an ninh quốc gia của Israel, Mỹ và Nga sẽ được tổ chức tại Israel vào tháng Sáu tới nhằm thảo luận cách thức giải quyết các vấn đề an ninh tại khu vực, đặc biệt là tình hình Syria.

Nhà Trắng thông báo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat và Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolay Patrushev, sẽ gặp nhau tại Jerusalem để “thảo luận các vấn đề an ninh khu vực.”

Ngày 29-5 vừa qua, Đặc phái viên của Mỹ về Syria, ông Jim Jeffrey cho biết Mỹ và Nga đã tiến hành đàm phán về khả năng đưa Syria thoát khỏi tình trạng bị quốc tế cô lập hiện nay, nếu Damacus đồng ý với một số điều kiện, trong đó có thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib.

Cuộc xung đột nổ ra ở Syria từ năm 2011 đã khiến hơn 370.000 người thiệt mạng và hàng triệu người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Nỗ lực khôi phục hòa bình và ổn định tại quốc gia Trung Đông đang được thúc đẩy sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật khỏi quốc gia này.

3. Hội nghị “siêu quyền lực” Bilderberg tại Thụy Sĩ

Từ ngày 30-5 đến 2-6, thành phố Montreux, miền Tây Thụy Sĩ, sẽ là nơi diễn ra hội nghị “siêu quyền lực” Bilderberg lần thứ 67. Đây là hội nghị nổi tiếng là bí ẩn nhất thế giới, với hơn 100 nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị gặp gỡ trong các phòng họp kín với các cuộc thảo luận không chính thức.

Hội nghị Bilderberg đầu tiên diễn ra vào năm 1954, với mục đích thúc đẩy các mối quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Hơn 100 khách mời của Hội nghị Bilderberg năm nay là các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, lãnh đạo ngân hàng, học giả… tụ họp tại khách sạn Montreux Palace, địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong 4 ngày diễn ra sự kiện, những người tham dự hội nghị sẽ không rời khỏi khách sạn để tập trung thảo luận về những thách thức chính trị, xã hội lớn hiện nay. Ban tổ chức đã dự kiến 11 chủ đề thảo luận năm nay gồm tương lại châu Âu, Brexit, biến đổi khí hậu, vấn đề đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc và tương lai của chủ nghĩa tư bản...

Các khách mời tham dự sự kiện phải tuân thủ một quy định rõ ràng: không được tiết lộ nội dung thảo luận ra ngoài. Một điều đặc biệt khác, hội nghị này mang tính riêng tư cao. Theo đó, những người tham gia sự kiện với tư cách cá nhân chứ không phải với chức danh chính thức và không bị ràng buộc bởi các quy ước về chức trách của họ. Ngoài ra, hội nghị không bỏ phiếu cho bất cứ một nghị quyết nào cũng như không có tuyên bố nào về nguyên tắc được công bố.

Khách sạn Montreux Palace sẽ là nơi diễn ra hội nghị. Ảnh: tripreporter.co.uk.

4. Leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Chỉ hai tuần sau khi Washington tuyên bố đưa Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc vào “danh sách đen”, Bắc Kinh cũng tuyên bố nước này sẽ lập một danh sách tương tự.

Theo đó, các công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” nếu không tuân thủ các quy định thị trường, đi ngược lại quy tắc trong hợp đồng hay phong tỏa, ngừng cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại và gây hủy hoại nghiêm trọng quyền chính đáng và lợi ích của doanh nghiệp nước sở tại.

Trước đó, hồi giữa tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, theo đó cấm tập đoàn này mua các phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ của Mỹ.

Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trở ngại sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh “quay lưng” với những cam kết giữa hai bên, liên quan việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được xây dựng sau 10 vòng đàm phán.

Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-5 ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1-6.

Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tháng 6 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với căng thẳng hiện nay, chưa ai có thể dám chắc về kết quả cuộc gặp, thậm chí Trung Quốc cũng chưa từng xác nhận liệu một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo có diễn ra hay không.

5. Các Hội nghị Thượng đỉnh bất thường ở Trung Đông

Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của Liên đoàn Arab (AL) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) do Saudi Arabia diễn ra chỉ một ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) khai mạc ngày 31-5.

Ưu tiên hàng đầu của các Hội nghị Thượng đỉnh khu vực Trung Đông lần này là tham vấn và phối hợp với các nhà lãnh đạo trong khu vực về tất cả các vấn đề có khả năng củng cố an ninh và ổn định tình hình khu vực.

Các sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Iran đang đứng trước nguy cơ đối đầu quân sự. Do đó, lãnh đạo khu vực một lần nữa tái khẳng định, Trung Đông cần sự ổn định dựa trên cơ chế đảm bảo an ninh, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau cũng như đấu tranh chống lại chủ nghĩa bạo lực và cực đoan.

Trong khi đó, các mối đe dọa khủng bố hiện hữu đối với an ninh của khối Arab có thể là một dịp để hồi sinh các cuộc thảo luận về cơ chế hợp tác trong thế giới Arab, hướng tới giải quyết không chỉ những vấn đề nóng đang phát sinh mà còn cả những vấn đề nổi cộm khác.

6. Philippines trả rác thải về Canada

69 container rác gửi trái phép tới Philippines trong giai đoạn 2013-2014 được chất lên một chiếc tàu hàng lớn để bắt đầu hành trình trở về Canada.

Theo tổ chức môi trường EcoWaste, 103 container chứa khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt không thể tái chế được một công ty nhập từ Canada vào Phillippines trong giai đoạn trên. Rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn tại một bãi rác ở Philippines, nhưng các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày càng có quan điểm quyết liệt hơn đối với vấn đề rác thải nhập khẩu. Philippines và Canada đã có một cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai nước về xuất khẩu rác thải, khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước đi xuống nghiêm trọng.

Với việc trả rác về Canada, Philippines là quốc gia mới nhất ở khu vực Đông Nam Á thể hiện quan điểm cứng rắn với các nước giàu về vấn đề rác thải. Giới quan sát cho rằng, nhiều nước Đông Nam Á giờ đây không còn chấp nhận việc khu vực này bị coi như “bãi rác” của các nước phát triển.

Trước đó, Malaysia - nước nhập khẩu rác nhiều thứ nhì thế giới sau Trung Quốc - cũng tuyên bố trả 3.000 tấn rác về các nước mà số rác được xuất đi.