25/04/2024 lúc 14:39 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Còn nhiều trắc trở

VNHN - Hàng nghìn đám cháy đang tàn phá rừng Amazon; Hội nghị thượng đỉnh G7 chưa tìm được nhiều tiếng nói chung; tương lai hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn bế tắc...là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.

VNHN - Hàng nghìn đám cháy đang tàn phá rừng Amazon; Hội nghị thượng đỉnh G7 chưa tìm được nhiều tiếng nói chung; tương lai hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn bế tắc...là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.

1. Cháy rừng Amazon cực kỳ nghiêm trọng

Hàng loạt vụ cháy kỷ lục tàn phá rừng nhiệt đới Amazon đã trở thành chủ đề toàn cầu được chú ý hơn bao giờ hết.

Số liệu cho biết, quá nửa trong số hơn 80.000 vụ cháy rừng ở Brazil trong năm nay xảy ra tại Amazon. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động khai hoang đất để phục vụ phát triển nông nghiệp của người dân địa phương.

Ngày 30-8, chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro ra lệnh cấm kéo dài trong 60 ngày và có hiệu lực ngay lập tức với các hoạt động đốt nương rẫy trong bối cảnh các đám cháy tại rừng Amazon lan rộng.

Một vụ cháy xảy ra tại rừng Amazon. Ảnh: The Independent.

Trong khi đó, ở Nam Mỹ, nỗ lực dập cháy rừng của các nước chia sẻ lãnh thổ ở rừng Amazon cũng được tăng cường chưa từng thấy. Brazil đã triển khai tới 44.000 binh sĩ cùng 2 vận tải cơ C-130 liên tục chở nước để dập lửa, còn Bolivia thì thuê chuyên cơ Boeing 747 SuperTanker của Mỹ nhằm ngăn chặn các vụ cháy lớn có nguy cơ lan rộng đến khu vực biên giới giữa Brazil và Bolivia.

Các nước châu Âu như Đức, Anh, Phần Lan thì thông báo sẽ sớm cung cấp những khoản hỗ trợ giúp Brazil dập cháy rừng và sau đó hỗ trợ hồi sinh rừng Amazon bằng các kế hoạch “dài hơi” trong tương lai, dù ban đầu các nước này đều thể hiện sự không hài lòng với nỗ lực của chính quyền Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong bảo vệ rừng Amazon.

Được mệnh danh là “lá phổi xanh” của toàn nhân loại, Amazon là khu rừng nhiệt đới rộng nhất thế giới, và là nhà máy hấp thụ hàng ngàn tấn CO2 mỗi ngày và sản sinh 20% lượng oxy cho mọi sinh vật sống trên địa cầu. Các chuyên gia cảnh báo sự phá hủy của những đám cháy thời gian qua ở Amazon sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí hủy diệt hàng loạt, đẩy Trái Đất vào một thảm họa khí hậu - môi trường chưa từng có.

2. Ít khả năng EU ký thỏa thuận Brexit như Anh mong muốn

Ngày 30-8, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ không trao cho Anh thỏa thuận “ly hôn” mà London muốn nếu liên minh này tin rằng có thể đảo ngược việc Anh rời khỏi EU (Brexit).

Thủ tướng Johnson bày tỏ quan ngại rằng càng nhiều đối tác của Anh trong EU nghĩ có thể trì hoãn Brexit và Quốc hội Anh có thể giữ chân chính phủ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ít có khả năng Brussels sẽ trao cho London thỏa thuận mà nước này cần.

Ảnh minh họa. Nguồn: Telegraph.

Thủ tướng Johnson đồng thời cảnh báo nếu các nghị sĩ Anh vào tuần tới tìm cách ngăn chặn hoặc trì hoãn Brexit sau ngày 31-10, điều này sẽ gây ra những tổn thất về lâu dài đối với các chính đảng lớn ở Anh, cũng như niềm tin của công chúng vào nền chính trị.

Các nghị sĩ đối lập và một số nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson muốn đưa ra một dự luật nhằm ngăn chặn nguy cơ Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Johnson cho rằng việc chuẩn bị cho một Brexit “cứng” cho phép chính phủ đạt được một thỏa thuận với EU.

Do Thủ tướng Johnson quyết định kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội nước này tới ngày 14-10 và Nữ hoàng Elizabeth II đã ký phê chuẩn, kỳ họp mới của Quốc hội Anh sẽ bắt đầu chỉ 2 tuần trước khi Brexit chính thức diễn ra. Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích trong chính giới, cho rằng mục đích chính của Thủ tướng Johnson là ngăn Quốc hội cản trở Brexit đúng thời hạn, ngay cả khi không có thỏa thuận.

3. Thượng đỉnh G7 bàn thảo nhiều vấn đề hóc búa

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Biarritz, Tây Nam nước Pháp đã đề cập tới một loạt chủ đề “nóng” của thế giới hiện nay.

Tình hình Trung Đông cũng như quan hệ Mỹ-Iran gia tăng căng thẳng khiến vấn đề hạt nhân Iran thu hút sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị lần này.

Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) cùng đại diện Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz, Pháp. Ảnh: Dailymail.

Về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hội nghị G7 năm nay chứng kiến sự khác biệt về quan điểm của Mỹ với ngay cả các đồng minh của Washington, điển hình là Nhật Bản.

Các lãnh đạo G7 đã đề cập tới khả năng đưa Nga trở lại nhóm. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ đề xuất này thì các thành viên khác của G7 vẫn tỏ rõ sự phản đối.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại là một trong những nội dung nghị sự chính trong thượng đỉnh G7 lần này, nhất là sau khi Mỹ áp đặt các mức thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đe dọa tiếp tục đưa các sản phẩm rượu Pháp vào “tầm ngắm”.

Dù vậy, G7 chỉ là một tập hợp không chính thức của các quốc gia phát triển nên không có bất cứ văn bản nào mang tính ràng buộc pháp lý được đưa ra. Thượng đỉnh G7 chỉ là nơi các nước phát triển thể hiện quan điểm, đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận trong các đường hướng phát triển lớn.

4. Mỹ ra mắt Bộ Chỉ huy Không gian

Ngày 29-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho ra mắt Bộ Chỉ huy Không gian (SpaceCom) thuộc Lầu Năm Góc, với nhiệm vụ chiến tranh không gian.

Ông chủ Nhà Trắng cho hay SpaceCom sẽ đảm bảo rằng ưu thế của Mỹ trong không gian sẽ không bao giờ bị đe dọa và bổ nhiệm Tướng không quân John Raymond là người đứng đầu bộ chỉ huy mới này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tướng không quân John Raymond tại lễ ra mắt SpaceCom. Ảnh: Merco Press.

SpaceCom sẽ tương đương Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) phụ trách Trung Đông và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM, nay đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) phụ trách phòng thủ tại Tây Thái Bình Dương và châu Á.

Trong khi Không quân Mỹ đã có một chiến dịch dành cho chiến tranh không gian, SpaceCom sẽ nâng tầm quan trọng của chiến dịch này cũng như các hệ thống tên lửa đẩy chuyên biệt và huấn luyện đối đầu trong không gian. SpaceCom cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và phá hủy bất cứ tên lửa nào nhằm vào Mỹ.

SpaceCom là bộ chỉ huy thứ 11 của Lầu Năm Góc và là bộ chỉ huy thứ hai được khởi động trong hai năm qua. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nâng cấp Bộ Chỉ huy Chiến tranh mạng (CyberCom) của quân đội Mỹ lên cùng cấp với những bộ tư lệnh tác chiến khác.

5. Tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Trung Đông Nickolay Mladlenov đã cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng, tiến trình hòa bình giữa người Israel và người Palestine đang bế tắc và có nguy cơ leo thang bạo lực trong khu vực.

Ông Mladenov cũng đồng thời nhấn mạnh, trong tháng qua đã có sự gia tăng các vụ bạo lực, bao gồm bạo lực liên quan đến người định cư Israel ở khu Bờ Tây và căng thẳng dai dẳng ở trong và xung quanh dải Gaza.

 

Đống đổ nát từ những ngôi nhà của người Palestine bị phá hủy, nhìn ra khu định cư Pisgat Ze'ev ở Beit Hanina, Đông Jerusalem. Ảnh: UN.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc cũng tố cáo hành vi mở rộng các khu định cư của Israel sau nhiều cuộc tấn công ở Bờ Tây và lưu ý rằng “việc mở rộng thuộc địa, phá hủy và tịch thu tài sản của người Palestine vẫn tiếp tục” trong những tuần gần đây.

Tại Gaza, tình hình đã tương đối bình ổn trong hai tháng qua nhưng vẫn rất mong manh khi các sự cố bạo lực vẫn tiếp diễn. Điều cần làm là phải bảo đảm rằng các cuộc biểu tình tại hàng rào vẫn bình yên và ngăn chặn các hành động khiêu khích.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp cụ thể có thể và phải được thực hiện để khẩn trương đảo ngược quỹ đạo tiêu cực của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Liên Hợp Quốc vẫn cam kết giúp người Palestine và người Israel giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan và các thỏa thuận trước đây của Liên Hợp Quốc và hiện thực hóa tầm nhìn của hai quốc gia sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh.

6. Căng thẳng thương mại Nhật Bản-Hàn Quốc

Ngày 28-8, quyết định của Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy đã chính thức có hiệu lực. Sự kiện này được cho là sẽ làm sâu sắc thêm tranh cãi giữa hai nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nikkei Asian Review.

Tokyo đã thông qua đề xuất trên hồi đầu tháng 8 bất chấp việc Seoul nhiều lần kêu gọi Nhật Bản chấm dứt việc hạn chế xuất khẩu. Hàn Quốc dự kiến chính thức đưa ra các biện pháp phản đối, đồng thời cảnh báo bước đi của Nhật Bản sẽ hủy hoại các nguyên tắc tự do thương mại, gây xáo trộn chuỗi cung ứng quốc tế và tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Tuần trước, Hàn Quốc cũng thông báo quyết định chấm dứt Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản (GSOMIA) - một biểu tượng và trụ cột hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Tuy nhiên Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 27-8 cho biết, Hàn Quốc có thể xem xét lại quyết định này nếu Nhật Bản rút lại các biện pháp trả đũa kinh tế.

Những bất đồng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang đặt Mỹ - một đồng minh quan trọng của cả hai nước vào thế khó, trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm thắt chặt mạng lưới liên minh khu vực để đối phó với các thách thức gia tăng.