29/03/2024 lúc 01:25 (GMT+7)
Breaking News

Thể chế - Chìa khóa của hội nhập và phát triển

Thể chế là một cách tổ chức xã hội, trong đó con người là yếu tố quyết định thành công hay thất bại, thịnh vượng hay nghèo khó. Thể chế khuyến khích con người học tập, đổi mới, chấp nhận rủi ro, tiết kiệm cho tương lai, giải quyết những vấn đề chung và cung cấp các hàng hóa công cộng là thể chế có thể đưa tới thịnh vượng, đi ngược lại xu hướng đó thì xã hội sẽ rơi vào sự nghèo đói.

VNHN -  Thể chế là một cách tổ chức xã hội, trong đó con người là yếu tố quyết định thành công hay thất bại, thịnh vượng hay nghèo khó. Thể chế khuyến khích con người học tập, đổi mới, chấp nhận rủi ro, tiết kiệm cho tương lai, giải quyết những vấn đề chung và cung cấp các hàng hóa công cộng là thể chế có thể đưa tới thịnh vượng, đi ngược lại xu hướng đó thì xã hội sẽ rơi vào sự nghèo đói.

 

Thể chế kinh tế tốt là thể chế có các yếu tố gắn bó mật thiết với nhau, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó yếu tố mang lại hiệu quả cao nhất là thị trường, tiếp đến là các yếu tố về địa lý và văn hóa. Về địa lý người ta nhấn mạnh tới địa hình, lãnh thổ, khí hậu và tài nguyên... qua đó những quốc gia có điều kiện tự nhiên, thời tiết tốt sẽ giúp cho con người luôn khỏe mạnh, hưng phấn, tư duy tốt, sáng tạo ra những mô hình phát triển và công nghệ tiên tiến, từ đó đầu tư và kinh doanh hiệu quả, trở nên giàu có, thịnh vượng. Ngược lại, quốc gia nào kém may mắn, nằm trong những vùng có khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người sẽ làm cho con người trở lên thụ động, nhiều bệnh tật như một số nước ở châu Phi, đã làm tiêu tốn rất nhiều tiền và sức lực của người dân, làm giảm tốc độ tăng trưởng, kéo dài tình trạng trì trệ và tụt hậu về kinh tế.

Ảnh minh họa

Thể chế văn hóa đặc biệt tôn giáo, được xem như một yếu tố quan trọng quyết định các giá trị, sở thích và niềm tin của cá nhân vào xã hội, từ đó ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, trong trường hợp hai mô hình đều có vị trí địa lý và truyền thống văn hóa tương đồng, chắc chắn thể chế là yếu tố quyết định sự tăng trưởng và thịnh vượng.

Điển hình như trường hợp hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc nổi nên trở thành một nền kinh tế phát triển thần kì ở châu Á do áp dụng hiệu quả thể chế dân chủ và thị trường từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, trong khi Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên vẫn đắm chìm trong tụt hậu và trì trệ do kiên trì thể chế chuyên quyền, độc đoán. Giống như Hàn Quốc, một số nước và vùng lãnh thổ như Singapore,  Đài Loan,  Hồng Kông cũng trở nên thịnh vượng nhờ áp dụng thể chế dân chủ và thị trường hiệu quả.

 Thực tế trên đây, đã minh chứng tính ưu việt của thể chế kinh tế thị trường tự do, ngay cả như các nước châu Phi, nơi có hệ thống thể chế kém phát triển. Thể chế kinh tế thị trường càng phát huy tác dụng khi nó được thể chế chính trị dân chủ hỗ trợ, đồng hành, tạo thành tác nhân lớn nhất mang lại tăng trưởng cao và lâu bền. Hơn nữa, một nước sẽ thành công cao nếu tiến hành cải cách thể chế một cách đồng bộ, bao gồm đầy đủ bốn yếu tố: Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Giáo dục. Đó là giải pháp tối ưu, mang lại hiệu quả cao trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Ở Việt Nam, từ khi nước ta chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO (năm 2007) đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như: Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư đã có những thay đổi hết sức tích cực, góp phần vào sự  phát triển vốn đầu tư trong và ngoài nước. Các chỉ số kinh tế hàng năm cho thấy xu hướng lạc quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước được bạn bè thế giới đánh giá cao về sự đổi mới không ngừng, trong đó có cả đổi mới thể chế trong mọi lĩnh vực, tỷ lệ tăng trưởng liên tục tăng, quan hệ song phương, đa phương được tăng cường và phát triển theo chiều hướng thiết thực hơn, hiệu quả hơn, triển vọng hợp tác liên tục được rộng mở. Đó chính là điều kiện cần thiết góp phần thay đổi hình ảnh của Việt Nam, một đất nước bước ra từ hai cuộc chiến tranh đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Vai trò của các thể chế thể hiện ở chỗ chúng tạo nên một khuôn khổ mà ở đó hành động của các chủ thể trở nên dễ đoán trước hơn, cho phép các chủ thể thiết lập các kỳ vọng và giảm thiểu các rủi ro trong quá trình tương tác với nhau”.