25/04/2024 lúc 14:32 (GMT+7)
Breaking News

Thay đổi tư duy và năng lực thích nghi giúp phát triển kinh tế Việt Nam

VNHN - Để phát triển kinh tế hậu Covid-19, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của mỗi cán bộ, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từng người dân.

VNHN - Để phát triển kinh tế hậu Covid-19, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của mỗi cán bộ, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từng người dân.

Quý I/2020, theo xu hướng khó khăn chung của các nước trên thế giới, gắn với đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tổn thất, khó khăn hơn so cùng kỳ năm trước theo hai hướng trái ngược nhau. Một mặt, tăng lạm phát, thất nghiệp và số doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động, phá sản; dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch lên đến khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Mặt khác, giảm vốn đăng ký và số lao động của các DN đăng ký mới; lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút khỏi thị trường lớn hơn số DN thành lập mới; giảm lượng du khách quốc tế, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. 

Thu ngân sách nhà nước giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch ngày càng tăng. Đặc biệt, tăng sự đứt gãy và gián đoạn một số chuỗi cung ứng đầu vào; tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chịu phụ thuộc cao vào thị trường bên ngoài. Theo Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19 của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam quý I/2020, với mức tăng trưởng GDP 3,82% - thấp nhất trong 11 năm qua, nhưng lại cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.

Đây là kết quả hội tụ và tín hiệu tích cực phản ánh nỗ lực chung cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019 và niềm tin thị trường, niềm tin đầu tư. Đại dịch cũng là dịp người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Nhà nước, trách nhiệm chuyên môn cao của ngành y tế và tin yêu hơn hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ. Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm cả hai mục tiêu: chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch lắng xuống, Chính phủ đã, đang và tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính-tín dụng cho DN và người dân.

Hiện tại, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội 2020; dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng GDP cả năm 2020 tăng trưởng 5% đã là một thành công. Ảnh: Fairobserver

Các chính sách như miễn, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ; giãn nộp thuế, tiền thuê đất và chậm nộp BHXH, cùng với các chính sách an sinh khác, cụ thể gồm các gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ), gói hỗ trợ về tài khóa (180.000 tỷ), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ), gói hỗ trợ giá điện (12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (15.000 tỷ)… được kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực, giúp DN và người dân vượt khó khăn do đại dịch. Đây cũng là thời điểm biểu đạt tình đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng; mỗi DN và người dân cần chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ nỗ lực vượt khó, đạt bằng được mục tiêu kép trên. Hiện tại, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội 2020; dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng GDP cả năm 2020 tăng trưởng 5% đã là một thành công.

Theo dự báo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/4, năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ chỉ còn 4,8%; lạm phát ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% năm 2021. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến ở mức 0,2% GDP năm nay, trước khi khôi phục mức thặng dư 1% GDP vào năm 2021. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động.

Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện, nhưng cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo. Ngày 8/4, tổ chức Fitch Ratings (Fitch) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang ổn định. Fitch dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quay trở lại vào năm 2021, với GDP dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực. Trước mắt, tình hình kinh tế-xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, gắn với kết quả ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế.

Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số DN được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020 và 25,9% số DN dự báo kinh doanh trong quý II/2020 sẽ khó khăn hơn quý I. Theo dự báo của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số DN được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá ba tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm. Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ kinh tế cần có cho mỗi quốc gia hậu dịch đều sẽ tập trung vào cả hai nhóm giải pháp đồng bộ để tăng liên kết, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cả tổng cung và tổng cầu xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, cần nhận diện và làm sâu sắc hơn những thay đổi cả trong tư duy, cũng như trong phương thức quản lý nhà nước, quản trị DN, trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô theo một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”. Theo đó, cần gia tăng hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống, giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”. Nói cách khác, công nghệ thông tin với các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi là những hoạt động rất cần thiết cả trong và sau dịch.

Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, trên đường trở thành một quốc gia số hiện đại, Việt Nam cần cải thiện một số vấn đề như: Xử lý trực tuyến phần lớn dịch vụ công, có hệ thống căn cước số đáng tin cậy, cải thiện nền tảng học trực tuyến cho học sinh; tăng khả năng phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ theo dõi và dự báo y tế; rút gọn và thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và ODA; phát triển chương trình bảo trợ xã hội trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm tiếp cận các đối tượng dễ tổn thương và các DN ở các vùng sâu vùng xa thông qua chuyển tiền điện tử.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang được xúc tiến xây dựng dựa theo giả định thời gian kết thúc dịch Covid-19. Tuy nhiên, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của mỗi cán bộ, cộng đồng DN, cũng như từng người dân. Không chỉ là tiềm lực tài chính, mà chính sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới với yêu cầu áp dụng công nghệ một cách nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước sẽ giúp Việt Nam từng bước vượt qua đại dịch.

Đặc biệt, dù bất luận kịch bản nào thì Việt Nam cũng cần tiếp tục và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ thủ tục gây chậm trễ, rườm rà, ràng buộc, giảm bớt thanh kiểm tra một số việc không cần thiết trừ trường hợp vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tiến độ giải ngân 700 nghìn tỷ đồng đầu tư công trong năm 2020; áp dụng công nghệ mới và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm.

Chính sách tiền tệ cần cụ thể, quyết liệt hơn, với những giải pháp được làm rõ hơn trên tinh thần ngành ngân hàng đồng hành cùng DN qua việc hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm lợi nhuận của bản thân các ngân hàng để bù đắp một phần cho DN. Khai thác tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định Thương mại tự do, tổ chức thực hiện tốt thị trường trong nước. Đại dịch Covid-19 là thảm họa dịch bệnh và thách thức y tế, cũng như tạo áp lực quản lý xã hội và phát triển kinh tế chưa từng có cho cộng đồng các nước, các DN trên thế giới, cũng như cho Việt Nam. Đã đến lúc cần đối mặt với khó khăn thách thức, thay đổi tư duy, chủ động thích nghi với thời cuộc.