29/03/2024 lúc 09:16 (GMT+7)
Breaking News

Thành phố thông minh có hết tắc đường?

VNHN- Nhiều tỉnh thành đang đổ tiền để xây dựng "thành phố thông minh". Nhưng liệu thành phố thông minh có hết tắc đường, hết khói bụi hay không mới là điều mà người dân mong muốn hằng ngày.

VNHN- Nhiều tỉnh thành đang đổ tiền để xây dựng "thành phố thông minh". Nhưng liệu thành phố thông minh có hết tắc đường, hết khói bụi hay không mới là điều mà người dân mong muốn hằng ngày.

Thành phố thông minh liệu có hết ùn tắc?

Hôm rồi khi tắc đường vì một khu chợ cóc trên phố, như nhiều người, tôi thấy lả đi vì khói bụi. Chợt mấy anh xe ôm bên lề đường cầm điện thoại vuốt vuốt kháo nhau: "Giờ điện thoại thông minh làm được khối thứ nhỉ, kể cả đăng ký khai sinh". "Đang xây dựng thành phố thông minh mà". "Không biết thành phố thông minh có hết tắc đường không nhỉ?"...

Lời đổi lại trao đi chìm trong tiếng ì ì của dòng sông xe máy đủng đỉnh chảy, ra chiều không gì phải vội. Nhưng tôi bỗng giật mình. Hóa ra chuyện "thành phố thông minh" có sức lan tỏa hơn mọi người vẫn nghĩ. Chẳng phải trí thức cao xa. Đến cả những anh xe ôm cũng dự phần liên đới. Từa tựa như một thời làm cảng biển, xây dựng đô thị thông minh đang trở thành phong trào ở rộng khắp bắc nam. Hội thảo, tọa đàm rộn ràng khắp nẻo. Cảm giác địa phương nào cũng gấp gáp. Sợ lỡ "chuyến tàu 4.0" chăng? Riêng Thủ đô sẽ ưu tiên làm giao thông thông minh, du lịch lịch thông minh, y tế thông minh, giao tiếp giữa công dân và chính quyền cũng thông minh…

Thành phố thông minh kể cũng hay. Như dịch vụ i-parking. Lái xe vào điểm đỗ, chả cần móc tiền lẻ ra trao đi đổi lại hay tốn công tranh cãi giá cao - giá thấp. Hệ thống tự động tính toán và trừ vào tài khoản. Nhưng số người di chuyển bằng ô-tô vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Phần đông cư dân Thủ đô văn hiến vẫn miệt mài ngồi trên chiếc xe hai bánh chạy xăng. Công nghệ thì dễ, tìm chỗ để làm điểm đỗ mới là điều chưa có lời giải. Thủ tục tương tác với chính quyền năm thì mười họa mới cần. Riêng khai sinh, khai tử, đời người chỉ làm có vài bận. Có người cả đời không làm lần nào. Nhưng không ai dừng được ăn, dừng được uống. Càng không thể dừng được việc... đi ra đường.

Ở Hà Nội, gần chục năm trở lại đây, nhiều người sống ở mạn Hà Đông, Thanh Xuân hay Nam - Bắc Từ Liêm làm việc tại các quận nội thành hay ngược lại bỗng... gắn bó với cơ quan hơn ở nhà. Họ dậy từ khi những chuồng gà phố le te tiếng gáy, đến công sở khi vỉa hè vẫn đầy người đi bộ thể dục sớm mai. Có người đến công sở, cất xe, làm một vòng bách bộ. Rất lợi đường sức khỏe. Buổi chiều, nhiều người cũng nán lại công sở. Chỉ về khi phố đã giăng lập lòe đèn xanh đỏ.

Tưởng quy định về việc đi làm đúng giờ thành thừa bởi ngày càng nhiều công chức mẫn cán. Nhưng té ra không phải. Khi tôi hỏi một anh bạn vì sao lại "nhiệt huyết" việc đi sớm về khuya như thế. Anh bạn buông sõng một câu: "Tị nạn giao thông đấy".

Ơ. Mình lạc hậu quá. Có khái niệm "tị nạn giao thông" sao? Mà đúng thật. Với người Hà Nội, di chuyển khoảng 10 km trong nội thành hết một tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm là chuyện rất thường. "Tị nạn giao thông" là giải pháp viên mãn, nhất là với những gia đình con cái tự đi học được rồi. Đến công sở, đi bách bộ, ăn sáng, uống trà thư giãn rồi bắt đầu làm việc. Còn gì thư thái hơn? Những người không đừng được buộc lòng đi đúng giờ cao điểm, trong niềm hy vọng mơ hồ rằng hôm nay sẽ đỡ tắc đường hơn hôm qua. Hẳn nhiên chả mấy khi được xứng lòng toại ý. Tôi từng nghe một cái miệng xinh xẻo thốt ra: "Từ nhà em ở Mỹ Đình vào Hoàn Kiếm mất 12 cái đèn đỏ anh ạ. Có cái dừng lâu nhất gần 100 giây. Vài cái phút rưỡi là tiêu tan mọi nỗ lực của việc ăn sáng năm phút, đánh răng ba mươi giây". Thế mới hiểu không phải người Hà Nội không có ý thức khi tham gia giao thông. Nhưng người ta có động lực vô cùng chính đáng để rồ máy vít ga ngay khi đèn xanh đã tắt màu một lúc.

Đi xe đã đành. Bộ hành cũng là những phen vất vả. Bát phố đã thành thói quen rất cũ. Người ta ngại đi bát phố hơn. Trên vỉa hè, nếu không phải là quán xá thì cũng là hàng hóa mà các ông bà chủ dày công bày biện trang nghiêm như sắp cỗ. Nhỡ va phải tự mình ái ngại thay. Mà không lẽ bát phố lại đeo khẩu trang che chắn? Dân tình cười cho. Không đeo thì bụi. Nói đến che chắn, thương nhất là những chị em. Tránh bụi, tránh khói, tránh nắng bằng cách "nin-ja toàn thân". Cử động khó khăn, tầm nhìn che khuất. Va nhẹ cái là ngã chỏng gọng. Tất nhiên, không phải lúc nào chị em cũng là nạn nhân. "Nin-ja toàn thân" lắm khi cũng báo hại người khác. Chị em đâu muốn thế? Nhưng có khi nào thấy các báo cáo môi trường về tình hình ô nhiễm không khí giảm đi? Bụi cứ dày hơn, và dày hơn nữa.

Cùng là những "siêu đô thị", người dân TP Hồ Chí Minh thấu hiểu cảm giác của cư dân Hà Nội. Thậm chí, người Sài Gòn còn được nếm trải "cảm giác mạnh" nhiều hơn, với những đợt triều cường và ngập lụt. Không biết tuổi thọ có ảnh hưởng không, còn tốn thời gian đi lại, tốn tiền thuốc men vì bệnh tật, nhất là đường hô hấp là điều mà mọi công dân hai đô thị lớn này đều thừa kinh nghiệm nếm trải.

Nghe đâu, khi thực hiện giao thông thông minh, công dân sẽ biết được những tuyến đường nào tắc để còn tránh. Nhưng ở Hà Nội, khu vực từ trung tâm nối ra các khu ngoại vi phần nhiều đều là những con đường độc đạo. Thi thoảng người

dân mới có hơn một lựa chọn. Như đường từ trung tâm ra khu vực Hà Đông, thường thì, nếu không tắc, cả hai tuyến đường luôn rủ nhau... ùn đều đặn. Đã vậy, mỗi năm Hà Nội đón nhận thêm 200 nghìn người, kèm phương tiện đi lại!

Mỗi người tiếp cận "thành phố thông minh" ở một khía cạnh khác nhau. Thành phố thông minh, nhất là giao thông thông minh đem lại nhiều tiện ích, có thể. Nhưng phần đông dân cư không quan tâm đến những công nghệ cao siêu. Quần chúng luôn cần điều rất thực. Như chuyện tắc đường.