19/04/2024 lúc 13:43 (GMT+7)
Breaking News

Thành phố Thanh Hóa: Phát triển du lịch đúng hướng và có chiều sâu

Ngày 05/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Thanh Hóa về Chương trình phát triển du lịch TP. Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Ngày 05/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Thanh Hóa về Chương trình phát triển du lịch TP. Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND TP báo cáo tại hội nghị

Trong 3 năm 2018 - 2020, TP. Thanh Hóa đón được 4.950.000 lượt trong đó khách nội địa 4.793.000 lượt, khách quốc tế 157.000 lượt với tổng doanh thu đạt 5.300 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 số lượt khách tăng so với với năm 2018 là 11%. Năm 2020, số lượt khách giảm so với năm 2019: 32% (do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19). Tổng số cơ sở lưu trú đến nay: 210 cơ sở lưu trú du lịch với 3.945 phòng, so với năm 2018 tăng 30 cơ sở (với 1.588 phòng), trong đó có 7 cơ sở từ 3-5 sao (với 1.353 phòng). 

Đề án phát triển du lịch TP Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra 10 nhóm giải pháp và 36 nhiệm vụ. Theo báo cáo của UBND TP Thanh Hoá, thực hiện Đề án này, cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng du lịch của Thành phố cũng từng bước được cải thiện làm cơ sở thu hút một số dự án kinh doanh du lịch.

Cùng với đó, hoạt động  tuyên truyền, quảng bá được quan tâm, các sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, du lịch trải nghiệm đồng quê từng bước được hình thành. Công tác đảm bảo an ninh, phòng chống cháy nổ, chất lượng dịch vụ, cách phục vụ, ứng xử đạt được những kết quả tích cực.

Đoàn công tác thăm khu di tích Động Long Quang

Năm 2021, TP. Thanh Hóa đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển du lịch, gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng; Đầu tư phát triển du lịch tại khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng bao gồm: Cầu Hàm Rồng, Động Long Quang, Nhà máy điện Hàm Rồng, Trận địa pháo Cao xạ đồi C4, Làng cổ Đông Sơn, Quảng trường Hàm Rồng; Phát triển sản phẩm du lịch bao gồm: Không gian văn hóa Hội An tại TP. Thanh Hóa, Du lịch về làng cổ Đông Sơn, Lễ hội hoa đăng trên sông Mã, Sản phẩm đường hoa, cánh đồng hoa theo mùa, Xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, Sản phẩm Phố đi bộ Phan Chu Trinh.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo TP. Thanh Hóa cũng đề xuất với UBND tỉnh 7 đề nghị trọng tâm về phát triển du lịch, trong đó chú trọng đến việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng về phát triển du lịch khu vực Hàm Rồng, như: Đầu tư bảo tàng Hàm Rồng chiến thắng trên cơ sở cải tạo, nâng cấp trung tâm Hội nghị Hàm Rồng; Xây dựng cột cờ trên đỉnh núi Ngọc và hệ thống đường dạo, tạo cảnh quan thu hút khách du lịch; Bổ sung kinh phí xây dựng đường hoa (từ cầu Hàm Rồng đến động Tiên Sơn) và mua xe điện phục vụ khách tham quan; Tăng tỷ lệ tự chủ cho Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; Nghiên cứu xây dựng Công viên khảo cổ học Đông Sơn, tại khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Đoàn công tác thăm di tích Trận địa pháo Cao xạ đồi C4

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế như: Đầu tư phát triển du lịch của TP Thanh Hóa chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc đầu tư phát triển du lịch hạn chế cả về nhân lực và kinh phí, chưa có nhiều dự án đầu tư lớn, chưa tạo được sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn. Công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của TP Thanh Hoá trong phát triển kinh tế - xã hội TP Thanh Hoá những năm qua, trong đó có phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc

Trong thời gian tới, đồng chí lưu ý TP. Thanh Hóa một số vấn đề trọng tâm về phát triển du lịch, gồm: Cần phải quy hoạch lại hệ thống mạng lưới phát triển du lịch của địa phương, nên xem xét mời những chuyên gia hàng đầu về phát triển du lịch trong nước hoặc nước ngoài về xây dựng quy hoạch phát triển du lịch TP. Thanh Hóa. Việc phát triển du lịch phải được định hướng đúng đắn và có chiều sâu; trong đó cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nguồn nhân lực, nâng tầm sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá.

Thành phố Thanh Hoá cần phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm áp dụng số hoá, ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch, hướng tới phát triển TP Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh./.