20/04/2024 lúc 16:01 (GMT+7)
Breaking News

Thanh niên dân tộc thiểu số Tây Nguyên lập nghiệp, làm giàu

Tạo sức hấp dẫn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong cộng đồng thanh niên dân tộc thiểu số là công việc mà các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách tại Tây Nguyên đã chú trọng trong nhiều năm qua.

Tạo sức hấp dẫn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong cộng đồng thanh niên dân tộc thiểu số là công việc mà các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách tại Tây Nguyên đã chú trọng trong nhiều năm qua.

Thanh niên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng giao lưu kết nối khởi nghiệp. 

Bước đầu, các chương trình đã mang lại kết quả đáng  khích lệ. Tuy nhiên, các tỉnh cũng cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho những thanh niên có khát vọng vươn lên vượt thoát đói nghèo, làm giàu chính đáng.  

Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp

Từ khi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, cùng với cả nước, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Các cấp, các ngành tại khu vực đã cố gắng trong việc tổ chức, vận dụng các cơ chế chính sách nhằm làm “bà đỡ” cho các ý tưởng, thúc đẩy quá trình lập thân, lập nghiệp của giới trẻ, trong đó đặc biệt quan tâm đến thanh niên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.  

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Tuấn Hà  cho biết: Từ năm 2018, địa phương đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; năm 2021 tiếp tục ban hành Kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, tỉnh đã giao cho các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Đồng thời, thông qua các hoạt động, tăng cường đầu tư  xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nói chung, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số  nói riêng thay đổi tư duy, lập nghiệp, làm giàu.

Chị Y Lê Pas Tơr - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk nói: “Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều bạn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh với nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên đã vận động thành lập Quỹ khởi nghiệp với kinh phí 1,4 tỷ đồng; trao 64 suất vốn trị giá 1,28 tỷ đồng hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.

Tỉnh đoàn xây dựng 112 mô hình thanh niên phát triển kinh tế; nhận ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 28.315 hộ đoàn viên - thanh niên vay hơn 830 tỷ đồng. Đoàn, Hội còn phối hợp tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp; cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; ngày hội khởi nghiệp; tuyên dương gương thanh niên, doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu, trong đó có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số...

Tỉnh Lâm Đồng cũng triển khai tích cực Đề án và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Hoạt động Đoàn đã tập trung nhiều hơn trong việc khơi dậy cảm hứng, khát vọng và ý chí lập thân, lập nghiệp trong thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số.

Đã tổ chức các cuộc thi mô hình và ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên; đến nay thu hút sự tham gia của hơn 200 ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Qua các lần tổ chức, Tỉnh đoàn giới thiệu nhiều ý tưởng, mô hình xuất sắc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp các cấp. Trong đó, có những dự án của thanh niên dân tộc thiểu số, tiêu biểu như Lưu Lập Đức, người dân tộc Tày, sáng lập Công ty TNHH AGRI Đức Tiến. Anh Đức đã đoạt Giải thưởng Lương Định Của năm 2020, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và là đại biểu chỉ định tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, Tổ trưởng Tổ Khởi nghiệp tỉnh nói: “Thông qua Vườn ươm khởi nghiệp, sự kết nối của Đoàn Thanh niên với các chuyên gia, trường đại học, các viện nghiên cứu, doanh nhân, nên những thanh niên khởi nghiệp, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số, đã biết vận dụng khoa học - công nghệ, kỹ năng quản trị để sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ và đã xuất hiện một số mô hình khởi nghiệp thành công. Trong đó, nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên người dân tộc thiểu số phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương nơi họ sinh sống…”.

Tháo gỡ những “nút thắt”

Với đặc thù là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, nên phần lớn các dự án khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn Tây Nguyên tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, các nhà quản lý cho rằng, ý tưởng khởi nghiệp và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm các dự án chưa cao. Bên cạnh đó, khả năng tự lập và thích ứng với sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu nền kinh tế chưa theo kịp; một bộ phận thanh niên gặp khó trong việc chọn ngành nghề kinh doanh; khả năng tổ chức, huy động vốn và các điều kiện cần thiết để đầu tư sản xuất còn hạn chế.

Trong khi đó, nguồn vốn cung ứng vay cho thanh niên nông thôn, vùng dân tộc thiểu số chưa thật dồi dào. Vì vậy, cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn và vùng dân tộc thiểu số tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay.  

Khảo sát tại năm tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi ghi nhận, ý thức khai thác cơ hội, tiềm năng để thoát nghèo, làm giàu trong thanh niên vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng dựa vào sự nỗ lực của từng cá nhân là chính. Về kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đây mới là giai đoạn khởi động, nên mang tính “phong trào” nhiều hơn. Đang rất thiếu những hoạt động chuyên sâu và những chính sách hỗ trợ thiết thực để phong trào đạt kết quả tốt, ngày càng có sức lan tỏa.

Các chương trình, chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các bạn trẻ, nguyên nhân là do thủ tục để tiếp cận các chính sách này còn quá rườm rà, chưa đủ sức hấp dẫn. Chưa có đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp thường trực tại các địa phương để hỗ trợ khởi nghiệp. Các trung tâm, vườn ươm khởi nghiệp còn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa cung cấp đầy đủ các chương trình hỗ trợ. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại các tỉnh chưa có sự kết nối đồng bộ, hoàn thiện để phát huy hết nội lực trong hoạt động hỗ trợ...

Theo anh Ndu Ha Biên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, thực tế cho thấy, trong quá trình khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Cái khó nữa chính là ý chí, quyết tâm, cách tiếp cận các tiến bộ khoa học, công nghệ, quản trị của họ nhiều lúc lại không nhận được sự đồng thuận từ phía gia đình.

Cũng tại Lâm Đồng, bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Tổ trưởng Tổ Khởi nghiệp tỉnh, nói rõ hơn về vấn đề vốn: “Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng tổ chức chưa được tốt, từ khâu hỗ trợ đến thủ tục vay. Thành viên hội đồng quỹ không nằm trong Tổ khởi nghiệp, nên khó nắm bắt tình hình, những vướng mắc. Khởi nghiệp chắc chắn có rủi ro, nhưng thủ tục tiếp cận nguồn quỹ quá khó, nên cần hoàn thiện lại, từ phương thức, cơ chế hỗ trợ”.

Từ những vướng mắc thực tế, bà Nhâm đưa ra sáng kiến, cần xây dựng thêm hình thức tặng thưởng để hỗ trợ những ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt; rà soát lại cơ cấu sản xuất kinh tế của từng địa phương, để bắt đầu định hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực nào tăng thế mạnh cho họ. Kết hợp các chương trình, như sở hữu trí tuệ, nếu họ có ý tưởng khởi nghiệp thì giúp đăng ký bảo hộ; hay như chương trình nâng cao năng suất chất lượng. Cụ thể như huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có thế mạnh về sản xuất nấm, a-ti-sô, hoa hồng… thì sẽ định hướng thanh niên dân tộc thiểu số tại đó khởi nghiệp, lập nghiệp theo hướng sản phẩm đó, Nhà nước hỗ trợ theo chính sách quy định, hỗ trợ khoa học, công nghệ, đăng ký bảo hộ thương hiệu, kết nối logistic, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử…

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Ndu Ha Biên đề xuất: “Để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có thể phát triển và trở thành các doanh nghiệp trưởng thành, có đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chúng tôi luôn cần sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành liên quan, để hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”. Từ đó, tạo ra sự liên kết, kết nối và nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái, hướng tới hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.

Gỡ dần các “nút thắt” để phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tiến tới làm giàu trong thanh niên vùng dân tộc thiểu số tại địa phương thật sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh về yếu tố nguồn lực: “Tập trung hỗ trợ vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ thanh niên khởi nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và các nguồn tín dụng ưu đãi khác. Huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn; đầu tư ngân sách thỏa đáng để mở rộng mạng lưới dạy nghề, phổ cập nghề cho thanh niên, hỗ trợ vốn cho doanh nhân trẻ nông thôn”.

Đồng chí cho biết thêm: “Chúng tôi tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tạo cảm hứng, cổ vũ thanh niên dân tộc thiểu số tự tin khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, lập nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp triển khai hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, chú trọng kết nối đầu ra sản phẩm. Tập trung xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp; hướng dẫn xây dựng các mô hình khởi nghiệp phù hợp với từng địa phương…”.

Các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp có thật sự bền vững và phát triển mạnh mẽ hay không, trước hết phụ thuộc vào yếu tố nội sinh, vào ý chí quyết tâm, nguồn lực và tư duy của mỗi chủ thể. Tuy nhiên, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, tác động hiệu quả của thể chế chính sách là hết sức quan trọng. Thanh niên vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên có sẵn nguồn lực tại chỗ là đất đai, nhân lực nhưng họ còn thiếu những điều kiện quan trọng  là nguồn vốn, việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành... Họ rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong một môi trường tương tác tích cực, hiệu quả.