19/04/2024 lúc 21:09 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa tham dự Hội nghị trực tuyến Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Sáng ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

VNHN - Sáng ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương, các nhà khoa học, nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước.

Điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở ngành cấp tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 615 điểm cầu với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng". Báo cáo gồm 3 phần: Phần thứ nhất là "Đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa", phần thứ hai là "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước", phần thứ ba là "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng".

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định 3 mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định 3 nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là "Dân tộc hóa"; "Đại chúng hóa"; "Khoa học hóa". Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là "dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung".

Báo cáo đã nêu lên mục tiêu chung là: Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về định hướng và nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa trong thời gian tới, báo cáo nêu rõ: Đại hội XIII của Đảng xác định 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc"…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị văn hóa toàn quốc có ý nghĩa về nhiều phương diện và nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng ta luôn luôn quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn tiện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa Đảng, Nhà nước ta xây dựng là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”.

Phân tích những vấn đề còn tồn tại trong phát triển văn hóa, những thời cơ, thách thức trước bối cảnh mới, Tổng Bí thư đề nghị thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với các hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội.

Cùng với đó, cần đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ chân - thiện - mỹ; nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, vui tươi, hạnh phúc cho người dân; tiếp tục phát huy vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân.

Tổng Bí thư cũng đề nghị, tập trung xây dựng Đảng về văn hóa, về đạo đức để Đảng ta thực là đạo đức, là văn minh; xây dựng văn hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo quản lý, trong kinh doanh. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong phát triển văn hóa. Quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, huy động nguồn lực phát triển văn hóa. Quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng văn hóa số phù hợp với thời đại công nghệ số, xã hội số, công dân số nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; từ đó điều tiết sự phát triển đất nước phù hợp bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu quán triệt và chỉ đạo ngay sau Hội nghị.

Phát biểu quán triệt và chỉ đạo tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Trong lịch sử trong hơn 90 năm từ ngày có Đảng - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi cách mạng nước ta, Đảng ta đã hai lần tổ chức hội nghị toàn quốc về văn hóa. Hội nghị lần thứ nhất tổ chức vào ngày 24/11/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội (cách đây đúng 75 năm); hội nghị lần thứ hai diễn ra vào tháng 7/1948 tại Chiến khu Việt Bắc; hội nghị hôm nay là lần thứ ba, được coi là Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng ta, nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để đưa nội dung cốt lõi của hội nghị đi vào cuộc sống, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị toàn thể các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa và các điểm cầu trong tỉnh cần phải nắm chắc tinh thần của hội nghị và làm lan tỏa đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; nghiên cứu thật kỹ, quán triệt nghiêm túc báo cáo “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày. Đặc biệt là phải quán triệt thật sâu sắc bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Đây là bài phát biểu xúc động, rất sâu sắc, thấm thía, thấm đẫm văn hóa và đạo đức.

Với quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu sau hội nghị này Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần làm là: Phải xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và trước hết là các đồng chí cán bộ chủ chốt các địa phương đơn vị phải thực sự là những tấm gương về đạo đức, về văn hóa. Làm được điều đó, chắc chắn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tranh thủ được thời cơ thuận lợi, vượt qua được khó khăn thách thức để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; tiếp tục làm cao dày thêm truyền thống, thành tích của quê hương Thanh Hóa anh hùng - vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và cách mạng./.