25/04/2024 lúc 11:11 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ra đời năm 2010 là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc tạo ra động lực mới, tư duy mới, diện mạo mới trên mọi miền đất nước, trong đó khâu đột phá là thay đổi tư duy truyền thống ngàn đời của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, thúc đẩy quá trình tạo ra sản phẩm hàng hóa, đưa sản phẩm vào thị trường và vận hành theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những mặt làm được

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ra đời năm 2010 là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc tạo ra động lực mới, tư duy mới, diện mạo mới trên mọi miền đất nước, trong đó khâu đột phá là thay đổi tư duy truyền thống ngàn đời của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, thúc đẩy quá trình tạo ra sản phẩm hàng hóa, đưa sản phẩm vào thị trường và vận hành theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những mặt làm được, vẫn còn những hạn chế cần được nhìn nhận một cách khách quan.

Không khí xây dựng NTM tích cực tại các địa phương

Từ góc nhìn quá trình xây dựng NTM tại tỉnh Thanh Hóa 10 năm qua, có thể thấy: Không khí sôi nổi xây dựng NTM của nhân dân tại các địa phương, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết phấn đấu vươn lên. Bằng những hành động cụ thể, người dân đã hiến đất mở rộng đường giao thông, góp ngày công xây dựng và làm sạch môi trường, đua nhau phát triển kinh tế theo các mô hình mới, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, tạo nên sự đa dạng về chủng loại sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách rõ nét theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp thuần túy và tăng tỉ trọng nông nghiệp luân canh, chuyên canh sản xuất hàng hóa, tận dụng các lợi thế về thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu, kinh nghiệm, văn hóa. Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được va chạm, thực nghiệm về điều hành công ty, về sản xuất hàng hóa, về thị trường gắn với công nghệ, hòa vào nền kinh tế tri thức, nền kinh tế phẳng.

Mô hình nuôi tôm tại huyện Nga Sơn (Thanh Hóa)

Nhiều công ty, HTX, Tổ hợp sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa được thành lập mới, tạo được nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động; tạo ra được các dòng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới; tạo nên không khí của một đất nước công nghiệp hóa, thấp thoáng một nền kinh tế thị trường lan rộng đến tận xóm làng thôn bản. Hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm, công sở, nhà văn hóa, chợ, bưu điện, khu vui chơi, nhà ở dân cư đã có sự thay đổi toàn diện, rõ nét, kiên cố, khang trang.

Người dân nhận thức rõ hơn về cuộc sống gắn với môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Hai bên các tuyến đường ở nhiều thôn, bản, xóm, làng đều được trồng hoa thay thế cỏ dại. Quan trọng hơn là xây dựng được nét văn hóa mới – văn hóa đô thị tại nông thôn. Khâu đột phá quan trọng nhất là biến đổi tư duy từ tư duy sống trong làng xã sang tư duy sống trong môi trường đô thị hóa, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy tự túc, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với thị trường kinh doanh, tạo ra không khí sôi động, hòa nhịp vào sự vận hành chung của nền kinh tế thị trường.

Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ nâng cao chất lượng sống cho nhân dân

Căn cứ theo Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì quá trình xây dựng NTM tại Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành quả. Đó là những thành quả mà ai cũng có thể nhận biết và khẳng định. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế dưới đây cần được khắc phục để quá trình xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo đem lại hiệu quả tốt hơn, đó là:

Văn bản chỉ đạo thì thường xuyên, xuyên suốt, quyết liệt, có định hướng, có nhận định, phân tích, đánh giá, tuy nhiên vẫn còn dừng lại dưới dạng văn bản chỉ đạo chứ chưa dành thời gian riêng cho công tác này một cách xứng đáng. Lãnh đạo tỉnh, huyện do tập trung thu hút đầu tư vào những dự án lớn với mong muốn tạo ra cú hích cho kinh tế cho địa phương, tạo không khí mới, diện mạo mới, tạo ra nhiều việc làm để giữ lại lao động cho địa phương mà chưa dành thời gian thích hợp cho quá trình xây dựng NTM. Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình cho nhiều tỉnh, thành khác học hỏi về việc lãnh đạo tỉnh, huyện dành ngày thứ Bảy để chỉ đạo, hành động cho việc xây dựng NTM.

Vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích, vội có kết quả, vội được công nhận, mong muốn về đích sớm để được vinh danh, dẫn đến làm vội, làm gấp, cho nên giá trị thực của thành quả xây dựng NTM chênh vênh khi tiếp tục mục tiêu cao hơn trong việc xây dựng NTM nâng cao, xây dựng NTM kiểu mẫu. Một số tiêu chí như nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số vùng có điều kiện kinh tế khó khăn khó đạt đươc như mong muốn bởi chỉ tiêu nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi đầu tư lớn về tiền của và quy trình kĩ thuật tiên tiến, vì vậy cần điều chỉnh các tiêu chí này cho phù hợp với điều kiện vùng miền, để vừa sức, từng bước hoàn thiện và phát triển.

Trong quá trình xây dựng, việc cứng hóa bê tông nhưng không song hành với lượng cây xanh thích hợp ở một số địa phương nên đã dẫn đến tình trạng nhiệt hóa xóm làng.

Tại nhiều địa phương, nhiều công ty nhỏ và vừa được thành lập. Tuy nhiên, do thiết lập trên một nền tảng bấp bênh về tiềm lực kinh tế, thiếu chuyên môn, kĩ thuật, thiếu hiểu biết về thị trường, vì vậy khi đi vào hoạt động thì vấp phải sự chọn lọc khắc nghiệt của tự do cạnh tranh, do đó nhiều công ty chết yểu ngay sau khi thành lập, mỗi công ty chết yểu đều tiêu tốn một lượng tiền nhất định (khoảng từ 3 – 20 triệu đồng, chỉ tính riêng chi phí cho việc thành lập), để lại chút “bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi” của những chủ thể thành lập. Số tiền này nếu tính trên bình diện cả nước là khá lớn.

Mục tiêu cao nhất trong mọi chương trình hành động, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đều đặt mục tiêu nâng cao mức sống của người dân làm cốt lõi, tuy nhiên thu nhập bình quân đầu người không bền vững, tình trạng hộ nghèo và cận nghèo giảm theo sóng xây dựng NTM, đồng nghĩa với vấn đề an sinh xã hội giảm theo, số người thực sự nghèo, cận nghèo mất đi sự hỗ trợ cần thiết về BHYT và các khoản trợ cấp khác. Nhiều hộ thoát nghèo chỉ trên danh nghĩa, thực tế vẫn nghèo, thu nhập gần như không thay đổi hoặc có đổi thay chút ít nhưng nguy cơ tái nghèo luôn hiện hữu.

Thanh Hóa là tỉnh có đủ tiềm năng, lợi thế về nhân lực, vật lực, hoàn toàn có thể và sớm trở nên là tỉnh “kiểu mẫu”, chỉ cần biết “điều khiển và sắp đặt”. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định khi Người về thăm Thanh Hóa.

Để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh, huyện của Thanh Hóa nên thêm một việc, đó là dành thời gian cho hành động./.