24/04/2024 lúc 18:11 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Những kết quả quan trọng trong tổ chức thực hiện 05 chương trình trọng tâm và 04 khâu đột phá

VNHN - Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức cả trên thế giới, khu vực và trong nước. Làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại cũng như nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhiều ch

VNHN- Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức cả trên thế giới, khu vực và trong nước. Làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại cũng như nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó có việc tổ chức thực hiện 05 chương trình trọng tâm và 04 khâu đột phá.

Bám sát phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện thành công 05 chương trình trọng tâm đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đồng thời hoàn thành 04 khâu đột phá: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng

Kết quả thực hiện 05 chương trình trọng tâm

Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả vững chắc. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản ngày càng tăng; các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả được nhân rộng; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với nhiều dự án quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Đến nay toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, 379 xã và 950 thôn, bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới (tăng 8 đơn vị cấp huyện, 266 xã so với năm 2015); tỷ lệ xã đạt nông thôn mới đạt 64,46%, vượt mục tiêu Đại hội; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 5,2 tiêu chí so với năm 2015); đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Chương trình phát triển khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch mở rộng lên 106.000ha. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện. Từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được 249 dự án (35 dự án FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 47.427 tỷ đồng và 3.300 triệu USD, nâng tổng số dự án thu hút vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp lên 606 dự án (57 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 147.459 tỷ đồng và 13.426 triệu USD. Đến nay, đã có 411 dự án đi vào hoạt động và đã có đóng góp ước đạt 56.379 tỷ đồng ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho 104.000 lao động.

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đạt kết quả rõ nét, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đời sống các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chuyển biến rõ rệt; thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2020 dự kiến đạt 1,71 triệu đồng/ người/ tháng (gấp 2,5 lần năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 13,51% năm 2016 xuống còn 3,27% năm 2019, bình quân hàng năm giảm 2,56%/năm. Đã có 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ; 11 xã bãi ngang ven biển, 05 xã và 127 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 39 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình phát triển du lịch đạt nhiều kết quả, làm thay đổi diện mạo du lịch của tỉnh. Hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch của tỉnh như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (GĐ 1), các dự án khu nghỉ dưỡng khách sạn tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Du lịch sinh thái ở khu vực miền núi được quan tâm khai thác; chất lượng văn hóa du lịch được nâng cao. Giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến ngành du lịch đón 42,58 triệu lượt khách (vượt 1,6% kế hoạch), tổng doanh thu đạt 59.946 tỷ đồng (vượt 0,2% kế hoạch).

Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực: Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã đào tạo và cung ứng cho thị trường 410.600 lao động (vượt kế hoạch 3,7%), trong đó các cơ sở giáo dục đại học đào tạo 18.000 người, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo 392.600 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng  55% năm 2015 dự kiến 70% năm 2020. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp chuyển biến rõ rệt; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh cấp huyện, 96% cán bộ công chức cấp xã và 99,5% viên chức đạt trình độ theo quy định. Nguồn nhân lực được bố trí, sử dụng hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.

Cải cách thủ tục hành chính, một trong bốn khâu đột phá

Kết quả thực hiện 04 khâu đột phá

Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đầu tư các công trình quan trọng, thiết yếu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 68 dự án hạ tầng lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp điện, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế…. với vốn đầu tư 71.900 tỷ đồng.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: Tỉnh đã thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, Trung tâm Đào tạo chuyển giao công nghệ thông tin; các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp được đầu tư nâng cấp. Đã chuyển giao thành công nhiều quy trình công nghệ tiên tiến vào nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ triển khai tăng mạnh, trong đó có 33 nhiệm vụ cấp quốc gia (gấp 2 lần giai đoạn 2011 – 2015). Có 44 sản phẩm của tỉnh được xây dựng tiêu chuẩn và bảo hộ về sở hữu trí tuệ. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ tăng cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có 3.116 cán bộ nghiên cứu khoa học (tăng 8% so với năm 2015). Kinh phí ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 gấp 1.4 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa và các Trung tâm hành chính công cấp huyện. Đưa vào sử dụng, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 623 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 va 177 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp tỉnh, cấp huyện góp phần giảm thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, dựa trên việc tập trung cụ thể hóa và nghiêm túc thực hiện Kết luận số 38-KL/TW, ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ. Các cấp ủy đảng rà soát, củng cố các tổ chức Đảng yếu kém; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt trên 45% ; 100% huyện, thị xã, thành phố mở các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định về phân công, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy và cán bộ, về bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Mở 03 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Những kết quả trên là rất đáng nghi nhận và sẽ tiếp tục  được phát huy, đồng thời trở thành động lực, qua đó giúp Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Đại hội 2020-2025 tới đây./.