25/04/2024 lúc 04:28 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa đánh giá công tác tiêm chủng vắc xin, truy vết, cách ly, điều trị dịch bệnh Covid-19

Ngày 07/12/2021, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn tỉnh đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng vắc xin, công tác truy vết, cách ly, điều trị dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch (BCĐPCD) Covid -19 tỉnh chủ trì hội nghị.

VNHN - Ngày 07/12/2021, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn tỉnh đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng vắc xin, công tác truy vết, cách ly, điều trị dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch (BCĐPCD) Covid -19 tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch (BCĐPCD) Covid -19 tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực BCĐPCD Covid-19 tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, thành viên BCĐPCD Covid-19 tỉnh. Tại điểm cầu huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND và thành viên BCĐPCD Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh báo cáo tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Sở Y tế báo cáo tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 3.052 ca mắc Covid-19; Trong đó, điều trị khỏi ra viện là 1.939 trường hợp; Số bệnh nhân đang điều trị là 1.101; bệnh nhân tử vong 12 ca.

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Sở Y tế căn cứ vào các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19, trên cơ sở đánh giá thực tiễn tình hình dịch bệnh cũng như độ bao phủ vắc xin tại các địa phương ra thông báo số 4399/QĐ-UBND về việc Ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Tính đến thời điểm hiện tại, 27/27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đang được đánh giá ở cấp độ 2 theo hướng dẫn tại Nghị Quyết 128/NQ-CP của Thủ tướng chính phủ…

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh điều hành các huyện báo cáo về tình hình, tiến độ tiêm vắc xin đến thời điểm hiện nay.

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh, lãnh đạo các huyện: Thiệu Hóa, Như Thanh, Mường Lát, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa đã thảo luận báo cáo về tình hình, tiến độ tiêm vắc xin đến thời điểm hiện nay, lý do vì sao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trên địa bàn huyện thấp, thực tế chênh lệch số liệu tổng hợp giữa huyện và ngành Y tế. Những lý do khó khăn trong việc triển khai công tác tiêm chủng, công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia tiêm chủng.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các huyện đã nêu lên và làm rõ việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tiêm chủng ở các địa phương, cơ sở chưa được sát sao. Một bộ phận người dân chưa có ý thức tự giác về công tác tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Covid-19… Việc quản lý di biến động nhân khẩu trên địa bàn chưa sát; một số địa phương chưa chủ động triển khai kế hoạch tiêm chủng, nhất là lúng túng trong quản lý đối tượng, rà soát, thống kê đối tượng tiêm chủng trên địa bàn. Công tác rà soát, quản lý mũi tiêm của công dân chưa sát với thực tế. Nhiều đơn vị chưa ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 như: khai báo điện tử, trậm chễ trong cập nhật dữ liệu đối tượng tiêm lên phần mềm…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thời gian vừa qua dưới sự chỉ đạo của Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của tỉnh về thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; các giải pháp phòng, chống dịch được triển khai đúng đắn, kịp thời; các ổ dịch cơ bản được phát hiện sớm, khoanh vùng, khống chế, không để lây lan ra diện rộng.

Đến nay dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đang được kiểm soát tốt và có thể coi đây là một điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tỉnh trong hai năm qua. Nhất là khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát nhiều tỉnh, thành phố bị tổn thất nặng nề, nhưng Thanh Hóa vẫn là một điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch, vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển và bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.

Tuy nhiên, đây mới là những kết quả bước đầu, không được chủ quan, thỏa mãn, bởi vì dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Trong thời gian gần đây số ca nhiễm liên tục tăng nhanh và đã có nhiều nguồn lây trong cộng đồng. Chỉ tính riêng từ ngày 24/11 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều ca Covid-19, có những ngày hơn 100 ca F0 trong đó có những ca lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh nhấn mạnh: Bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Nhận thức một số cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch còn hạn chế và có thiếu sót kể cả cấp huyện, chứ không riêng ở cơ sở. Có những đồng chí lãnh đạo cấp huyện dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch chưa nhiều, nắm tình hình chưa sát; trong lãnh đạo, chỉ đạo việc ưu tiên các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa nhiều, chưa sâu sát cơ sở khi có dịch. Vai trò của người đứng đầu một số nơi chưa cao. Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện chưa nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch và vẫn còn không ít người có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; ý thức phòng, chống dịch chưa cao, tình trạng tụ tập đông người vẫn còn diễn ra. Một số nơi tổ chức đám cưới, đám hiếu còn tổ chức đông người…

Công tác quản lý, giám sát công dân tại địa phương có nơi còn chủ quan, thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Việc tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bị động, lúng túng. Trong công tác điều tra, truy vết khi có ca F0 thực hiện hời hợt, chưa đến tận cùng. Công tác phối hợp chia sẻ thông tin dịch tễ của các ca bệnh với các địa phương có thời điểm chưa kịp thời, đáng nói các số liệu tiêm chủng báo cáo chưa rõ ràng, số liệu về dân số trên 18 tuổi chưa có sự thống nhất giữa tỉnh với huyện, giữa huyện với ngành; việc tiêm chủng chậm, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Một số nơi đã triển khai tiêm chủng chậm nhập dữ liệu tiêm chủng lên phần mềm quản lý. Năng lực của hệ thống y tế còn gặp khó khăn cả về lực lượng, về vật chất và trang thiết bị, nhất là một số huyện, cơ sở. Vẫn còn tư tưởng chủ quan lơ là, trông chờ ỷ lại cấp trên.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh cũng đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Nhưng cũng đã chỉ rõ những hạn chế nội tại của ngành như: Công tác tham mưu cho tỉnh, cho huyện, cho địa phương, cơ sở chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Năng lực tác nghiệp trong chỉ đạo phòng, chống dịch có việc còn chậm. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hệ y tế dự phòng có cán bộ năng lực hạn chế, trách nhiệm không cao, chưa toàn tâm toàn ý vì công việc. Tổ chức sự làm việc của đồng chí Giám đốc Sở Y tế chưa khoa học, chế độ thông tin báo cáo còn lạc hậu.

Để tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐPCD Covid-19 tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, nhất là Ngành Y tế, các huyện, thị, thành phố trực thuộc phải tập trung triển khai thực hiện thật tốt một số công việc trọng tâm sau:

Thứ nhất, phải tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19; vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với quan điểm nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân, vắc xin và thuốc chữa bệnh Covid-19 là quyết định. Nâng cao tinh thần cảnh giác, duy trì trạng thái cảnh báo dịch mức độ cao nhất, phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý mọi tình huống liên quan đến dịch bệnh với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết và trước hết. Phải lấy phòng dịch là cơ bản, dự phòng tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch. Phải thường xuyên chủ động đánh giá, xác định rõ cấp độ dịch Covid-19 và biến thể mới Omicron xâm nhập vào địa bàn, để xây dựng và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình chặt chẽ, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời điểm cụ thể, để đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ của từng người dân trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhất là tránh tụ tập đông người, hạn chế các hoạt động giao lưu không cần thiết, phải chủ động, tự giác khai báo y tế và phát giác những người có nguy cơ cao nhưng chưa tự giác khai báo. Phải tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý được từng người dân về những yếu tố, những trường hợp có liên quan đến các ca bệnh; phải phối hợp chia sẻ thông tin, tình hình dịch tễ giữa các địa phương để thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch. Phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân, các tổ chức làm tốt.

Thứ ba, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch giao nhiệm vụ cho các đồng chí Bí thư, các đồng chí Chủ tịch, các đồng chí trưởng ngành, các cấp trong tỉnh phải tập trung chỉ đạo các địa phương, các cơ sở bám sát tình hình, phải huy động lực lượng, tăng cường kiểm tra, giám sát tại địa phương. Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, năng lực của lực lượng tại cơ sở, nhất là công an cấp xã, các tổ của cộng đồng, cán bộ thôn, xã trong theo dõi, quản lý, giám sát người đi về, ra vào từ vùng dịch; người đang cách ly tại nhà và cách ly tập trung.

Thứ tư, Ban chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và mỗi người dân phải chủ động thực hiện xét nghiệm tầm soát nhất là phải có kế hoạch xét nghiệm tầm soát tại chợ, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, những điểm tập trung đông người. Phải làm thật kịp thời, để phải bóc tách được F0 trong công đồng. Mỗi cấp, mỗi ngành phải tự lực, tự cường bố trí kinh phí huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác xét nghiệm tầm soát. Chủ động chuẩn bị vật tư, trang thiết bị trong công tác phòng, chống dịch. Khi phát hiện có ca F0 trong cộng đồng phải thực hiện nhanh việc phong tỏa hẹp một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt. Việc thực hiện công tác cách ly phải phù hợp với điều kiện của địa phương và người dân.

Đối với vấn đề tiêm vắc xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các huyện, thị xã, thành ủy chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, nhất là Ngành Công an tổng rà soát lại tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên để có con số cụ thể phân loại đối tượng đã tiêm, chưa tiêm, chưa chịu tiêm… Đồng thời, phải tuyên truyền cho người dân xác định đây vừa là nghĩa vụ, quyền lợi, bổn phận của công dân đối với cộng đồng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh giao cho tất cả các huyện rà soát lại số liệu báo cáo các đối tượng đã tiêm, chưa tiêm từ 18 tuổi trở lên bắt buộc phải tiêm chủng về tỉnh trước 17h ngày 10/12. Huyện nào không làm tốt đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với việc rà soát phải đẩy nhanh việc tiêm chủng, tổng lực đến trước ngày 15-12 phải tiêm đạt 75% mũi 2; từ nay đến ngày 10/12 phải tiêm hết cho đối tượng từ 15 đến 17 tuổi; trước ngày 31/12/2021 cơ bản hoàn thành xong việc tiêm mũi 2 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên; Sở Y tế cũng phải chịu trách nhiệm liên hệ để lấy thuốc để tiêm cho các cháu từ 12 đến 15 tuổi.

Sở Y tế cung cấp đầy đủ thuốc cho các huyện và phân bổ nguồn vắc xin hợp lý, khoa học, đồng thời hướng dẫn tiêm vắc xin cho các huyện, làm rõ đối tượng nào chưa thể tiêm. Các huyện phải bố trí đủ phương tiện, trang thiết bị, nhân lực để tiến hành tiêm bao phủ cho người dân. Các huyện phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo về việc này đối với tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu cần phải tập trung nâng cao chất lượng công tác điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm khoa học nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất; phải thường xuyên cập nhật phác đồ mới nhất, hiệu quả nhất của Bộ Y tế để áp dụng thực hiện điều trị bệnh nhân Covid-19, phấn đấu tỷ lệ khỏi bệnh cao nhất và sớm nhất, tỷ lệ tử vong thấp nhất.

Đối với những nơi có quy mô dân số dưới 100.000 người thì mỗi một huyện phải có một cơ sở điều trị ít nhất 100 bệnh nhân; nếu địa phương có trên 100.000 người thì phải có cơ sở điều trị 200 bệnh nhân. TP Thanh Hóa cũng cần phải nghiên cứu để sang đầu năm 2022 thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cũng phải tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng với một nguyên tắc là “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo phải nỗ lực cố gắng để các thầy cô giáo, các em học sinh được đi học trực tiếp, việc học trực tuyến chỉ hạn hữu. Cùng với đó, phải thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội, không để sót đối tượng, không được lọt đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục thực hiện tốt các điều kiện để bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho đến Ban Thường vụ, Ban chỉ đạo các cấp, các ngành phải tiếp tục tăng cường hoạt động, phân công, phân nhiệm rõ ràng trách nhiệm. Nếu địa phương, đơn vị mình xảy ra nhiều ổ dịch với lý do chủ quan, thì phải chịu trách nhiệm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, khối lượng công việc còn rất lớn, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu các địa phương, đơn vị bắt tay ngay vào công việc nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.