19/04/2024 lúc 07:54 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên làm tốt công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản

VNHN-Khoáng sản là một loại tài nguyên không thể tái tạo được và có số lượng còn hạn chế trong lòng đất, hiểu được điều đó tỉnh Thái Nguyên đã có những chiến lược quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý để giúp sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

VNHN-Khoáng sản là một loại tài nguyên không thể tái tạo được và có số lượng còn hạn chế trong lòng đất, hiểu được điều đó tỉnh Thái Nguyên đã có những chiến lược quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý để giúp sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-  xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã làm khá tốt công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản như: Công tác quy hoạch (quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản); Công tác tổ chức quản lý (thành lập Ban chỉ đạo quản lý, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quản lý, thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm...).

Đ/c Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và kiểm tra công tác khai thác mỏ của công ty

Thái Nguyên là một tnh khá giàu có về tài nguyên khoáng sản. Do vậy, từ thập niên 80 thế kỷ trước kéo dài đến năm 2010, 30 năm tồn tại tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khó ngăn chặn. Từ trên rừng thẳm đến đáy sông sâu đều diễn ra hoạt động đào vàng, moi móc lấy cát sỏi, quặng sắt, ti tan, phốt pho, chì, thiếc, than…trái phép bừa bãi. Trong ký ức của người dân các vùng quặng còn in hằn nhiều hình ảnh núi đồi, đồng ruộng tan hoang, tang thương bởi quặng tặc hoành hành ngày đêm. Xã Cây Thị, Nam Hòa, thị trấn Trại Cau của huyện Đồng Hỷ; Xã Thần Sa, xã Thượng Nung, Sảng Mộc, Liên Minh, Dân Tiến… của huyện Võ Nhai; Sông Cầu, sông Công đoạn chảy qua các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ và thị xã Phổ Yên... Những địa phương từng một thời nhức nhối bởi nạn khai thác khoáng sản trái phép.  Nhiều dãy núi đồi, cánh đồng bị “xẻ thịt”, đào khoét để tìm vàng; những bãi soi màu mỡ bên sông Cầu, sông Công bị tàu cuốc ngày đêm “moi gan”“móc ruột”; tình trạng tranh giành giữa những người khai thác trái phép liên tục diễn ra khiến cho an ninh trật tự tại những khu vực này luôn phức tạp và bất ổn. Hệ lụy là đất hai bên bờ sông bị sạt lở, biến mất sau mùa nước lớn; nhiều diện tích đất canh tác bị xâm hại không còn khả năng phục hồi; môi trường bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị thất thoát….

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo từng giai đoạn” của tỉnh được triển khai bắt đầu từ năm 2011-2015 và 2016-2020, thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Với nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực Đề án đã phần nào hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản. Trong đó đặc biệt chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền. Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ đã cho biết: Từ ngày có Đề án bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã giao “cây gậy” cho bí thư, chủ tịch các xã, thị trấn để ngăn chặn quặng tặc. Đúng là tình trạng khai thác trái phép đã giảm hẳn. Chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay tức khắc, mang lại yên bình cho bà con nhân dân, ổn định an ninh trật tự địa phương, giảm gánh nặng áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở như chúng tôi…

Đ/c Vũ Hồng Bắc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Trạm Y tế xã Thần Sa

do Công ty khai thác khoáng sản thăng long hỗ trợ xây dựng

Khảo sát qua một số địa phương trước đây từng là điểm nóng về tình trạng khai thác vàng, quặng trái phép,  thấy rõ những vết thương của đất đang dần liền sẹo. Nhiều nơi, người dân địa phương đang nỗ lực cải tạo những vị trí từng bị đào bới tìm vàng trước đây để canh tác. Có nơi, cây keo lai vài năm tuổi đã xóa sạch mọi dấu vết của những cuộc đào xới trái phép trước đó.

Bên cạnh việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác, tính tiền cấp quyền khai thác cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị đủ điều kiện cũng đã mang lại hiệu quả rõ nét. Xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên, nơi có 11,5 km sông Cầu chảy qua, nối liền 3 xã của huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang là một trong những điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi. Người dân sống gần đây từng khốn khổ bởi tàu cuốc lộng hành. Nhưng từ khi khúc sông này được Công ty TNHH Dũng An Phát đấu giá thành công và được cấp quyền khai thác thì bình yên đã trở lại. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh Giám đốc Công ty TNHH Dũng An Phát cho biết: Khi tỉnh trao quyền quản lí mỏ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã cùng chính quyền địa phương bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên có kế hoạch, có sự chia sẻ, đóng góp xây dựng đường sá, hạ tầng cơ sở nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư của địa phương. Đặc biệt ngăn chặn đứng nạn khai thác cát sỏi trái phép trên sông Cầu đoạn đưn vị được cấp phép khai thác mỏ… Không chỉ góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, việc cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ năng năng lực vào khai thác còn góp phần tăng thu ngân sách địa phương và từng bước phục hồi, cải tạo môi trường.

Ông Lý Văn Học, 73 tuổi, dân tộc Tày ở Bản Ná, xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai đã bồi hồi nói với phóng viên: Nhiều đời gia đình tôi ở trong lõi rừng này đã chứng kiến cảnh khai thác vàng trái phép. Nạn làm vàng tặc tàn phá môi trường khủng khiếp. Có những lúc Bản Ná lên đến cả chục nghìn người thi nhau đào xới. Dân bản địa vẫn nghèo. Nhưng từ khi công ty khai thác khoáng sản Thăng Long vào nhận mỏ thì không còn tình trạng khai thác trái phép nữa. Công ty đã giúp dân xây nhà văn hóa, làm đường bê tông sạch sẽ cho dân đi lại thuận lợi, cấp bò cho dân nuôi xóa đói giảm nghèo…rừng núi an bình, xanh tươi trở lại, môi trường được phục hồi nhanh chóng. Chúng tôi thấy vui mừng mỗi ngày vì sự đổi thay của quê hương, làng bản. 

Tính riêng trong 2 năm 2016 – 2017, các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách với tổng số tiền gần 2.103 tỷ đồng, bao gồm thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong 2 năm với số tiền trên 32 tỷ đồng. Ngoài nộp ngân sách nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ địa phương xây dựng, sửa chữa một số cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tái định cư với trị giá trên 200 tỷ đồng. Năm 2018, các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đã nộp ngân sách 1.174,5 tỷ đồng. Tính đến nay, hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương.Đổi thay giữa xưa và nay đã khá rõ nét, song quản lý tài nguyên khoáng sản vẫn luôn là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực thường xuyên, liên tục.

Đường bê tông mới xây dựng dẫn vào bản người Mông, người Tày do Công ty KTKS Thăng Long tài trợ

Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ một số kinh nghiệm về quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS): Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo. Do vậy, ý thức được tầm quan trọng đó, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều sáng kiến quản lý, bảo vệ và có kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên quý mà tự nhiên đã ban tặng cho địa phương. Thái Nguyên kiên quyết, kiên trì, bền bỉ nhiều năm chống nạn “quặng tặc” và cuối cùng đã thành công. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đồng lòng vào cuộc ngăn chặn mọi hoạt động trộm cắp tài nguyên. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng đến mọi tầng lớp quần chúng nhân dân nhằm trang bị kiến thức pháp luật về TNKS, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ các mỏ khoáng sản trên địa bàn; Thực hiện ký cam kết bảo vệ nguồn TNKS hàng năm giữa Chính quyền-Doanh nghiệp-Người dân; Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp và các bí thư, trưởng xóm, bản; Xây dựng đường dây nóng tiếp thu phản ánh của nhân dân về hoạt động khai thác TNKS trái phép; Tăng cường bám dân kiểm tra, giám sát mọi hoạt động liên quan đến khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến khoáng sản; Cấp phép, giao mỏ cho đơn vị, doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý khai thác, chế biến khoáng sản; Xây dựng cơ chế chính sách khoa học, chặt chẽ trong việc cấp quyền khai thác, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương có mỏ mà đơn vị đóng chân; Chủ động tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng mỏ để giúp dân có nghề nghiệp, có thu nhập, đảm bảo ổn định đời sống. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, giám sát chặt mọi hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường…Do vậy nhiều năm nay, trên địa bàn không xảy ra tình trạng khai thác TNKS bừa bãi, trái phép như trước đây. Tỉnh còn giữ được nguồn TNKS dồi dào là một thế mạnh, làm tiềm năng thu hút đầu tư để phát triển kinh tế xã hội bền vững.    

Quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả chính là cách để bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sự phát triển bền vững và là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với thế hệ tương lai. Thái Nguyên đang là một điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn TNKS đáng để học tập kinh nghiệm.

Hồng Nguyễn