25/04/2024 lúc 21:55 (GMT+7)
Breaking News

TCTCP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An: Doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp tiêu biểu

VNHN - Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An được gọi là "Anh cả đỏ" trong làng vật tư nông nghiệp ở nước ta. Sau 58 năm xây dựng và phát triển, đến nay TCT đã lớn mạnh vượt bậc, thực sự là một "ông lớn" trong ngành vật tư nông nghiệp với những hoạt động vừa đa dạng, vừa thiết thực, hiệu quả và có tính lan tỏa cao.

VNHN - Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An được gọi là "Anh cả đỏ" trong làng vật tư nông nghiệp ở nước ta. Sau 58 năm xây dựng và phát triển, đến nay TCT đã lớn mạnh vượt bậc, thực sự là một "ông lớn" trong ngành vật tư nông nghiệp với những hoạt động vừa đa dạng, vừa thiết thực, hiệu quả và có tính lan tỏa cao.

Chính tư tưởng dám nghĩ, dám làm, sự quyết đoán và tích cực đổi mới của lãnh đạo Tổng công ty, mà tiêu biểu là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Trương Văn Hiền, đã làm thay đổi cả về chất và lượng sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhất là từ năm 2005 đến nay, hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, Tổng công ty đã chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng vật tư cũng đa dạng hơn nhiều. 

Đặc biệt, trong quá trình phát triển, nhờ nắm bắt và nhanh nhạy với thực tiễn, từ mảng phân bón truyền thống, Tổng công ty đã mở rộng và "lấn sân" sang hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Ðến nay Tổng công ty đã cho ra đời nhiều giống lúa mới cho năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, TCT còn chuyển giao thành công các giống tiến bộ mới như giống ngô lai LVN14, giống lạc L26, giống lúa thuần LH12, BT09, Vật tư NA6… 

Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho TCT Vật tư Nông nghiệp Nghệ An

Những giống cây trồng mang thương hiệu "Vật tư nông nghiệp Nghệ An" đã góp phần tạo nên những mùa vàng, làm giàu cho nông dân cả một dải miền Trung. Một dấu ấn quan trọng nữa là, từ tháng 12/2012, Tổng công ty đã được Bộ KH&CN công nhận là Doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp, chuyên về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hạt giống. Ðây là đơn vị đầu tiên của tỉnh Nghệ An hoạt động trên lĩnh vực này.

Không chỉ quan tâm nghiên cứu và phát triển các loại cây lương thực, TCT Vật tư nông nghiệp Nghệ An còn coi trọng việc ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, hiệu quả lâu bền của các loại cây ăn quả quan trọng. Mới đây, tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư lần thứ 10 – Xuân Mậu tuất 2018 do Tỉnh Nghệ An tổ chức, TCT cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã đưa ra một trong những nhiệm vụ cần làm trong lĩnh vực này trên cơ sở phân tích đầy đủ và sâu sắc thực trạng hiện nay của việc phát triển cây ăn quả, trong đó cụ thể là làm sao để phát triển công nghiệp cam Xã Đoài ở Nghệ An có chất lượng cao và bền vững. 

Nhiệm vụ mang tên: "Ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng hệ thống giống sạch bệnh và phát triển công nghiệp cam Xã Đoài bền vững, chất lượng cao ở Nghệ An". Mặc dù chưa đi vào thực hiện, nhưng Đề xuất của TCT Vật tư nông nghiệp Nghệ An có thể coi là một Chương trình khoa học mang tầm chiến lược cho sự phát triển của lĩnh vực trồng cây ăn quả giá trị cao. 

Nhiệm vụ được đưa ra dựa trên những cơ sở thực tiễn hết sức rõ ràng, cụ thể và có tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải thực hiện nhằm xây dựng hệ thống giống sạch bệnh và phát triển công nghiệp cam Xã Đoài bền vững, chất lượng cao ở Nghệ An như đề xuất đã xác định. 

Giám đốc TCT Trương Văn Hiền và cán bộ kỹ thuật trực tiếp kiểm tra chất lượng giống lúa mới trên đồng ruộng

Trong đó có những cơ sở thực tiễn như: Cây ăn quả có múi (citrus) có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao và sản xuất quả có múi vẫn đang tiếp tục tăng do thu nhập và nhu cầu của người dân ở một số quốc gia tăng nhanh. Ở nước ta, diện tích trồng cây ăn quả chỉ đứng sau diện tích đất trồng lúa (đạt 75,6 nghìn hecta vào năm 2014). Điều này chứng tỏ cây ăn quả giữ vai trò đặc biệt trong nền kinh tế nông nghiệp và dinh dưỡng của người dân. Sản lượng các loại quả ở nước ta vào khoảng 7-8 triệu tấn/năm, xuất khẩu chỉ mới khoảng trên dưới 300.000 tấn…  

Trong khi đó, nước ta lại phải nhập khẩu một sản lượng khá lớn các loại quả, nhất là nhập từ Trung Quốc. Đây là một nghịch lý cần được sớm khắc phục. Trong khi nước ta là một trong những trung tâm phát sinh quan trọng của nhiều loại cây ăn quả có múi và có ưu thế về thời tiết và khí hậu nên có thể sản xuất nhiều giống quả có múi đặc sản, trong đó có cam… 

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, sản xuất Cam không hạt và ít hạt ở nước ta vẫn còn có những hạn chế, như: Diện tích, sản lượng, chất lượng, giá trị thương mại của các giống và ngành sản xuất quả có múi nói chung vẫn còn bấp bênh, chưa có sự ổn định.

Ngay một số giống đặc sản chất lượng cao, nhưng vùng thích nghi lại hẹp, đặc tính sinh  trưởng, phát triển, thích nghi sinh thái, sinh lý ra hoa, đậu quả của cây ghép chưa được nghiên cứu kỹ nên đã gây nhiều tổn thất và sự quan ngại khi mở rộng sản xuất. Các giống có tiềm năng xuất khẩu như cam Xã Đoài, cam V2, cam CT36, CT9 chất lượng cao, không hạt, ít hạt thì do bản chất của tính trạng không hạt chưa ổn định nên cũng ảnh hưởng không tốt tới thương hiệu giống không hạt.  

Ngay các vùng chuyên canh cam lớn ở nước ta như các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số nơi khác cũng đang bị thoái hóa về giống cây…Do vậy, việc tuyển chọn giống không hạt, ít hạt và đặc điểm di truyền tính trạng không hạt ở cây có múi là cần thiết. 

Một vấn đề khác nữa là, tuy kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong 5 năm qua đều tăng, nhưng chủ yếu là trái cây đã qua chế biến, rất ít trái cây tươi. Nguyên nhân do khâu bảo quản sau thu hoạch của ta quá yếu. Cho nên vấn đề quan trọng là phải đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nhất là các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển trái cây; đồng thời cầncó chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty, xí nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng chuyên canh; cần khắc phục tính tự phát trong phát triển, công tác quy hoạch phải được chấn chỉnh và nâng cao; phải tạo ra được những vùng chuyên canh và công nghiệp cây ăn quả lớn…

 Vườn cam Xã Đoài ở Nghi Lộc – Nghệ An

Để đạt mức tiêu thụ quả có múi trung bình trên thế giới (16 – 18 kg/người/năm) trong 10 năm tới, nước ta phải sản xuất thêm khoảng 800.000 - 900.000 tấn quả mỗi năm, hay phải mở rộng thêm khoảng 40.000 ha trồng mới cây ăn quả có múi, trong đó chủ yếu là cam với năng suất trung bình phải đạt trên 20 tấn/ha. 

Muốn mở rộng diện tích ở quy mô trên, sản xuất cần khoảng 20 triệu cây giống tốt, sạch bệnh. Nhà nước và các tỉnh cần sớm có quy hoạch và kế hoạch phát triển vùng cam quýt bưởi trong giai đoạn 2018-2030, đặc biệt, khi nước ta trở thành nước công nghiệp với nhu cầu cam tươi và chế biến gấp 3-4 lần hiện nay. Đương nhiên điều này đặt ra những vấn đề phải thực hiện là: Nghiên cứu thị trường và dự báo thị trường nội tiêu, xuất khẩu; Quy hoạch vùng sản xuất lớn, tập trung, thích hợp về kinh tế –xã hội, sinh thái cho trồng cam năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; Vấn đề cơ chế, chính sách và biện pháp tổ chức hệ thống sản xuất theo hướng công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, sức mạnh canh tranh cao và bền vững. 

Trên cơ sở những phân tích và căn cứ thực tiễn, dự án đồng thời đưa ra những giải pháp về nhiều mặt nhằm biến ý tưởng thành hiện thực. Trong đó, về khoa học công nghệ cũng được đặt ra trên cơ sở phải đi sâu thực hiện việc chọn tạo và phục tráng ra các dòng, giống cam không hạt, ít hạt, chất lượng cao và cá thể ưu việt cho từng vùng sinh thái; đồng thời xác định cơ cấu vụ thu hoạch (vụ sớm, trung, muộn), cơ cấu ăn tươi và chế biến, cơ cấu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; xác định các giống có giá trị kinh tế cao và vùng sinh thái thích hợp, nhu cầu thị trường đối với từng loại giống, chú trọng giống không hạt, ít hạt chất lượng cao; xây dựng hệ thống nhân giống phục vụ mở rộng  sản xuất… 

Riêng với sản phẩm Cam Xã Đoài, các ý tưởng trong nghiên cứu phát triển được thể hiện ở các vấn đề cụ thể, như: Nghiên cứu xây dựng hệ thống đồng bộ các cơ chế, chính sách và biện pháp tổ chức hệ thống sản xuất quả có múi theo hướng công nghiệp; Nghiên cứu thu thập, bảo quản và đánh giá tập đoàn các giống cam bản địa sạch bệnh, các giống cam nhập nội sạch bệnh trong điều kiện nhà lưới và cách ly không gian; Nghiên cứu khảo nghiệm sinh thái và xây dựng quy trình sản xuất đối với các giống cam không hạt ở các vùng cam chính; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào để chọn tạo và xây dựng hệ thống giống cam sạch bệnh, không hạt, chất lượng cao cho các tỉnh phía Bắc; Nghiên cứu một số các loại côn trùng chính và biện pháp quản lý tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng và năng suất quả có múi v.v... 

Qua đó, phải tạo ra được 3-4 giống cam sạch bệnh từ vi ghép, chủ yếu là giống không hạt, ít hạt làm vật liệu nhân giống sản xuất. Đồng thời hoàn thiện được quy trình sản xuất giống cam sạch bệnh 3 cấp với quy mô lượng giống đủ trồng cho diện tích phát triển công nghiệp cam ở Nghệ An; Hoàn thiện được các quy trình trồng thâm canh, bảo vệ thực vật an toàn vệ sinh thực phẩm cho các giống cam mới ở các vùng sinh thái khác nhau; Đưa giống cam mới vào sản xuất thay thế các giống cũ đã thoái hóa nghiêm trọng tại Nghệ An và xác định khả năng mở rộng cam ở các vùng khác; Xây dựng và mở rộng được các vùng trồng các giống cam mới, chất lượng,  không hạt, ít hạt ở Bắc Trung Bộ quy mô 500-1000 ha; Hình thành 1-2 thương hiệu cam tươi chất lượng cao.

Vấn đề "Ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng hệ thống giống sạch bệnh và phát triển công nghiệp cam Xã Đoài bền vững, chất lượng cao ở Nghệ An" do TCT Vật tư nông nghiệp Nghệ An đề xuất có tính khả thi cao. Bởi lẽ: Giống cam Xã Đoài sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao, độ phân cành lớn, tán cây cân đối, bộ lá xanh, dễ chăm sóc, cây có nhiều cành dăm, ít cành vượt, nhiều lá, đặc biệt là bản lá to, thích hợp với sản xuất ở các tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh miền Bắc nước ta. Nếu được tuyển chọn và phục tráng sạch bệnh, được đầu tư chăm sóc tốt và tưới chủ động, cam Xã Đoài sẽ cho năng suất cao và tăng dần qua các năm. Cam Xã Đoài có ưu điểm là thơm, rất phù hợp để ăn tươi, chế biến…

Dự tính đến năm 2030 quy mô diện tích trồng cam là 3000-4000 ha, dự kiến năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha kể từ năm thứ 5 trở đi, tương ứng sản lượng 75.000 - 100.000 tấn/năm cam quả tươi thương phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. TCT cam kết đảm bảo tài chính, huy động và sử dụng vốn rõ ràng và hợp lý;  phối hợp bố trí nguyên nhiên vật liệu, nhân công lao động và chi phí của các đơn vị phối hợp tham gia. 

Có thể thấy, đây là một đề xuất, một nhiệm vụ được đưa ra sau khi đã nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn cao. Khi được thực hiện có kết quả, sẽ giúp cho ngành cây ăn quả nói chung và Cam Xã Đoài nói riêng có được sự phát triển bền vững với hiệu quả và giá trị không ngừng được nâng cao./.