20/04/2024 lúc 08:56 (GMT+7)
Breaking News

Tạp chí khoa học điện tử trong bối cảnh hội nhập

VNHN – Bên cạnh các báo điện tử và một số ít tạp chí điện tử thuần túy, hiện hầu hết các báo và tạp chí ở Việt Nam đều có phiên bản điện tử. Điều này phù hợp với xu hướng chung của thế giới, nhất là với các báo và tạp chí có xu hướng chính trị.

VNHN – Bên cạnh các báo điện tử và một số ít tạp chí điện tử thuần túy, hiện hầu hết các báo và tạp chí ở Việt Nam đều có phiên bản điện tử. Điều này phù hợp với xu hướng chung của thế giới, nhất là với các báo và tạp chí có xu hướng chính trị.

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hoàng Công-Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học “Xuất bản tạp chí khoa học điện tử trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ảnh minh họa 

Theo PGS.TS Vũ Hoàng Công, lợi thế của tạp chí điện tử là tốc độ quảng bá nhanh, dễ tiếp cận, diện quảng bá rộng và không có biên giới, chi phí thấp. Mặt khác, các thông tin được đưa lên mạng không bị giới hạn về dung lượng như in giấy. Tạp chí điện tử có thể tích hợp vào đó nhiều chức năng lưu trữ hoặc liên kết vô cùng đa dạng, thuận tiện cho người đọc.

Tuy nhiên theo PGS.TS. Vũ Hoàng Công, hiện nay nhìn chung vẫn chưa có một mô hình chuẩn, vẫn mang dáng dấp của trang thông tin điện tử tổng hợp, hoặc cổng thông tin, thậm chí “báo hóa”. Do nhiều nguyên nhân, các tạp chí khoa học kể cả khoa học xã hội, bản điện tử hiện chưa được giới khoa học đánh giá cao như bản in giấy. Do vậy, các tạp chí khoa học in giấy có uy tín, dù số lượng rất ít, vẫn có giá trị lớn và tạp chí điện tử chưa thể thay thế được.

Để phát triển tạp chí khoa học điện tử (hoặc các bản điện tử của các tạp chí khoa học) PGS.TS Vũ Hoàng Công cho rằng cần phải đồng bộ giải quyết cả về tài chính, cơ chế quản lý và con người, trong đó quyết định nhất là yếu tố con người. Đồng thời cần có một đội ngũ tâm huyết, nhiệt thành và đổi mới, có khả năng tiếp cận với sự phát triển của thế giới cả về phương diện báo chí, cả về phương diện khoa học chuyên ngành. Đây là những thách thức trên con đường nâng tầm đạt tiêu chuẩn quốc tế của các tạp chí khoa học của Việt Nam.

Chung quan điểm đó, TS. Ngô Văn Vũ-Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Ở Việt Nam, hình thức truyền tải thông tin, giới thiệu và chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ của cộng đồng khoa học được sử dụng thông qua xuất bản ấn phẩm tạp chí khoa học truyền thống (in trên giấy) là phổ biến. Vì vậy, việc phổ biến thông tin, công bố và chia sẻ tri thức mới, nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu trong nước cho cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đang trở nên bất cập.

Để đón bắt được lợi ích do cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế mang lại, TS. Ngô Văn Vũ cho rằng, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản tạp chí và trực tiếp là người đứng đầu các tạp chí khoa học cần đổi mới tư duy về công tác xuất bản tạp chí, từng bước hiện đại hóa và tiến đến chuẩn quốc tế hệ thống tạp chí khoa học, trong đó đẩy mạnh mô hình xuất bản điện tử, hoạt động dựa trên môi trường mạng internet.

Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đánh giá: “Để phát huy được hết tính năng ưu thế của tạp chí điện tử, chúng ta cần biết nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới. Đồng thời, giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động của tạp chí; tập trung mở rộng khối thông tin về nghiên cứu khoa học, thông tin chuyên ngành, tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí”.

TS Nguyễn Công Dũng cho rằng, ngày nay nhu cầu đọc, tìm kiếm thông tin trên các thiết bị di động thông minh ngày càng cao (trên 70% bạn đọc sử dụng điện thoại truy cập internet mỗi ngày). Do đó việc thiết kế giao diện trang web đáp ứng, phù hợp với các thiết bị di động là một yêu cầu cấp thiết của các tạp chí điện tử./.