19/04/2024 lúc 14:18 (GMT+7)
Breaking News

Tạo động lực cho phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam

VNHN - Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

VNHN - Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khu vực này còn đối diện với nhiều khó khăn, rào cản cho sự phát triển. Bài viết đưa ra những giải pháp về cải cách môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân: thống nhất nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.

Ảnh minh họa 

1. Vị thế cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam

Từ khi có Luật Doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng phát triển cả về lượng và chất, với khoảng 700.000 DN đang hoạt động, trong đó trên 97% là DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân và 2,6% là DN có vốn FDI. Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) có tới 96% DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn, sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh, nhưng thu hút 51% lực lượng lao động doanh nghiệp cả nước, tạo ra 43% GDP, đóng góp khoảng 30% vào ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, năm 2018, đầu tư khu vực tư nhân tăng 18,5% so với năm 2017 và chiếm tới 43,3% tổng đầu tư xã hội (tính theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% GDP). Cũng trong năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Đồng thời, có 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp; có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp (trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước; số DN hoàn tất thủ tục phá sản là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7%).

Ngoài ra, cả nước hiện có gần 21,2 nghìn hợp tác xã và 61 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 13 nghìn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 6,4 triệu thành viên tham gia.

Theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ngày 3-6-2017, Việt Nam phấn đấu để có trên 1 triệu DN vào năm 2020, đạt 1,5 triệu DN vào năm 2025 và 2 triệu DN vào năm 2030, đồng thời nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN lên tới 60-65% GDP. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; Hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, trong đó có nhiều DN trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới, tăng cường các chuỗi liên kết với nhau và với các khu vực DN khá, chủ động tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Dù có sức vươn mạnh mẽ, bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế, với đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh..., song cộng đồng DN tư nhân Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, còn nhiều hạn chế về trình độ công nghệ, tài chính, quản trị và năng lực đổi mới;  những hạn chế về chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, về khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu...

Cải thiện môi trường đầu tư, không chỉ là thước đo, mà còn là nhiệm vụ, mục tiêu và động lực phát triển cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài; là kết quả cộng hưởng các giải pháp và nỗ lực chung vì sự phát triển ổn định và hiệu quả chung của cộng đồng DN và toàn thể nền kinh tế quốc gia... Thực tế đang cho thấy, môi trường đầu tư cho các DN Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ nhờ những đột phá thể chế đối ngoại ngày càng chủ động hội nhập cao hơn. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 187 quốc gia và quan hệ kinh tế, thương mại với trên 223 nước, vùng lãnh thổ; đã tham gia hơn 500 hiệp định quốc tế, trong đó có trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần. Hiện 65 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và 48 nước đã miễn visa du lịch cho du khách Việt Nam (Việt Nam hiện miễn visa cho du khách và doanh nhân 22 nước và là 19/21 nước APEC tham gia cấp visa doanh nhân 60-90 ngày cho nhau). Đặc biệt, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA, trong đó có những FTA có tiêu chuẩn cao. Dự kiến, khi thực hiện tất cả các FTA này, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với 56 đối tác trên thế giới, bao gồm tất cả các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20, mở ra không gian rộng lớn cho DN Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Việt Nam có 16 đối tác chiến lược, 12 đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công Cơ chế một cửa với 4 nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore để chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ASEAN.  Riêng cơ chế này ở trong nước cũng đã kết nối được 11/14 bộ.  Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 37 thủ tục hành chính của 9 bộ còn lại đã được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia.

Môi trường kinh doanh trong nước cũng ghi nhận những bước chuyển biến ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn: Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2018 đứng ở vị trí 48, tăng 2 bậc so với vị trí 50 năm 2017, vị trí 52 năm 2015, vị trí  71 năm 2014 và 76 năm 2013. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN 2018), diễn ra ngày 12-9-2018, Việt Nam đã được Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey xếp vào nhóm 18 nước “đạt hiệu quả vượt trội hơn” trong tổng số 71 nền kinh tế mới nổi toàn cầu (với một trong các tiêu chí là nước có số lượng doanh nghiệp quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác).

Đồng thời, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) được Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2019, Việt Nam đạt 68,36 điểm, cao hơn 1,59 điểm so với năm 2018 (66,77 điểm) và có 6/10 chỉ số môi trường đầu tư được cải thiện (chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư; khởi sự kinh doanh; tiếp cận tín dụng và cấp phép xây dựng); được Ngân hàng Thế giới công nhận đã thực hiện 3 cải cách (thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp) trong năm 2019 và đứng đầu Đông Nam Á vì thực hiện 18 cải cách trong 5 năm qua, ngang với mức của Indonesia:

Năm 2018, các Bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17.500 nghìn ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Song, như Thủ tướng yêu cầu, việc cắt, giảm các điều kiện kinh doanh cần thực chất hơn; cần hoàn thiện nhanh hơn các thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng, thương hiệu và tài sản công ty; sớm điều chỉnh các quy định về thuế phù hợp Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc cải thiện môi trường kinh doanh cho phát triển doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế. Không thể đón bắt cơ hội và vượt qua thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 với bộ máy quản lý nhà nước 1.0. Sự đổi mới sáng tạo không chỉ cần cho khu vực sản xuất kinh doanh, mà còn cần được triển khai đồng bộ và toàn diện trong toàn xã hội, cả đối với hệ thống hành chính nhà nước. Trên thực tế, đằng sau các thủ tục và điều kiện kinh doanh đa dạng và phức tạp thường ẩn khuất những nhóm lợi ích chi phối; cắt bỏ các thủ tục này cũng có nghĩa là cắt bỏ số tiền lót tay mà các DN phải chi ra để “lọt” qua cửa này. Cắt giảm các điều kiện kinh doanh, chúng ta có quyền hy vọng môi trường đầu tư trong nước sẽ ngày càng minh bạch, thông thoáng, bình đẳng để người dân, DN tự tin đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước.

2. Những đột phá thể chế cần ưu tiên để phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thời gian tới

Thứ nhất, kiên quyết xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung, về KTTN nói riêng.

Trong nhận thức lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về kinh tế, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm sự tự do hóa các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực KTTN tham gia. Đặt khu vực kinh tế nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của DN trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu. Xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp công dân, hệ thống thông tin DN, hệ thống đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản... nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, cũng như quản lý nhà nước và phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kinh doanh, các hành vi vi phạm sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích DN, doanh nhân và người lao động; phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển KTTN và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra; Khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển KTTN.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội, nghề nghiệp đối với khu vực KTTN, cũng như đối với từng DN; coi trọng phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ kinh doanh; giảm thiểu cho khu vực DN các gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng trong đầu tư mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp  tư nhân đầu tư ra nước ngoài; tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh bao phủ tín dụng, đẩy lùi tín dụng “đen”.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tăng cường tự do hóa và giảm thiểu chi phí không chính thức trong kinh doanh.

Cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của một Nhà nước kiến tạo mà Việt Nam hướng tới, với yêu cầu chung là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo mọi thuận lợi và giảm tối đa chi phí cho người dân và DN. Sự hài lòng của cộng đồng DN và người dân ngày càng trở thành thước đo đánh giá nhiệm vụ và kết quả quản lý nhà nước đối với khu vực DN và đời sống kinh tế -xã hội nói chung. Cải thiện các điều kiện kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế ở cấp quốc gia và xếp hạng các tiêu chí nội dung PCI ở cấp địa phương trở thành bài thi định kỳ được biết trước đề thi, mà hàng năm cả hệ thống chính trị các cấp đều tập trung tìm lời giải thật tối ưu.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính theo yêu cầu thống nhất, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý kinh tế - xã hội tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích DN, doanh nhân và người lao động; phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ kinh doanh; giảm thiểu cho khu vực DN các gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng trong đầu tư mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài; xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh, thúc đẩy tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc, gắn kết và hợp tác cộng đồng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh; đề cao tính minh bạch và quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đơn vị quản lý nhà nước đối với DN; thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển của DN và đất nước, kiên quyết chống những biểu hiện tham nhũng trong công tác cán bộ; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng đối thoại với 14 lãnh đạo tập đoàn kinh tế tư nhân, http://vneconomy.vn, ngày 30-9-2017.

2. ĐCSVN: Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành ngày 3-6-2017.

3. Ngân hàng Thế giới: Báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách - Doing Business 2019”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn.

4. “Bốn điểm sáng kinh tế năm 2018”, https://www.nhandan.com.vn, ngày 6-1-2019.

TS Nguyễn Minh Phong , Báo Nhân Dân

ThS Nguyễn Trần Minh Trí. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam