25/04/2024 lúc 00:37 (GMT+7)
Breaking News

Tăng thêm sức mạnh của Quốc hội

VNHN - Hiến pháp năm 2013 quy định khá mở về việc Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Hiện nay, chúng ta đặt mục tiêu phải làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội trên quan điểm đổi mới tổ chức của Quốc hội để vừa bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vừa bảo đảm mục tiêu làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng tốt

VNHN - Hiến pháp năm 2013 quy định khá mở về việc Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Hiện nay, chúng ta đặt mục tiêu phải làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội trên quan điểm đổi mới tổ chức của Quốc hội để vừa bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vừa bảo đảm mục tiêu làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả cao hơn, đáp ứng đòi hỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Ảnh minh họa - TL

Một đề xuất được đưa ra bàn trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua là có nên chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện - hai cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội hay không? Tôi cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội lần này, cần tiếp tục bàn thấu đáo câu chuyện này để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực dân nguyện và công tác đại biểu. Tôi biết hiện nay, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện đã xây dựng Đề án chuyển thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, trong đó, đã nêu rõ các căn cứ chính trị, pháp lý và có phương án cụ thể đề xuất quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tôi chia sẻ nhiều quan điểm, đánh giá bước đầu của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này đã được nêu trong Báo cáo các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 42 vừa qua. Theo tôi, cần báo cáo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến cụ thể về các nội dung đặt ra trong Đề án cũng như những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu mà Ủy ban Pháp luật đã chỉ ra, trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội báo cáo, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Có một cách tiếp cận khác mà theo tôi có thể xem xét khi bàn về việc chuyển hai Ban thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Đó là, Điều 99 Luật Tổ chức Quốc hội hiện nay quy định, Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính tham mưu, tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Vậy thì, chúng ta có thể đặt Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện như cách đặt vấn đề tại Điều 99, tức là hai Ban này là cơ quan tham mưu, giúp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác đại biểu dân cử, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Cùng với đó, hai Ban này cần được bổ sung đầy đủ chức năng với tư cách là cơ quan tham mưu, phục vụ cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy định như vậy sẽ không tăng biên chế, không tăng quy mô tổ chức bộ máy nhưng giải quyết được vấn đề hết sức thực tiễn hiện nay, tức là, với tư cách là cơ quan tham mưu, phục vụ của Quốc hội, hai Ban này sẽ xử lý được những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Ví dụ, đơn thư khiếu nại tố cáo, có những nội dung vượt quá thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ban Dân nguyện của Quốc hội sẽ chủ trì làm việc với Hội đồng Dân tộc hoặc các Ủy ban có liên quan để xem xét vụ việc này có thể trình ra Quốc hội xem xét, quyết định, xử lý hay không. Hay với Ban Công tác đại biểu, hiện nay, không chỉ làm công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức là các vấn đề liên quan đến đại biểu Quốc hội mà còn có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân. Một ý kiến tôi cho rằng cũng rất xác đáng là Ban Công tác đại biểu phải thực hiện cả chức năng thi đua khen thưởng của Quốc hội, tham mưu cho Quốc hội trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hiện nay, không có cơ quan nào đảm nhận việc này.

Việc chuyển hai Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ban thuộc Quốc hội, theo tôi, chỉ có tăng thêm sức mạnh cho Quốc hội và giúp giải quyết được một số vấn đề trong thực tế mà lâu nay chưa giải quyết được. Với mục tiêu ấy, không nhất thiết nâng hai Ban này thành Ủy ban mà chỉ chuyển hai Ban này thành cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác đại biểu dân cử và công tác dân nguyện.

Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội