19/04/2024 lúc 15:53 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường

VNHN - Đây là kiến nghị được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN – MT) tổ chức sáng nay. Lấy dẫn chứng từ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Duy Hậu cho biết, một số cuộc thanh, kiểm tra có báo trước thường cho kết quả rất tốt song khi làm đột xuất “có kết quả khác hẳn”.

VNHN - Đây là kiến nghị được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN – MT) tổ chức sáng nay. Lấy dẫn chứng từ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Duy Hậu cho biết, một số cuộc thanh, kiểm tra có báo trước thường cho kết quả rất tốt song khi làm đột xuất “có kết quả khác hẳn”.

“Đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển”

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chỉ rõ, theo các kết quả thẩm tra, từ khi có Luật Bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường đã có những bước tiến. Luật ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như bảo vệ môi  trường. Báo cáo Chỉ số hiệu quả  quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019 cho thấy nhiều kết quả đáng mừng. Theo đó, tỷ lệ người dân phản ánh phải bôi trơn khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016, tỷ lệ người dân phản ánh không phải đi qua nhiều cửa khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đạt 80,72%. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng đều qua 3 năm. Nhiều địa phương không có hồ sơ chậm muộn quá hạn, hoặc tỷ lệ quá hạn dưới 0,5%.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị

Mặc dù vậy, ông Dũng thừa nhận có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường mới phát sinh trong thực tiễn mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý cũng như vấn đề hội nhập quốc tế. Do đó, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường là rất cần thiết trong xu thế phát triển hiện nay của đất nước. Luật sửa đổi phải có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, đồng thời đưa ra được những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh đất nước.

Hiện, Bộ TN - MT đã tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 “để đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước. Đây là cũng chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về môi trường sống trong lành, an toàn, bởi theo Báo cáo về Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019, môi trường là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của người dân chỉ sau nội dung về đói nghèo và tăng trưởng kinh tế” -  Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nội dung sửa đổi Luật lần này có 5 điểm nổi bật. Thứ nhất, Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải carbon thấp. Thứ hai, xác định rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò nòng cốt của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí  hậu. Thứ ba, tạo ra cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 20 - 85 ngày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. Thứ tư, bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế như: cơ chế đặt cọc - hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng… Thứ năm, đề xuất sửa đổi các chính sách về bảo vệ môi trường để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật Bảo vệ môi trường.

Gắn trách nhiệm địa phương với bảo vệ môi trường

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu đều tán thành với tên gọi của Luật. Đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần khắc phục được sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, cần điều chỉnh nội dung về bảo vệ môi trường trong các luật khác với tinh thần đánh giá kỹ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực thi các luật chuyên ngành khác.


Toàn cảnh Hội nghị

Riêng với quy định về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hiện Chính phủ đưa ra 2 phương án xin ý kiến Quốc hội. Phương án 1: Phân quyền cho các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế) tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình. Phương án 2: Không phân quyền cho các bộ mà phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định để bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép (nếu có) sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương hiện nay của Chính phủ.

Đa số đại biểu cho rằng, việc phân quyền cho địa phương là cần thiết. Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh Phạm Duy Hậu phân tích, các dự án tại địa phương thì trước hết người dân và địa phương đó được thụ hưởng. Do vậy, cần gắn trách nhiệm của địa phương với các dự án này trong công tác bảo vệ môi trường, bằng cách trao quyền thẩm định báo cáo ĐTM đối với những dự án mà địa phương chủ trương đầu tư. Điều này cũng nhằm cải cách thủ tục hành chính. “Nếu địa phương yếu, thiếu về năng lực thì có thể mời các chuyên gia, đại diện bộ ngành (tham  gia thẩm định  báo cáo ĐTM – PV)”, ông Hậu đề xuất, đồng thời nhấn mạnh phải gắn trách nhiệm đến cùng đối với những người tham gia hội đồng thẩm định này.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh bổ sung, khi phân cấp thẩm định báo cáo ĐTM cần căn cứ vào quy mô, tính chất, mức độ, phạm vi tác động môi trường của từng dự án để phân loại dự án nào đưa về bộ thẩm định, dự án nào nên giao cho địa phương.

Cần quy định hợp tác liên vùng

Liên quan thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, dẫn kinh nghiệm thực tế, ông Phạm Duy Hậu cho biết một số cuộc có báo trước thường cho kết quả rất tốt, kể cả với vấn đề nước thải y tế vốn được cử tri nêu ý kiến. Song, “sau khi chúng tôi  yêu cầu phải thanh, kiểm tra đột xuất thì kết quả khác hẳn”. Từ đó, ông Hậu cho rằng cần tăng cường số cuộc thanh, kiểm tra đột xuất, thậm chí có thể tiến hành 2 – 3 lần/năm nếu đơn vị đó từng có vi phạm.

Đối với vấn đề khai thác khoáng sản, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng điều này thường có liên quan tới nhiều bộ ngành. Chẳng hạn, khai thác cát liên quan các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do vậy, “cần có thông tư liên ngành để hướng dẫn địa phương quản lý, khai thác vừa bảo đảm khai thác khoáng sản hiệu quả vừa bảo đảm môi trường tại các địa phương”.

Các đại biểu cũng kiến nghị, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định về sự phối hợp, hợp tác liên vùng giữa các tỉnh gần nhau dưới sự chủ trì của cơ quan cấp bộ. Chẳng hạn, nếu có vấn đề về không khí hay nguồn nước thì lập tức có chế tài điều chỉnh giữa các tỉnh này, như hạn chế hoặc dừng cấp phép một số dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chỉ như thế mới giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm. Việc Luật quy định ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường là cần thiết, song ở tỷ lệ nào phải làm rõ căn cứ.