19/04/2024 lúc 21:37 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

VNHN - Vừa qua, tại TP. Mỹ Tho đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận Tài trợ của Dự án "Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long".

VNHN - Vừa qua, tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận Tài trợ của Dự án "Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long".

Lễ ký Thỏa thuận Tài trợ của Dự án "Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long". (Nguồn: Internet)

Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (gọi tắt là CECAD) cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ ký thỏa thuận tài trợ Dự án "Tăng cường năng lực truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long" (gọi tắt là CCBCR).

Tham dự lễ ký kết có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam – Ngài Kari Kahiluoto và bà Lê Thị Vân Huệ - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) cùng đại diện ngành nông nghiệp 05 tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau.

Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam thông qua Quỹ Hợp tác Địa phương (gọi tắt là FLC) hỗ trợ CECAD thực hiện Dự án trong thời gian triển khai 24 tháng, kể từ tháng 7/2020, với kinh phí tài trợ 160.000 Euro, tương đương khoảng 400 triệu đồng. Có 5 tỉnh được thụ hưởng dự án là: Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre và Long An.

Theo bà Lê Thị Vân Huệ - Phó Giám đốc CECAD chia sẻ, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam với mật độ dân số cao và nhu cầu về tài nguyên nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt và sản xuất lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và việc sử dụng nước sông Mekong ngày càng tăng của các quốc gia thượng nguồn.

Ngài Kari Kahiluoto (mặc áo trắng, ngồi hàng đầu), Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam. (Nguồn: Internet)

Được biết, dự án này góp phần thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam, nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cải thiện năng lực truyền thông của các cơ quan liên quan và nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về xâm nhập mặn trong khu vực thông qua việc tham gia tích cực vào các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Mục tiêu chính của dự án gồm: Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông toàn diện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề xâm nhập mặn thông qua sự tham gia tích cực của họ trong việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển và lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm về xâm nhập mặn thí điểm tại tỉnh Tiền Giang. Xây dựng và triển khai mô hình chủ động về nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho cộng đồng địa phương trong bối cảnh xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong đó, các hoạt động của mô hình ứng phó xâm nhập mặn sẽ được triển khai thí điểm tại tỉnh Tiền Giang, đồng thời phát triển hệ thống quan trắc xâm nhập mặn và tăng cường mạng lưới cảnh báo, dự báo sớm phục vụ quản lý thông tin; hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc chủ động thu gom, trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, tiến tới đảm bảo an ninh nguồn nước trong khu vực.

Ngoài ra, chương trình truyền thông toàn diện cũng sẽ được thực hiện để nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về vấn đề xâm nhập mặn thông qua sự tham gia tích cực của họ vào việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu./.