25/04/2024 lúc 19:53 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Kazakhstan

VNHNO - Ngày 24/10, tại Hà Nội, Đại sứ quán Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về những khả năng và tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam cũng như những sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Nursultan Nazarbayev để đảm bảo và duy trì hòa bình, an ninh trên toàn thế giới.

VNHNO - Ngày 24/10, tại Hà Nội, Đại sứ quán Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về những khả năng và tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam cũng như những sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Nursultan Nazarbayev để đảm bảo và duy trì hòa bình, an ninh trên toàn thế giới.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí

Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Zhumakhanov cho biết, Kazakhstan và Việt Nam đang phát triển quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp suốt nhiều thập niên qua. Hai nước đã long trọng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1992 – 2017) vào năm ngoái.

Tại buổi họp báo, nhiều nội dung được đưa ra thảo luận như: Bộ quy tắc ứng xử hướng tới thế giới không khủng bố; tiềm năng vận tải – logistics của Kazakhstan; kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Caspian tại Thành phố Aktau lần thứ 5; kết quả Hội nghị các nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống lần thứ 6; trung tâm tài chính quốc tế “Astana” chính thức hoạt động tại Kazakhstan; 20 năm thành lập thủ đô nước Cộng hòa Kazakhstan – thành phố Astana...

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Kazakhstan năm 2017 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2016, tương đương 542,7 triệu USD và 366,2 triệu USD. 

Trước đó, năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt khoảng 270 triệu USD. Chỉ riêng năm 2015, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt khoảng 220 triệu USD.

Tuy nhiên, những con số này đã tăng đột biến lên 366 triệu USD năm 2016 và đạt khoảng 542 triệu USD năm 2017, đạt mức cao nhất so với các nước thành viên còn lại của Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, hàng rau quả, hàng nông sản, túi xách, máy móc phụ tùng và sắt thép các loại... Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm như lúa mỳ, hóa chất, quặng và khoáng sản...

Đại sứ Zhumakhanov nhấn mạnh, nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp hai bên nên tận dụng để khai thác. Kazakhstan có lợi thế về chăn nuôi và trồng trọt các sản phẩm mà Việt Nam không có, ngược lại Việt Nam lại có thế mạnh về các loại hoa quả vùng nhiệt đới và thủy hải sản. Vì vậy, hai bên cần bổ sung cho nhau mà không có sự cạnh tranh trực tiếp.

Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, tại thành phố Astana (Kazakhstan) đã khai trương Trung tâm tài chính Astana (AIFC). Đây là trung tâm duy nhất trong khu vực được xây dựng dựa trên hệ thống luật pháp Anh, có tòa độc lập và trung tâm trọng tài quốc tế. Các doanh nghiệp thành viên của AIFC sẽ được cấp quyền lợi thuế lên đến 50 năm và được tiếp cận nguồn vốn không chỉ của Kazakhstan mà của toàn bộ khu vực nói chung.

Về sáng kiến của Kazakhstan trong việc vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường sắt Việt Nam – Kazakhstan, các bên cũng đã thống nhất phát triển chung theo 2 hướng vận chuyển hàng hóa, thông qua bến cảng Kazakhstan – Trung Quốc tại Liên Vân Cảng và qua 2 ga giáp biên giới Việt – Trung là Bằng Tường (Trung Quốc) và Đồng Đăng (Việt Nam) để đảm bảo các toa xe container được vận chuyển thẳng giữa hai nước, cũng như đi theo hướng các nước châu Âu, Nga, các nước Trung Á và ngược lại.

Tuyến Liên Vân Cảng đã đi vào hoạt động được 2 năm, hiện 2 tuần có 1 chuyến đi châu Âu. Phía Liên Vân Cảng có 3 kho bãi tập kết hàng từ khu vực Đông Nam Á sang châu Âu, Kazakhstan cũng tạo mọi điều kiện về kho bãi.

Hiện, các bên cũng đã xác định được nhà điều hành tuyến logistics này, phía Kazakhstan là CTCP KTZ Express; phía Việt Nam là Công ty Ratraco./.