23/04/2024 lúc 23:44 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường giải pháp đẩy mạnh không dùng tiền mặt

VNHN - Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang là xu hướng phát triển chung của thế giới, giúp tăng tính minh bạch của nền kinh tế. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng được hưởng lợi từ xu hướng tích cực này.

VNHN - Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang là xu hướng phát triển chung của thế giới, giúp tăng tính minh bạch của nền kinh tế. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng được hưởng lợi từ xu hướng tích cực này.

Ảnh: VGP/Lê Anh.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo "Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt" diễn ra ngày 15/1 tại TPHCM.

Tại Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TTKDTM, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá về sự phát triển của TTKDTM tại Việt Nam thời gian qua, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, TTKDTM đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách hàng.

Trong năm 2018, ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực thanh toán, cụ thể là: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tương ứng mức tăng 25% và 24% so với năm 2017. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH) với nhiều tính năng, tiện ích mới cũng đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện để sớm đi vào vận hành trong năm 2019.

Để đảm bảo an toàn, bảo mật trong các giao dịch, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho biết, NHNN thường xuyên, liên tục rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.

Ngành ngân hàng đang triển khai các nội dung về rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp an ninh bảo mật cho toàn bộ vòng đời của một hệ thống thông tin; trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận; xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng…

TTKDTM cần sự chung tay từ nhiều phía

Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB cho biết, để thay đổi thói quen tiền mặt đã ăn sâu trong người dân cần định hướng của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành. Vai trò của các bên đều rất quan trọng. Trong đó, Chính phủ, NHNN cần hoàn thiện hành lang pháp lý, kiến tạo các hệ sinh thái cho thanh toán số.

Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp trong TTKDTM, nhất là các doanh nghiệp tiên phong, của các cơ quan Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế… là rất quan trọng, cùng với đó là sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Phát, những trở ngại hiện nay đối với TTKDTM đó là các doanh nghiệp e ngại về phí, liên quan đến chiết khấu, hay chi phí về đầu tư công nghệ thông tin ban đầu…

Nhận định về xu hướng TTKDTM, ông Thomas William Tobin, Giám đốc khối bán lẻ của ngân hàng Vietcombank cho rằng, công nghệ số trong đời sống, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống. Năm 2019 sẽ là năm thay đổi rất lớn trong công nghệ thanh toán, nhất là loại thẻ không tiếp xúc, sau khi NHNN ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR code.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, TTKDTM đang là xu hướng phát triển chung của thế giới, giúp tăng tính minh bạch của nền kinh tế; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được hưởng lợi từ xu hướng tích cực này.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Theo đó, NHNN sẽ triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Nghị quyết số 01, 02 năm 2019 của Chính phủ: Thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code; nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.

NHNN triển khai có hiệu quả một số đề án, chiến lược thuộc lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán giai đoạn 2014-2020.

Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng giải pháp, công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực sinh trắc học… nhằm tăng cường đổi mới, tạo sự phát triển bức phá trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

Đồng thời, triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; thực hiện thí điểm một số mô hình thanh toán mới, ban hành và áp dụng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng cho biết, NHNN sẽ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả; triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động thanh toán vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán./.

Theo Chinhphu.vn