25/04/2024 lúc 09:31 (GMT+7)
Breaking News

Tăng chủ động cho chấp hành viên

VNHN - Mặc dù Luật Thi hành án dân sự đã có quy định khá cụ thể về việc bán đấu giá không thành, cách thức xử lý tài sản khi không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành. Tuy nhiên, giữa Luật Thi hành dân sự và Luật Đấu giá tài sản còn có những điểm chưa thống nhất, nên đã gây không ít khó khăn cho chính các cơ quan thi hành dân sự, khó bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án.

VNHN - Mặc dù Luật Thi hành án dân sự đã có quy định khá cụ thể về việc bán đấu giá không thành, cách thức xử lý tài sản khi không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành. Tuy nhiên, giữa Luật Thi hành dân sự và Luật Đấu giá tài sản còn có những điểm chưa thống nhất, nên đã gây không ít khó khăn cho chính các cơ quan thi hành dân sự, khó bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án.

Ảnh minh họa

Luật Thi hành án dân sự sử dụng khái niệm “tài sản không có người tham gia đấu giá” và “bán đấu giá không thành”. Trong khi đó, trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì chỉ sử dụng khái niệm “đấu giá không thành” để chỉ tất cả các trường hợp mà việc tổ chức bán đấu giá không mang lại kết quả, phải thực hiện lại từ đầu. Cụ thể, Điều 52, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định các trường hợp đấu giá không thành bao gồm: Đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá; tại cuộc đấu giá không có người trả giá hoặc không có người chấp nhận giá; giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên; người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá; người đã trả giá rút lại giá đã trả, người đã chấp nhận giá rút lại giá đã chấp nhận mà không có người trả giá tiếp; trường hợp từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 của Luật đấu giá tài sản; đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá. Như vậy, quy định theo Luật Đấu giá tài sản có phạm vi rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề áp dụng văn bản nào, liệu có được áp dụng quy định có lợi nhất cho các bên có liên quan hay không?

Không chỉ vướng về lựa chọn luật áp dụng mà thỏa thuận về mức giảm giá tài sản cũng là một điểm vướng mắc lớn trong đấu giá không thành. Theo quy định tại Điều 104, Luật Thi hành án dân sự quy định, đối với tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nếu không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành - tức là thuộc một trong các trường hợp đấu giá không thành của Khoản 1, Điều 52, Luật Đấu giá tài sản thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá, chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về mức giảm giá thì chấp hành viên quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá.

Với quy định này, đối với tài sản lần đầu đưa ra bán đấu giá nếu đấu giá không thành thì chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản. Vậy, từ lần đấu giá thứ 2 trở đi nếu vẫn đấu giá không thành thì chấp hành viên có phải thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản nữa không? Hiện, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Kết quả thực hiện Luật Thi hành án dân sự cho thấy, hầu hết các lần giảm giá tài sản, để bảo đảm tính chặt chẽ của hồ sơ, chấp hành viên vẫn tiếp tục thông báo và yêu cầu các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì khi đó chấp hành viên mới quyết định việc giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Điều này, cũng có nghĩa là đã kéo dài thời gian tố tụng, thi hành án, mà rất có thể cuối cùng đôi bên đều không thỏa thuận được. Trong tình huống này, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng, đối với các lần sau chấp hành viên có quyền chủ động giảm giá theo quy định của pháp luật đáng để các nhà làm luật tham khảo. Bởi, vừa phát huy tính chủ động của chấp hành viên, vừa giảm bớt thủ tục thi hành án, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.